8 bước sơ cứu và cầm máu vết thương tại nhà

Trong cuộc sống hàng ngày, những tai nạn nhỏ như vết cắt hay vết xước có thể khiến ta chảy máu. Vậy bạn đã biết cách sơ cứu và cầm máu vết thương chưa?

cầm máu tại nhà

Hướng dẫn cầm máu vết thương nhỏ tại nhà. Ảnh: Shutterstock

Bài viết này, TTGĐ sẽ bày bạn 8 cách cầm máu vết thương tại nhà cho những vết thương nhỏ, nông và không quá nghiêm trọng.

Giữ chặt vết thương hở

Tạo áp lực lên vết thương là cách tốt nhất để cầm máu. Bạn đặt một miếng bông gòn, vải hoặc khăn sạch lên vết thương. Sau đó, bạn dùng cả hai tay ấn chặt và giữ liên tục cho đến khi máu ngừng chảy.

Nâng cao vùng bị thương

Giảm lưu lượng máu đến vết thương cũng giúp cầm máu. Do đó, hãy nâng cao vùng bị thương nếu có thể. Nếu bị thương ở bàn tay hoặc cánh tay, bạn chỉ cần nâng lên trên đầu. Nếu vết thương ở chi dưới, hãy nằm xuống và nâng vùng bị ảnh hưởng lên trên mức của tim.

Chườm nước đá

Chườm đá lên vết thương sẽ làm co mạch máu, giúp cục máu đông hình thành nhanh hơn và cầm máu dễ dàng. Cách tốt nhất là bạn nên bọc đá vào một miếng vải sạch và khô rồi đặt lên vết thương.

Trà

Bã trà là phương pháp phổ biến để xử lý vết thương chảy máu. Trong trà có chứa tannin. Đây là chất có tác dụng làm co mạch, khiến máu đông lại, từ đó cho hiệu quả cầm máu. Ngoài ra, tannin còn là một chất khử trùng, giúp tiêu diệt vi khuẩn và hạn chế nhiễm trùng vết thương.

Sáp dầu khoáng

Sáp dầu khoáng (petroleum jelly) là một chất béo, nhờn, không mùi, không vị làm từ dầu khoáng và sáp tự nhiên. Không chỉ có tác dụng dưỡng da, loại sáp này có thể hỗ trợ cầm máu cho những vết thương không quá sâu. Một sản phẩm sáp “thần thánh” mà ai cũng quen thuộc, đó là vaseline.

Dung dịch sau cạo râu

Với nam giới, dung dịch bôi lên da sau khi cạo râu (After Shave) không quá xa lạ. Nó làm dịu da, giảm kích ứng sau khi cạo râu nếu chẳng may có sự cố trầy xước. Sản phẩm thẩm thấu nhanh, không nhờn rít, làm sạch bề mặt da. Đối với vết thương nhỏ cần cầm máu, dung dịch sau cạo râu sẽ phát huy tác dụng hiệu quả.

Chất chống đổ mồ hôi

Các sản phẩm chống đổ mồ hôi ngăn chặn hoặc ức chế mồ hôi tiết ra và khử mùi khó chịu trên cơ thể. Ngoài việc thu nhỏ các tuyến mồ hôi, thành phần nhôm clorua trong chất chống đổ mồ hôi cũng có thể làm co mạch máu để giúp vết thương đông lại. Đừng nhầm lẫn với các sản phẩm khử mùi. Chúng được khuyến cáo tránh bôi lên vết thương hở.

Nước súc miệng

Chất cồn trong nước súc miệng hoạt động như một chất làm se bề mặt. Khi bôi lên vết thương, nó sẽ giúp máu đông nhanh hơn.

Ngăn ngừa nhiễm trùng

Ngay cả khi máu đã ngừng chảy, điều quan trọng là phải giữ vết thương sạch sẽ để tránh nhiễm trùng. Bạn nên rửa vết thương bằng nước mát và dùng xà phòng để rửa vùng xung quanh, tránh để bọt dính vào vết thương. Nếu có thể, hãy dùng nhíp loại bỏ bụi bẩn hoặc mảnh vụn bên trong vết thương. Điều quan trọng là phải rửa sạch nhíp bằng cồn trước khi sử dụng.

Bài: Nou
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua