Trồng cây thuỷ sinh là một gợi ý hay ho cho văn phòng bớt đơn điệu. Bên cạnh tính thẩm mỹ, cây thuỷ sinh để bàn còn mang lại nhiều lợi ích về sức khoẻ. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách trồng và chăm sóc loại cây này sao cho vừa đẹp vừa bền.
Ba loại cây thuỷ sinh phổ biến
Hiện nay có ba loại cây thuỷ sinh phổ biến mà bạn có thể trồng trong văn phòng, bao gồm:
Thuỷ sinh ngập nước
Đúng như tên gọi, cả rễ và tán của cây hoàn toàn chìm trong nước. Ví dụ như rêu java, dương xỉ java, rong cúc và ráy thuỷ sinh.
Bán thuỷ sinh
Rễ của các loài thực vật này sinh trưởng dưới nước còn tán lá sẽ vươn lên trên mặt nước. Điển hình là cây trầu bà, cây tróc bạc, cây dây nhện…
Thực vật nổi trên mặt nước
Chúng phát triển trên bề mặt nước và gần như “nổi tự do”. Hệ thống rễ của chúng nhỏ và ngắn. Tiêu biểu là bèo cái, bèo tấm, bèo Nhật…
Cần chuẩn bị những gì?
Sau đây TTGD sẽ hướng dẫn bạn những nguyên vật liệu cần thiết để tạo nên một bể thuỷ sinh đẹp:
– Bể thuỷ tinh trong suốt
– Đất nền thuỷ sinh
– Đá/đá cuội
– Các loại cây
– Phân bón
– Nước
Chọn bể
Bạn có thể tận dụng bất kì chiếc bể thuỷ tinh nào để tạo nên khu vườn thuỷ sinh cho riêng mình. Nếu văn phòng không được rộng rãi, hãy chọn loại bể có kích thước dài – rộng – cao tương ứng 50x30x30 (cm). Với lớp kính cường lực có độ dày 8mm. Ngoài ra bạn có thể mua hồ đúc với kính dày khoảng 6mm. Hồ này dễ dàng đặt trên bàn, có nắp đậy và thường được bố trí sẵn đèn và lọc.
Làm sạch rễ cây
Dù chọn loại cây nào cho bể thuỷ sinh thì bạn cũng phải làm sạch rễ của chúng trước. Phần rễ dính bùn đất cũng như tạp chất có thể khiến nước bể bị đổi màu. Bạn không nên kì cọ quá mạnh, thay vào đó hãy xối nước lên rễ cây đến khi chúng trở nên sạch sẽ.
Bắt đầu nuôi trồng
Sau khi rửa sạch cây, đặt chúng vào vị trí cố định trước khi bơm nước vào bể. Với những loại cây thuỷ sinh nổi thì bạn làm ngược lại. Đổ đầy nước vào bể rồi mới sắp xếp cây.
Đất nền là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho các cây thuỷ sinh sống và phát triển. Đây cũng là nơi nhiều loại sinh vật cư ngụ nhằm góp phần phát triển hệ sinh thái thu nhỏ. Người mới chơi nên chọn đất nền công nghiệp có bán tại các cửa hàng.
Đặt cây xuống lớp đất nền và nhẹ nhàng cố định gốc cây bằng đá cuội. Hãy thật khéo léo sao cho cây đứng vững mà lớp đá không che mất hoàn toàn phần rễ. Việc che đậy quá nhiều khiến rễ chậm phát triển.
Thêm nước vào bể
Khi đã hài lòng với bố cục vừa sắp xếp. Hãy thêm nước vào bể. Một lưu ý nhỏ là bạn nên dùng nước lọc. Sử dụng nước máy thì nên để qua đêm cho clo bay hơi hết. Đảm bảo rằng nước ở nhiệt độ phòng, không quá nóng cũng không quá lạnh vì sẽ khiến cây sốc nhiệt. Đừng đổ ào ào trực tiếp, thay vào đó hãy đổ nước theo cạnh bên trong thành bể. Nếu dùng vòi bơm thì nên đặt vòi sát đáy bể để nước lên từ từ.
Lắp đặt các thiết bị phụ trợ
Đèn nền: Không chỉ tạo màu sắc, đèn nền còn cung cấp ánh sáng để duy trì hệ thuỷ sinh. Nên cân nhắc đến thông số vì mỗi loại đèn lại đem đến lợi ích khác nhau.
Bình lọc: Giúp loại bỏ cặn bã từ thức ăn dư thừa của cá. Đồng thời hạn chế sự ô nhiễm và tạo môi trường để vi sinh vật cũng như thuỷ sinh phát triển.
Bình tạo CO2: Giúp tạo một lượng CO2 hoà tan trong nước, thúc đẩy quá trình quang hợp của cây thuỷ sinh. Đồng thời tạo ra lượng oxi hoà tan để các loài động vật có thể sinh sống.
Trồng cây thuỷ sinh là một trong những thú vui ít tốn công sức chăm sóc. Bởi cứ vài tuần bạn mới phải thay nước và vệ sinh bể chứa một lần. Lưu ý nhỏ là bạn không nên vệ sinh bình lọc cùng ngày thay nước để tránh ảnh hưởng đến hệ vi sinh.
Tiếp Thị Gia Đình