Đừng để 3 mối quan hệ độc hại này ngăn bạn sống hạnh phúc

Nhận ra bản thân xứng đáng với hạnh phúc chính là món quà đầu tiên bạn có được sau khi cắt đứt những mối quan hệ độc hại

-quan-he-doc-hai

Không ai trong số chúng ta muốn bản thân đau khổ nhưng lại chẳng đủ tỉnh táo để thoát khỏi một mối quan hệ độc hại. (Ảnh: Shutterstock)

Các mối quan hệ của chúng ta tăng dần theo thời gian. Tuy nhiên không phải mối quan hệ nào cũng lành mạnh. Mất nhiều thời gian để ta nhận thức được bản thân đang mắc kẹt trong một mối quan hệ độc hại. Và dĩ nhiên, thoát khỏi chúng cũng chẳng phải điều dễ dàng.

Mối quan hệ độc hại thường hình thành từ con người “độc hại”

Trong tâm lý học ứng dụng, các nhà nghiên cứu đánh giá đặc điểm tính cách độc hại bằng “ba đặc tính đen tối” (Dark Triad). Chúng bao gồm Ái Kỉ, Xu Hướng Machiavelli và Thái Nhân Cách.

Theo một nghiên cứu từ cuốn The Handbook of Interpersonal Psychology, Ái Kỉ liên quan đến tính tự cao, tư duy ích kỷ và cảm giác hưởng thụ cá nhân. Xu Hướng Machiavelli đề cập đến “sự thao túng”. Thái Nhân Cách liên quan đến sự thờ ơ, bốc đồng và các hành vi tìm kiếm cảm giác mạnh.

Do đó, có rất nhiều kiểu người độc hại khác nhau ngoài kia. Một số khiến bạn khó chịu ngay khi tương tác. Ví dụ như người hay khoe khoang về cuộc sống của họ. Bên cạnh đó còn có những kẻ âm thầm tác động và làm méo mó hạnh phúc, lòng tự trọng của bạn.

Sự độc hại đội lốt xúc cảm tình yêu

Tại sao những mối tình cay đắng lại khiến ta nhớ mãi không quên? Không ai trong số chúng ta muốn bản thân đau khổ nhưng lại chẳng đủ tỉnh táo để thoát khỏi một mối quan hệ độc hại.

Khi bắt đầu yêu đương, rất khó để bạn nhận ra mình đang bị “đầu độc”. Bạn có xu hướng cho rằng những mệt mỏi về thể xác và tinh thần là biểu hiện của tình yêu mãnh liệt. Tham khảo những gạch đầu dòng dưới đây để biết đâu là sự độc hại đội lốt xúc cảm tình yêu:

– Cảm thấy mệt mỏi và trống rỗng, hoặc bồn chồn và lo lắng khi ở cạnh nửa kia. Bạn không nhận ra ngay lập tức nhưng cơ thể bạn sẽ “biểu tình” trước những ảnh hưởng tiêu cực ngay thôi

– Cảm thấy tự ti, không còn là chính bản thân mình

– Đối phương không chung sức giải quyết vấn đề khi hai bạn mâu thuẫn mà luôn hăm doạ chia tay

– Đối phương thao túng tinh thần, bạo hành bạn bằng lời nói, hoặc có hành động kiểm soát bạn

– Bạn mất đi một số mối quan hệ thân thiết vì tác động của nửa kia

Mối quan hệ độc hại tồn tại trong gia đình

Bạn có thể chọn cách chia tay để giải thoát bản thân khỏi một người tình “độc hại”. Nhưng phải làm sao nếu mối quan hệ độc hại tồn tại ngay trong gia đình bạn? Việc tránh mặt các thành viên là điều không thể, cắt đứt liên kết máu mủ lại càng khó hơn.

Nhận thức được bản thân đang sống cùng cha mẹ hoặc anh chị em độc hại càng sớm càng tốt. Họ thường là những người:

– Không nhận ra lời nói và hành động tiêu cực của mình gây tổn thương cho người khác

– Bỏ ngoài tai lời góp ý tích cực

– Cố chấp, từ chối trách nhiệm và không bao giờ chịu nói lời xin lỗi dù làm sai

– Bạo hành thể xác hoặc tinh thần bạn

– Không tôn trọng quyền riêng tư của bạn

Giữa bạn bè cũng tồn tại những mối quan hệ độc hại

Theo hai nghiên cứu gần đây trên 300.000 người trưởng thành thì tình bạn có ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ tinh thần của một cá nhân. Trong khi chúng ta tương tác với các mối quan hệ gia đình như một nghĩa vụ thì bạn bè là liên kết mà ta có quyền chọn lọc. Xét cho cùng, thứ chúng ta cần trân trọng là một người “bạn” thực thụ chứ không phải “bè”.

Bạn nên tránh xa một (thậm chí nhóm) bạn nếu nhận thấy họ:

– Hết lần này đến lần khác lợi dụng bạn

– Không rõ ràng trong khoản tiền nong

– Khiến bạn cảm thấy mình vô giá trị

– So sánh bạn với những người khác

– Mối quan hệ khác của bạn bị ảnh hưởng

Làm thế nào để bước ra khỏi mối quan hệ độc hại

Khi nhận thức được bản thân đang rơi vào một mối quan hệ độc hại thì đây là 8 bước giúp bạn thoát khỏi nó. Khởi đầu chắc chắn sẽ chật vật. Hãy tự nhủ rằng dũng cảm bỏ lại một vài người phía sau sẽ giúp bạn sống tốt hơn.

1. Nhận thức được các dấu hiệu của mối quan hệ độc hại (bằng cách tham khảo những điều trên)

2. Lắng nghe bản thân mình: Tự hỏi rằng ở bên người ấy bạn cảm thấy thế nào? Vui vẻ hay mệt mỏi rã rời? Hãy viết nhật kí để ghi lại cảm xúc của bạn.

3. Đặt ra giới hạn: Đặt một giới hạn cho bản thân hoặc một mốc thời gian nào đó mà bạn quyết định cắt đứt với đối tượng “độc hại”.

4. Ngừng tin rằng bạn có thể thay đổi đối phương

5. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người tích cực

6. Tạo khoảng cách với những người “độc hại”

7. Kiên định với những gì mà bạn đã chọn: Đừng lung lay chỉ vì ý nghĩa thoáng qua rằng bạn không thể sống thiếu người ấy

8. Cho bản thân thời gian phục hồi sau khi rời bỏ một mối quan hệ

Nhớ rằng chúng ta không thể điều khiển hành động và cảm xúc của người khác. Nhưng chúng ta có khả năng kiểm soát chính mình. Nhận ra bản thân xứng đáng với hạnh phúc chính là món quà đầu tiên bạn có được sau khi cắt đứt những mối quan hệ độc hại.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua