Ngày 28/2, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại cảnh thoát chết trong gang tấc của một bé gái 3 tuổi. Sự việc xảy ra tại chung cư Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Em bé trèo ra ngoài lan can căn hộ mà người nhà không hề hay biết. May mắn là sau đó, anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi) đã liều mình trèo lên mái tôn phía dưới, kịp thời đỡ được bé gái rơi tự do từ tầng 12 xuống. Va chạm khiến bé 3 tuổi bị gãy tay và chân, còn anh Mạnh bị bong gân. Ai xem xong video cũng thở phào nhẹ nhõm. Song đây là hồi chuông cảnh báo với những gia đình đang và sắp sống ở các căn hộ chung cư cao tầng.
Nên chăng ngay từ bây giờ, các bậc cha mẹ hãy trang bị cho mình kiến thức cần thiết để phòng tránh rủi ro. Nhất là gia đình có trẻ em dưới 5 tuổi bởi các bé đang ở độ tuổi hiếu động, nghịch ngợm và dễ gặp nguy hiểm nhất.
Đừng bao giờ để trẻ một mình
Tiến sĩ Carol Balhetchet – Giám đốc cấp cao tại Hiệp hội Trẻ em Singapore khuyên ta không nên để trẻ một mình trong nhà. Dù chỉ là một khoảng thời gian ngắn cũng đủ tiềm ẩn vô vàn rủi ro.
“Trong vài giây, một đứa trẻ 3 tuổi có thể làm đủ việc. Bởi lẽ chúng đang nhìn thế giới với con mắt đầy sự tò mò.”
Dặn dò người trông trẻ
Trong các báo cáo về tai nạn của trẻ em tại các chung cư cao tầng. Ngoại trừ những trường hợp bị cha mẹ bỏ lại một mình, các em thường gặp nguy hiểm khi bảo mẫu lơ là công việc.
Chính vì thế, dặn dò người trông nom trẻ không bao giờ là thừa thãi.
Lắp đặt lưới an toàn tại ban công và cửa sổ
Ngày nay, các căn hộ chung cư thường được thiết kế với ban công và cửa sổ rộng để tạo không gian thoáng mát. Điều này có thể trở thành con dao hai lưỡi nếu như gia đình có trẻ nhỏ. Việc lắp đặt 1-2 tấm lưới an toàn ở những nơi như thế này là vô cùng cần thiết.
Các loại lưới an toàn trên thị trường thường bao gồm thanh nhôm và cáp inox. Vừa đảm bảo tính thẩm mỹ nhưng vẫn giữ được độ bền chắc nhất định.
Giá của lưới an toàn cũng không quá đắt. Giao động từ 150.000 VNĐ cho đến 250.000 VNĐ/m2. Lắp lưới an toàn tại ban công cũng là cách gia đình bạn tận dụng không gian để trồng các loại cây hoa dây leo.
Không đặt những vật có thể tạo điều kiện cho trẻ trèo lên cao ở ban công
Những vật dụng rất đỗi bình thường như ghế, thang xếp, thậm chí xô, chậu… cũng có nguy cơ tạo ra tình huống nguy hiểm. Với bản tình tò mò, trẻ thường trèo lên các đồ vật đặt gần lan can ban công để nhìn ngắm xung quanh. Cha mẹ tốt nhất nên dọn dẹp thường xuyên, không đặt các đồ đạc giúp trẻ trèo lên cao tại ban công.
Khoá cửa sổ và cửa ban công khi bạn vắng mặt
Hãy tạo thói quen khoá cửa sổ và cửa ra vào ban công khi bạn không có ở nhà. Viết một ghi chú nhỏ và dán nó ở nơi bạn hay nhìn tới nhất. Việc khoá cửa kĩ càng cũng giúp gia đình tránh được kẻ xấu đột nhập (trong trường hợp bạn ở tầng thấp).
Hãy chọn sống ở những chung cư không quá cao
Nếu có điều kiện, gia đình bạn hãy chọn sống ở những chung cư cao từ 8 đến 16 tầng. Đây là một độ cao vừa phải. Tránh được khói bụi lại đảm bảo an toàn khi có những sự cố như hoả hoạn, mất điện, giông bão…
Trò chuyện và giáo dục con
Một mẹo đơn giản nhưng không phải bậc phụ huynh nào cũng thực hiện được. Khi trẻ bắt đầu hiểu chuyện, bố mẹ hãy trò chuyện và giáo dục con đúng cách. Nhắc trẻ không leo trèo lan can, chạy nhảy ở những nơi nguy hiểm.
Phụ huynh cũng nên dạy con biết về những biển báo nguy hiểm. Để con tham gia các buổi học kĩ năng sống dành cho gia đình sống tại chung cư cao tầng.
Trên đây là một vài mẹo nhỏ cho các gia đình đang sinh sống tại chung cư cao tầng. Nếu thấy hữu ích, đừng quên chia sẻ với những người thân yêu bạn nhé!
Tiếp Thị Gia Đình