Những điều cần biết trước khi tiêm vaccine ngừa HPV

Tiêm ngừa vaccine HPV là một trong những biện pháp bảo vệ sức khỏe được nhiều chị em cân nhắc

Bạn cần biết điều gì trước khi tiêm vaccine ngừa HPV, hãy hỏi bác sĩ. Ảnh: Shutterstock

Tiêm ngừa vaccine HPV là một trong những biện pháp bảo vệ sức khỏe được nhiều chị em cân nhắc. Vậy vaccine HPV là gì? Và có tác dụng như thế nào trong việc phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung? Cùng TTGD tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Vaccine ngừa HPV là gì?

Đây là một loại vaccine bảo vệ cơ thể khỏi virus lây truyền qua đường tình dục rất phổ biến mang tên HPV (Human papillomavirus). Khoảng 50% số người từng quan hệ tình dục có nguy cơ mắc HPV vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Cơ thể có khả năng tự đào thải loại virus này. Tuy nhiên nếu để chúng trú ngụ quá lâu sẽ gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, hậu môn, cổ họng hoặc mụn cóc sinh dục.

Hiện có 3 loại vaccine ngừa HPV được chấp thuận sử dụng ở Mỹ đó là Gardasil, Gardasil 9 và Cervarix. Giống với các loại vaccine khác, khó có thể ngăn ngừa mầm bệnh một cách tuyệt đối. Vaccine không thể bảo vệ bạn khỏi hơn 100 chủng HPV hiện nay. Song, với hiệu quả gần như 100% ngừa các bệnh do HPV gây ra, việc tiêm vaccine ngay khi đủ điều kiện vẫn nên được cân nhắc.

Gardasil 9 nhắm vào 9 loại virus HPV, bao gồm: 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58. Trong đó 6 và 8 là loại gây ra mụn cóc sinh dục.

Gardasil nhắm vào 4 loại virus HPV gồm 6, 11, 16 và 18. Còn Cervarix nhắm vào 2 loại virus gồm có 6 và 18.

Tác dụng phụ của vaccine ngừa HPV

Các tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine ngừa HPV hiện chưa được báo cáo. Song từng có dữ liệu ghi chép về việc ngất xỉu sau tiêm ở thanh thiếu niên. Một số tác dụng phụ được liệt kê bao gồm:

  • Đau, sưng tấy ở vị trí tiêm.
  • Đau đầu, sốt hoặc buồn nôn.
  • Suy nhược, cảm thấy mệt mỏi.
  • Đau cơ hoặc khớp.

Giống với bất kì loại vaccine nào, vaccine ngừa HPV cũng có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Nó rất hiếm khi xảy ra nhưng nếu bạn bị sưng mặt, tê bì cổ họng, khó thở hoặc nổi mề đay sau khi tiêm vaccine thì hãy liên hệ với nhân viên y tế ngay lập tức.

Ai nên tiêm vaccine ngừa HPV?

Vaccine hoạt động hiệu quả khi được tiêm ở độ tuổi còn trẻ. Tốt nhất là trước khi quan hệ tình dục lần đầu tiên. CDC Mỹ khuyến cáo trẻ em gái từ 11-12 tuổi có thể tiêm ngừa hai liều. Mỗi liều cách nhau từ 6-12 tháng. Độ tuổi từ 15-26 tuổi cần tiêm liệu trình 3 liều vaccine.

Người trưởng thành từ 27-45 tuổi nếu muốn tiêm vaccine ngừa HPV cần có sự tư vấn từ bác sĩ.

Với những ai đã quan hệ tình dục hoặc từng bị nhiễm 1 chủng HPV trước đó, bạn vẫn có thể tiêm ngừa. Bởi vaccine có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các chủng HPV khác.

Ai không nên tiêm vaccine ngừa HPV?

Tuy chưa có bằng chứng cụ thể về việc vaccine ngừa HPV gây hại cho thai nhi. Nhưng nếu đang mang thai, bạn hãy tạm hoãn việc tiêm chủng. Ngừng việc tiêm ngừa nếu từng có dấu hiệu dị ứng với vaccine trước đó.

>>Xem thêm: Nên và không nên ăn gì khi đang nuôi con bằng sữa mẹ?

Vaccine HPV không phải thuốc chữa bệnh

Vaccine chỉ giúp bạn ngăn ngừa các chủng virus HPV gây bệnh. Đây không phải một loại thuốc điều trị. Tuy nhiên chúng đã được chứng minh là có khả năng bảo vệ lâu dài.

Sau khi tiêm ngừa HPV, phụ nữ vẫn nên làm xét nghiệm PAP nhằm tầm soát ung thư cổ tử cung. Bắt đầu từ năm 21 tuổi cho đến 65 tuổi, các chị em nên làm xét nghiệm tầm soát khoảng 3 năm/lần.

Mức độ an toàn của vaccine ngừa HPV

Hàng chục nghiên cứu cùng với sự tham gia của hàng ngàn người trên khắp thế giới đã cho thấy vaccine HPV an toàn. Các chương trình thực hiện dưới sự theo dõi của chính phủ cũng chỉ ra hiếm khi có vấn đề nghiêm trọng với vaccine này. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe của bản thân, phụ nữ nên tiêm ngừa HPV càng sớm càng tốt.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua