Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Việc kéo dài các chỉ thị phòng chống dịch; đặc biệt là buộc mọi người dân không ra ngoài, cách xa những người thân yêu; và ngừng các hoạt động ngoài trời, tất cả đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của cộng đồng. Ngay cả những người mạnh mẽ đôi lúc cũng cảm thấy chông chênh, căng thẳng, lo lắng khi ở một mình; bị giới hạn trong một không gian duy nhất và phải tiếp nhận rất nhiều thông tin tiêu cực từ dịch bệnh bùng phát.
Covid-19 ảnh hưởng đến tâm lý như thế nào?
Thời gian qua, chúng ta đang phải đối diện với rất vô vàn vấn đề: mất việc, thiếu hụt thực phẩm, khó khăn về tài chính, kinh tế suy kiệt… Nhiều người còn đau buồn hơn khi mất đi người thân yêu. Sống trong thời đại của virus corona có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm trạng của bạn.
Con người là sinh vật xã hội. Việc bị cắt đứt tương tác, không gặp gỡ với gia đình và bạn bè có thể gây ra trầm cảm. Hoặc khiến các triệu chứng tâm lý hiện có trở nên tồi tệ hơn. Ở trong nhà quá lâu có thể khiến bạn cảm thấy bị cô đơn, cô lập và phải một mình đối mặt với những vấn đề của bản thân.
Không chỉ cá nhân, các mối quan hệ cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các mối quan hệ bền vững rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của con người. Tuy nhiên, việc phải trải qua nhiều tháng bị cách ly, chia xa khiến các mối quan hệ dần lạnh nhạt, thiếu gắn kết. Song song đó, việc ở cạnh nhau 24/7 cũng khiến các cặp vợ chồng và mối quan hệ trong gia đình xảy ra không ít lục đục, tranh cãi.
>>Xem thêm: Đừng để nỗi sợ hãi nhấn chìm bạn!
Con số ca nhiễm không ngừng tăng mỗi ngày, số ca tử vong liên tục được cập nhật khiến tất cả chúng ta phải lo sợ, hoang mang. Tuy nhiên, khi những lo lắng vượt khỏi tầm kiểm soát, chúng có thể khiến bạn hoảng loạn.
Buồn chán, cô đơn và căng thẳng khi phải “giam mình” trong nhà, gặp khó khăn về tài chính, hoặc phải xoay sở giữa việc nhà và việc công ty, có thể dẫn đến những cách giải quyết không lành mạnh. Nhiều người tìm đến bia rượu, hút thuốc, ăn vặt không kiểm soát để cố gắng cải thiện tâm trạng và đối phó với căng thẳng.
Mặc dù những phương pháp này có thể giúp bạn giải tỏa tạm thời, nhưng về lâu dài, chúng sẽ khiến các triệu chứng trầm cảm trở nên tồi tệ hơn.
10 điều cần làm để cải thiện tâm trạng, gia tăng sức mạnh của thái độ lạc quan
1. Giữ kết nối với mọi người
Thông qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội hoặc bằng các cách khác, việc giữ kết nối với mọi người có thể giúp bạn tránh bị cô lập và trầm cảm. Ngoài ra, bạn nên tận dụng mạng xã hội để mở lòng chia sẻ về những gì bạn đang trải qua. Cách này rất hữu hiệu để tăng sức mạnh của thái độ lạc quan.
>> Xem thêm: Bí kíp “giữ lửa” khi yêu xa mùa dịch
2. Suy nghĩ những gì nằm trong tầm kiểm soát của bạn
Khi phải đối mặt với tình cảnh có nhiều sự không chắc chắn; bị gián đoạn hoặc kế hoạch bị đảo lộn, bạn có thể cảm thấy bất lực. Ngay lúc này, hãy tập trung vào những việc bạn yêu thích và vẫn có thể làm như học làm bánh, nghe nhạc, ngồi thiền…
3. Chăm sóc cơ thể
Sức mạnh của thái độ lạc quan có sự góp sức của ngủ một giấc ngon; tập thể dục điều đặn và ăn uống lành mạnh. Thói quen này giúp bạn có thêm năng lượng, động lực; và giúp kiểm soát cảm xúc tiêu cực trong giai đoạn giãn cách xã hội.
4. Lập khung giờ làm việc
Rất nhiều người vẫn đang làm việc bình thường tại nhà. Do đó, hãy tuân thủ thời gian làm việc giống như bạn đang làm ở văn phòng. Điều này sẽ gia tăng sự tập trung, tránh xao lãng và giảm hiệu suất.
>>Xem thêm: Bí kíp tăng sự tập trung khi làm việc tại nhà mùa COVID-19
5. Hạn chế cập nhật tin tức tiêu cực
Bạn vẫn cần cập nhật tin tức mỗi ngày. Tuy nhiên, hãy chọn lựa tiếp cận từ các nguồn chính thống, uy tín. Bởi lẽ, khi “tiêu thụ” những tin tức tiêu cực, không xác thực (chủ yếu bắt nguồn từ mạng xã hội) sẽ chỉ làm tăng nỗi hoang mang.
6. Chăm sóc vật nuôi
Sự hiện diện của thú cưng giúp bạn bớt cảm thấy bị cô lập trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài. Thú nuôi có thể tăng sức mạnh của thái độ lạc quan bên trong bạn.
>>Xem thêm: Bộ Y Tế cảnh báo Covid-19 có thể lây từ người sang vật nuôi!
7. Duy trì thói quen tốt
Thói quen tốt bao gồm tập thể dục, yoga, chăm sóc cơ thể, dạy con học, trau dồi kiến thức mới, đọc sách…
8. Bày tỏ sự biết ơn
Ngay cả trong những ngày đen tối nhất, bạn vẫn có thể tìm thấy một điều gì đó để biết ơn. Điều này có thể giúp tâm trí rời xa những suy nghĩ tiêu cực và thúc đẩy tâm trạng của bạn tươi sáng hơn.
9. Thực hành kỹ thuật thư giãn
Giãn cơ hoặc tập thở sâu sau mỗi buổi tập thể dục có thể giúp bạn thư giãn. Nếu bạn muốn tâm trí bình yên hơn, hãy thử phương pháp Thiền Chánh niệm (Mindfulness Meditation), Bồn tắm âm thanh (Sound Bath) hoặc Thiền buông thư.
>>Xem thêm: Thiện chánh niệm – Cách đơn giản để gọi bình yên quay về bên ta
10. Sử dụng lời nhắc để luôn đi đúng hướng
Hãy lưu lại những lời nhắc phù hợp với bạn trên điện thoại hoặc viết ra giấy ghi chú và dán xung quanh nhà. Mỗi khi nhìn thấy chúng, bạn có thể sẽ bình tĩnh hơn và đi đúng mục tiêu đã đề ra.
Bài: Alex Võ
Tiếp Thị Gia Đình