Sức khỏe của chúng ta được hình thành từ chính những gì mà ta nạp vào cơ thể. Một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý sẽ giúp bạn ngày càng khỏe mạnh. Đồng thời gia tăng sức đề kháng để có thể vượt qua bệnh tật. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. HCM, dưới đây là 6 nhóm thực phẩm mà chúng ta nên bổ sung đầy đủ. Đặc biệt là giữa thời kì dịch COVID-19 bùng phát trở lại.
Nhóm Flavonoid
Thực phẩm chứa Flavonoid giúp tăng cường hệ miễn dịch nhờ khả năng ức chế các hoạt động của virus. Chúng thường được tìm thấy trong quả dâu, trà xanh, cần tây, hành tây. Bên cạnh đó là trái cây họ cam chanh bưởi, rau gia vị như húng, tía tô… Súp lơ, cải xanh, táo, gừng, tỏi, nghệ, dầu olive cũng có thành phần là Flavonoid.
Nhóm đạm
Nhóm đạm (Protein) là thành phần không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng. Nó cấu tạo nên tế bào và mô của cơ thể. Ngoài ra còn có vai trò trong các phản ứng miễn dịch. Nếu bị thiếu protein, cơ thể sẽ khó hình thành kháng thể dẫn đến giảm khả năng chống lại virus.
Các thực phẩm giàu đạm bao gồm cá, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa… Bên cạnh đó, đừng quên bổ sung cả đạm từ thực vật. Ví dụ như đậu, nấm, đậu phụ…
Nhóm Vitamin
Vitamin giúp nâng cao sức đề kháng. Sử dụng Vitamin từ thực phẩm tươi sạch sẽ tốt hơn dùng các loại Vitamin tổng hợp hoặc thực phẩm chức năng:
- Vitamin A: gan động vật, các loại rau củ có màu vàng, đỏ, xanh…
- Vitamin C: ổi, cam, chanh, đu đủ, bưởi, nhãn, kiwi, ớt chuông, rau ngót, cần tây, rau đay, rau cải…
- Vitamin D: dầu gan cá, nhất là ở các loại cá béo, cá trích…
- Vitamin E: dầu thực vật, quả hạch, hạt hướng dương, mầm lúa mì, hạt ngũ cốc toàn phần, đậu phộng, rau bina, cải xoăn…
- Acid Folic: thịt bò, cam, các loại rau màu xanh đậm…
- Vitamin B6: cá hồi, cá ngừ, các loại trái cây, rau củ …
- Vitamin B12: trứng, thịt, cá, phomai…
Xem thêm: 9 loại thức ăn chứa nhiều vitamin C tốt cho đề kháng
Nhóm khoáng chất
Khoáng chất là thành phần không thể thiếu cung cấp năng lượng cho cơ thể. Đồng thời cải thiện sức đề kháng. Hãy bổ sung vào bữa ăn hàng ngày các thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch như:
- Sắt: gan động vật, nghêu, vừng, các loại đậu…
- Kẽm: các loại sò, thịt động vật, vừng, đậu…
- Đồng: nội tạng động vật và ngũ cốc nguyên cám…
- Selen: nội tạng và thịt động vật, hải sản…
Nhóm vi sinh vật có lợi cho sức khỏe
Probiotics (nhóm vi sinh vật có lợi) và Prebiotics (chất xơ) là nhóm chất không thể thiếu để duy trì hoạt động của cơ thể. Trong khi Probiotics có nhiều ở sữa chua, sữa, phó mát, dưa chua, kim chi, cà pháo… Thì Prebiotics được tìm thấy ở hạt óc chó, chocolate đen, hành tây, yến mạch, táo, tỏi tây, đậu lăng đỏ…
Nhóm chất béo giàu Omega-3
Nên sử dụng các loại chất béo không no có trong cá, quả bơ, dầu olive, dầu đậu nành… hơn là chất béo no từ thịt mỡ, bơ thực vật, pho mát. Omega-3 cũng là acid béo giúp nâng cao đề kháng mà cơ thể chưa thể tự tổng hợp được. Hãy bổ sung chúng thông qua dầu cá, cá hồi, cá mòi, basa, cá bơn, cá thu, cá ngừ…
Một vài lưu ý để nâng cao sức khỏe giữa mùa dịch
Ngoài chế độ ăn uống đa dạng với 6 nhóm thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch, bạn nên uống đủ nước (từ 1,5-2 lít mỗi ngày). Tránh các loại thức uống có gas, nước ngọt hay đồ uống có cồn. Hãy xây dựng lối sống lành mạnh. Luyện tập thể dục đề đặn ngay cả khi ở trong nhà. Với thời gian tối thiểu 30 phút/ngày. Duy trì việc ngủ đủ 7-8 tiếng đồng thời giữ tinh thần lạc quan, không nên lo lắng thái quá. Quan trọng hơn, nhớ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cũng như nước sát khuẩn. Hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Tiếp Thị Gia Đình