Không ít người độc thân có lựa chọn. Họ không yêu không phải vì thiếu đối tượng. Mà yêu với họ mang tính rủi ro cao và cần được tránh xa. Tận sâu trong lòng những người này có một nỗi sợ vô hình với tình yêu.
Sợ yêu là hội chứng tâm lý
Nghe thì tưởng nói đùa, nhưng thực tế sợ yêu là một hội chứng tâm lý được nghiên cứu và có tên khoa học hẳn hoi. Philophobia – hay còn gọi là hội chứng sợ yêu có tên bắt nguồn từ “filos”. Đây là một từ trong tiếng Hy Lạp mang nghĩa yêu hoặc được yêu. Người mắc hội chứng này có xu hướng né tránh mọi sự liên kết cảm xúc yêu đương; cũng như luôn tỉnh táo để đề phòng mọi hình thức gắn kết tình cảm; ngay cả khi chính bản thân họ cũng có cảm xúc với đối phương. Dần dà, hội chứng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý và đời sống tình cảm. Nó hướng họ đến một cuộc sống cô độc và ít cảm xúc.
Để biết mình có phải người sợ yêu hay không, thật ra không khó. Nếu bạn đã từng mang trong đầu những suy nghĩ giống như những biểu hiện dưới đây; thì hẳn bạn thuộc týp không sợ trời, không sợ đất, chỉ sợ có người yêu:
˜ Lỡ có người nói thích mình là tự động “quay xe”, thầm nhủ: “Để coi mấy người thích tôi được bao lâu”.
˜ Lỡ để ý ai đó, vừa nghĩ đến việc bày tỏ tình cảm với người ta thôi; còn chưa kịp “chốt đơn” là đã tự động “hủy đơn” vì lý do: “Kiểu gì mà người ta chẳng từ chối!”
˜ Lỡ tán đổ người ta, xong người ta tán lại thật thì tự động bùng kèo, hủy show, không crush nữa.
˜ Lỡ yêu nhau được vài tháng rồi, nhưng trong thâm tâm lúc nào cũng trăn trở “Có khi nào tháng sau chia tay không ta?”.
Hỡi những người sợ yêu, không ai bắt bạn phải vứt bỏ hết lý trí, lao đầu vào tình yêu với ai đó. Nhưng cũng chẳng ai ép bạn phải tránh xa tình yêu như tránh tà. Chuyện tình cảm thuộc về cảm xúc, vốn dĩ đã khó giải thích. Yêu thì yêu, không yêu thì thôi. Đừng vì sợ này sợ kia rồi suy diễn đủ thứ. Rồi làm những điều khiến đối phương thêm khó hiểu.
Sợ gì không sợ, hà cớ gì sợ yêu?
Cuộc sống vạn biến, biết bao thứ làm người ta sợ: sợ ma, sợ chết, sợ khổ, sợ bệnh, sợ nghèo… Những nỗi sợ trên không khó để tìm ra cách hóa giải. Còn sợ yêu thì sao? Muốn trị được bệnh, phải bắt mạch để tìm được nguyên nhân. “Tình yêu, em sợ tình yêu. Vì tình yêu như là hương hoa. Lỡ mai sau em mất tình yêu, em khổ thật nhiều” – Phi Nhung và Lệ Quyên từng hát vậy để giải thích về nỗi sợ yêu của mình. Thế còn nỗi sợ yêu của bạn là gì?
Nếu bạn sợ yêu vì một cú sốc hay biến cố từ quá khứ khiến bạn mất niềm tin vào tình yêu; thì hãy nhớ rằng không ai tắm hai lần trên một dòng sông cả. Chỉ vì một lần yêu lầm người mà hiểu lầm về tình yêu luôn thì tội cho tình yêu quá!
Chuyện đã qua chưa bao giờ quan trọng bằng chuyện sắp đến. Thời tới người ta còn cản không kịp, tình yêu tới việc gì phải cự tuyệt làm chi.
Nếu bạn sợ yêu vì nghĩ rằng mình sẽ không chịu được những tổn thương; thì hãy nhớ rằng không chỉ có tình yêu mới mang lại tổn thương cho người ta. Công việc, quan hệ xã hội, mâu thuẫn, tham vọng, ganh đua… đến một lúc nào đó, đều có thể làm bạn tổn thương. Bạn có thể chọn cho mình một cuộc sống không có tình yêu; nhưng một cuộc sống không có tổn thương dường như là điều không thể. Như vậy tính ra thì có tổn thương nhưng vẫn còn tình yêu để chữa lành vẫn lời hơn chứ nhỉ?
Nếu bạn sợ yêu vì nghĩ rằng mình ổn nhất khi độc thân, không cần lấp đầy cuộc sống bằng một mối quan hệ; vậy thì tại sao phải sợ chi nữa? Mình độc lập, tự do, hạnh phúc với bản thân mình; thế thì tình yêu phải sợ mình chứ sao mình phải sợ tình yêu? Một khi đã không sợ tình yêu nữa thì cũng chẳng việc gì phải xa lánh hay né tránh nó. Đang yên đang lành một mình tự nhiên tình yêu tới thì mình cứ “chơi khô máu” thôi, được ăn cả ngã… ăn đám cưới.
Trở lại với câu hỏi “Sợ ế hay sợ yêu?”, thực ra chẳng có cái nào đáng sợ cả. Độc thân hay đang yêu, suy cho cùng vẫn chỉ là những lựa chọn của mỗi người trong việc phản hồi lại những cảm xúc cá nhân theo cách làm họ thoải mái nhất. Nếu như ế không làm ta sợ, thì cũng chẳng việc gì mà ta phải sợ tình yêu cả.
Bài: Lê Lộc
Tiếp Thị Gia Đình