Trải qua những ngày giãn cách xã hội kéo dài, nhiều hộ gia đình đã hình thành thói quen tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh để dùng dần. Tuy nhiên một số loại vi khuẩn có thể phát triển mạnh ở nhiệt độ lạnh mà không ảnh hưởng đến mùi vị hay vẻ ngoài của thực phẩm.Vì thế người dân khó nhận biết và dễ ăn phải gây tổn hại đến sức khỏe.
Tích trữ thực phẩm sai cách trong tủ lạnh khiến vi khuẩn sinh sôi
Thực phẩm tích trữ lâu ngày trong tủ lạnh gây hại cho sức khỏe bởi chúng có thể sản sinh vi khuẩn. Ngoài ra còn có trường hợp lây nhiễm chéo vi khuẩn giữa các loại thực phẩm. Nếu chúng không được bảo quản trong hộp hoặc bao bì riêng biệt, việc lây lan vi khuẩn rất dễ xảy ra.
Có hai loại vi khuẩn tồn tại trong thực phẩm đã được làm lạnh. Thứ nhất là vi khuẩn gây bệnh (các bệnh liên quan đến thực phẩm). Và vi khuẩn gây hỏng – làm hỏng thực phẩm đồng thời tạo ra mùi khó chịu.
Các vi khuẩn gây bệnh có thể phát triển nhanh chóng ở nhiệt độ từ 4-6 độ C. Nhưng chúng không ảnh hưởng đến mùi vị hoặc vẻ ngoài của thực phẩm. Điều này khiến ta khó lòng nhận biết được sự có mặt của vi khuẩn gây bệnh trong thực phẩm nếu chỉ quan sát bằng mắt thường.
Vi khuẩn gây hỏng dễ nhận biết hơn bởi chúng sẽ khiến thực phẩm trông xấu đi. Kèm theo đó là mùi khó chịu. Khi tích trữ với số lượng lớn trong nhiều ngày liên tục, thực phẩm bảo quản sai cách khiến cho người dùng mắc phải các vấn đề về sức khỏe. Liên quan đến vi khuẩn Salmonella, E.Coli, C. Botulinum gây ngộ độc Botulinum và nhiều căn bệnh tiềm tàng khác.
>>Xem thêm: Tủ lạnh không thật sự an toàn!
Làm gì để tránh tích trữ thực phẩm sai cách trong tủ lạnh?
Khi trữ đông thịt cá nên chia nhỏ thành từng phần đủ ăn. Tránh rã đông một lượng lớn rồi đông lạnh trở lại phần thừa, làm tăng nguy cơ nhiễm vi sinh. Trong ngăn đông, nên sắp xếp thực phẩm sao cho hợp lý. Thực phẩm chín để trên, đồ tươi sống để dưới và tốt nhất là để khác ngăn, khác tầng để tránh nhiễm chéo.
Bảo quản thực phẩm trong hộp có nắp đậy kín. Ghi ngày để sử dụng theo thứ tự ưu tiên. Thực phẩm trữ đông trước dùng trước, trữ đông sau dùng sau.
Việc mua sắm, tích trữ quá nhiều thực phẩm cũng không bảo đảm an toàn khi sử dụng. Thậm chí có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Các chuyên gia khuyên mỗi gia đình chỉ nên trữ thực phẩm ở trong tủ lạnh không quá 5 ngày. Kể cả các thực phẩm đông đá như là thịt, hải sản… Còn các loại rau xanh và hoa quả thì chỉ nên lưu lại ở trong ngăn mát tủ lạnh từ 3 – 4 ngày.
Nhiệt độ thích hợp ở trong ngăn mát tủ lạnh nên duy trì ở dưới 20 độ C, còn ngăn đá tủ lạnh cần duy trì dưới -18 độ C. Ngoài ra, khi sắp xếp thì nên cho thực phẩm có không gian lưu thông khí. Chứa quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh cũng dễ làm cho chúng chóng bị hỏng.
>>Xem thêm: 5 cách vệ sinh và khử mùi hôi tủ lạnh cực nhanh và hiệu quả
Những thực phẩm không nên tích trữ trong tủ lạnh
Chuối còn xanh khi bảo quản trong tủ lạnh sẽ khó có thể chín tiếp được. Thậm chí chúng còn bị nhũn và hỏng. Bạn nên đợi đến khi chuối chín hẳn rồi mới cất giữ trong tủ lạnh sẽ tốt hơn.
Các loại hoa quả như bơ, đào, lê, mận, dưa hấu… cũng là thực phẩm thường bị tích trữ sai cách trong tủ lạnh. Chúng sẽ tạo khí etilen dễ làm hỏng các thực phẩm khác. Dưa hấu nếu đã được gọt vỏ và cắt thành miếng thì phải để ở ngăn mát.
Dưa chuột, cà chua và cà tím cũng không nên cho vào tủ lạnh. Những loại quả này chỉ thích hợp ở nhiệt độ phòng. Nếu đã để quá 6 – 8 ngày thì chúng sẽ bị đổi màu và không ăn được nữa.
Tiếp Thị Gia Đình