Cá ngừ có nhiều thịt, ít xương và có hương thơm hấp dẫn. Đây là nguyên liệu cho các món sashimi, sushi của người Nhật. Ngoài ra, cá ngừ còn chế biến thành nhiều món ăn ngon khác như salad cá ngừ, cá ngừ kho thơm,… Xét về thành phần dinh dưỡng, cá ngừ giàu đạm, omega-3, i-ốt, kali, selen, vitamin B6, B12… Với những dưỡng chất trên, loại thực phẩm này sẽ mang lại lợi ích sức khỏe như thế nào cho con người?
Ngăn ngừa các vấn đề về thị lực
Omega-3 trong cá ngừ dường như có tác động tích cực đến sức khỏe “cửa sổ tâm hồn” của chúng ta. Kết quả một nghiên cứu trên 40.000 phụ nữ cho thấy những người ăn nhiều cá này mỗi tuần sẽ làm giảm hơn 68% nguy cơ mắc bệnh khô mắt. Theo các nhà khoa học, omega-3 cũng được cho là có đóng góp vào sức khỏe tổng thể của võng mạc.
Hỗ trợ thiếu máu
Sắt là một nguyên tố không thể thiếu trong cấu tạo cơ thể con người. Điều thú vị là cá này không chỉ chứa một lượng lớn chất sắt mà còn có nhiều vitamin nhóm B. Đây là các vitamin đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành hồng cầu, ngăn ngừa thiếu máu.
Giảm cân
Cá ngừ có hàm lượng protein tương đối cao nhưng lại rất ít calo. Chính điều này sẽ giúp cơ thể no lâu và ngăn bạn ăn nhiều. Nghiên cứu của các nhà khoa học cũng cho thấy, các axit béo omega-3 có trong cá này có thể kích thích một loại hormone gọi là leptin. Chất này có thể giúp hạn chế việc ăn quá nhiều. Đặc biệt là đảm bảo cơ thể chỉ nạp những thứ thực sự cần thiết.
Tốt cho tim mạch
Cá ngừ được biết đến như một thực phẩm tối ưu cho những người bị cao huyết áp nhờ vào hàm lượng các axit béo omega-3. Bên cạnh đó, trong cá còn có kali. Chất này được ví như thuốc giãn mạch, giúp ngăn ngừa các cơn đau tim, đột quỵ hoặc xơ vữa động mạch.
Tăng cường hệ thống miễn dịch
Cá ngừ chứa một lượng lớn kẽm và mangan. Hai khoáng chất này đều là chất kích thích chính của hệ thống miễn dịch, làm sản sinh ra các chất chống oxy hóa như superroxid, dismutase… Từ đó giúp cơ thể chống lại các gốc tự do, các bệnh thoái hóa, suy giảm miễn dịch.
Ngăn ngừa ung thư
Ăn cá ngừ sẽ giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, thận và trực tràng. Theo các nhà khoa học, hàm lượng selen có trong cá này đóng vai trò là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, ngăn chặn các gốc tự do và chặn đứng các nguy cơ gây đột biến ở các tế bào khỏe mạnh. Từ đó hạn chế quá trình ung thư diễn ra. Bên cạnh đó, omega-3 trong cá còn được biết đến với ưu điểm làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư và giảm viêm.
Hỗ trợ loãng xương
Cá ngừ là một trong những nhóm thực phẩm cung cấp hàm lượng vitamin D cao. Vitamin này sẽ giúp cơ thể hấp thụ canxi, từ đó cải thiện hệ xương trở nên chắc khỏe và ngăn ngừa các dấu hiệu loãng xương.
Đối tượng nào nên hạn chế ăn cá ngừ?
Mặc dù có nhiều dưỡng chất nhưng cá ngừ cũng chứa một hàm lượng thủy ngân và đạm cao, cũng như có thể chứa ký sinh trùng gây dị ứng Anisakis. Vì vậy, những đối tượng sau nên hạn chế bổ sung cá ngừ vào thực đơn hằng ngày của mình:
Người già và trẻ em do có hệ tiêu hóa kém nên sẽ dễ mắc các chứng rối loạn đường ruột. Nếu muốn ăn cá ngừ, các đối tượng này nên ăn thử với 1 lượng nhỏ. Khi phản ứng cơ thể vẫn bình thường và không có triệu chứng ngứa, nổi mẩn đỏ thì có thể ăn. Tuy nhiên cần ăn với lượng vừa phải.
Phụ nữ mang thai là đối tượng khuyến cáo không nên ăn cá ngừ vì chúng có chứa thủy ngân. Khi vào cơ thể bà bầu, thủy ngân sẽ làm suy giảm sức khỏe. Từ đó làm thai nhi chậm phát triển và có thể ảnh hưởng đến thần kinh.
Người có cơ địa dễ bị dị ứng không nên ăn cá ngừ vì sẽ khiến cơ thể dễ bộc phát bệnh và có nguy cơ nhiễm độc cao.
Cách chọn cá ngừ tươi
Để nấu được món cá ngừ ngon đúng điệu, bạn cần chọn thật kỹ. Dưới đây là một vài mẹo nhận biết cá còn tươi:
Cá tươi sẽ có đôi mắt trong veo, thấy rõ con ngươi bên trong. Nếu mắt hóp lại, đó là cá đã bị để quá lâu.
Mang cá thường có màu đỏ tươi. Khi mang cá sậm màu chính là cá ươn.
Ngoài ra, bạn có thể dùng tay nhấn vào phần da, đặc biệt là phần bụng. Nếu cá có độ đàn hồi tốt, không lún xuống thì chính là cá tươi.
Tiếp Thị Gia Đình