Thời tiết giao mùa tạo điều kiện cho các loại côn trùng nguy hiểm như kiến ba khoang phát triển. Chúng thường trú ngụ ở những nơi cây cối um tùm, sau đó bay vào trong nhà theo ánh đèn. Độc tố của kiến ba khoang gây sưng tấy, bỏng rát trên da. Thậm chí là nhiễm trùng nếu không điều trị kịp thời.
Nhận biết kiến ba khoang
Kiến ba khoang là một loại bọ cánh cứng có tên khoa học là Paederus Fuscipes. Tên tiếng Anh là Rove Beetles. Thân hình thon dài như hạt thóc (khoảng 0,7−1cm, ngang 2−5mm). Thường có ba đôi chân, bụng có đốt, thon nhọn về đuôi, bay và chạy rất nhanh. Thân kiến chia làm 3 khoang với 2 màu đen và nâu xen kẽ.
Phân biệt vết đốt do kiến ba khoang và bệnh zona
Do cơ chế phòng thủ sinh học mà trong kiến ba khoang có chứa chất Pederin. Đây là một loại chất độc gây rộp, phỏng da. Khi chất Pederin dính vào vùng da non và nhạy cảm như vùng mặt, cổ, cánh tay… Thì vùng da đó sẽ bị phồng rộp, bỏng, đau rát. Nhìn sơ, hình dạng vết thương do kiến ba khoang gây ra rất giống với vết phồng rộp do bệnh Zona (giời leo).
Việc chẩn đoán nhầm, sử dụng thuốc sai sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Khiến bệnh nặng và quá trình phục hồi lâu hơn.
Theo các chuyên gia, khi bị kiến ba khoang đốt thì ban đầu sẽ cảm thấy ngứa, bỏng rát và căng da. Sau đó, da đỏ và sưng nề, trên có nhiều mụn nước to nhỏ không đều 1-5 mm. Vài ngày sau thành bóng nước hay bóng mủ. Nếu cào gãi hay chà xát sẽ làm tổn thương lan sang vị trí khác.
Bệnh zona thần kinh do virus gây ra. Bệnh biểu hiện là những đám mụn nước, bóng nước căng chứa dịch trong. Chúng mọc thành chùm trên nền da đỏ. Phân bố một bên cơ thể và theo đường đi của dây thần kinh. Thường gặp ở vùng ngực, đầu mặt cổ và vùng mông đùi. Ngoài ra, bệnh nhân có thể mệt mỏi, sốt, nhức đầu…
>> Xem thêm: Xáo trộn việc học của sinh viên vì kiến ba khoang
Mẹo xử lí kiến ba khoang vào thời điểm giao mùa
Khi phát hiện trong nhà có kiến ba khoang, bạn tuyệt đối không nên chạm trực tiếp vào chúng bằng tay. Thay vào đó hãy lót giấy thật dày để bắt rồi vứt bỏ. Nếu thấy kiến đậu trên da, cần bình tĩnh xử lí bằng cách thổi đi chứ không nên đập giết kiến. Vùng da tiếp xúc kiến ngay lập tức phải được rửa bằng nước sạch.
Trong sinh hoạt hàng ngày cần chú ý:
- Trước khi sử dụng khăn lau hoặc quần áo thì cần xem xét kỹ. Phủi sạch quần áo trước khi mặc và giường chiếu trước khi nằm.
- Lúc ngủ nên buông màn và tắt bớt đèn trong nhà.
- Hạn chế mở cửa vào ban đêm, đặc biệt là ở những khu nhiều cây cối hoặc gần công trường.
- Sử dụng bình xịt côn trùng gia dụng, xịt vào các chân tường, bậc cửa ra vào, cửa sổ để ngăn kiến bò vào nhà.
- Dùng các loại bẫy đèn để dẫn dụ và bắt kiến, không cho kiến vào nhà.
- Nếu không may bị dính độc tố từ kiến ba khoang, cần rửa sạch bằng nước. Sau đó dùng các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ như dung dịch Jarish, mỡ kháng sinh rồi đến cơ sở y tế để được chỉ định điều trị thêm.
Tiếp Thị Gia Đình