Thượng tá Hoàng Ngọc Huynh – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ cho biết nguyên nhân vụ cháy nổ chủ yếu là do chất lượng thiết bị, đồ dùng điện sinh hoạt không được kiểm tra thường xuyên; người dân tự ý lắp thêm các thiết bị có công suất tiêu thụ lớn, vượt quá khả năng chịu tải của hệ thống điện trong gia đình. Ngoài ra, ý thức của người sử dụng điện chưa cao. Để hạn chế rủi ro cháy nổ, hãy áp dụng 10 quy tắc an toàn điện trong gia đình.
10 quy tắc an toàn điện cần thuộc “nằm lòng”
1. Lắp đặt thiết bị đóng cắt điện đúng cách
Một trong những quy tắc an toàn điện đầu tiên mà bạn cần thực hiện đó là lắp đặt mạch điện của các thiết bị đúng cách. Khi lắp đặt, phải lắp cầu dao ở đầu dây cấp điện chính và các nhánh rẽ ở các tầng nhà. Ngoài ra, bạn cũng cần lắp cầu chì ở sát bên ổ cắm điện để ngắt dòng điện khi có chạm chập, ngăn ngừa phát hỏa. Thiết bị bảo vệ đóng cắt điện cần được lắp đặt trên dây pha. Tuy nhiên, tốt nhất nên lắp đặt đồng thời cả dây pha và dây trung tính.
2. Thường xuyên kiểm tra hệ thống đường điện
Trong quá trình sử dụng, bạn cần thường xuyên kiểm tra đường dây, thiết bị đóng cắt, bảo vệ điện như cầu dao, cầu chì, công tắc, ổ cắm. Trong trường hợp dây dẫn điện bị đứt, tróc cách điện; hay các thiết bị, đồ dùng điện bị hư hỏng cần phải thay thế hoặc sửa chữa mới được tiếp tục sử dụng. Nếu muốn tự sửa, bạn cần tuân thủ các biện pháp an toàn trong quá trình sửa chữa điện. Hay đơn giản hơn, hãy liên hệ với thợ sửa điện chuyên nghiệp để được xử lý nhanh chóng và an toàn.
3. Vị trí lắp đặt cầu dao, cầu chì, công tắc và ổ cắm điện
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng điện trong gia đình, vị trí đặt cầu dao, cầu chì, công tắc, ổ cắm điện phải là nơi cao ráo; đảm bảo thuận tiện khi sử dụng. Đối với những hộ gia đình có trẻ nhỏ hoặc nằm trong vùng có thể bị ngập nước; cần lưu ý đặt cao hơn nền nhà ít nhất 1,4 mét.
4. Rút phích cắm các thiết bị không sử dụng
Rất nhiều người cho rằng việc cắm ổ điện liên tục không ảnh hưởng gì, nhưng thực tế rất nguy hiểm. Các thiết bị như lò nướng, máy sấy tóc, máy cạo râu… nếu không sử dụng, tốt nhất hãy ngắt nguồn điện, rút phích cắm để đề phòng cháy nổ, chập điện.
5. Đặt thiết bị điện gia dụng trong gia đình
Tuyệt đối không lắp đặt các thiết bị điện ở những nơi ẩm ướt, ngập nước. Không để trang thiết bị điện phát nhiệt ở gần đồ vật dễ cháy nổ. Cần tiến hành nối đất vỏ kim loại cho các thiết bị dùng điện trong nhà; như máy lọc nước, tủ lạnh, bếp điện, máy giặt… để phòng tránh các trường hợp chập cháy điện. Ngoài ra, khi lắp đặt máy móc sử dụng điện phải thực hiện đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
6. Không sử dụng thiết bị điện khi đang sạc
Đã có rất nhiều vụ tai nạn bởi điện thoại phát nổ, cháy điện thoại khi vừa sạc vừa sử dụng. Nguyên nhân chính là do bạn không rút ổ cắm sạc khi đang sử dụng điện thoại khiến máy bị nóng; gây nên những hiện tượng chập cháy. Đặc biệt, khi kết hợp với nguồn điện 220V từ ổ cắm, việc phát nổ rất dễ xảy ra. Vì vậy, hãy sử dụng điện thoại khi chắc chắn rằng dây sạc được rút ra khỏi thiết bị. Thói quen rút hẳn dây sạc ra khỏi ổ cắm cũng được khuyến khích vì sự an toàn cháy nổ.
7. Không sử dụng các thiết bị điện trong nhà tắm
Trong quy tắc an toàn điện, nước là chất dẫn điện nên nếu chúng tiếp xúc với nhau có thể gây chết người. Do đó, phòng tắm có thể là nơi nguy hiểm nhất trong nhà khi nói đến an toàn điện. Có những yêu cầu đặc biệt cho các thiết bị điện trong phòng tắm phải tuân thủ; nhưng bạn vẫn cần hạn chế sử dụng điện trong phòng tắm. Ổ cắm không được phép ở trong phòng tắm; hoặc chúng phải cách xa bồn tắm và vòi hoa sen ít nhất 3–4 mét. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta có thể thoải mái sấy tóc hay sạc điện thoại. Đặc biệt thận trọng nếu bạn đang đi chân không hoặc sàn nhà đang ướt.
8. Hạn chế sử dụng bóng đèn dây tóc
Bóng đèn dây tóc khi được đốt cháy giống như một ống chân không và thực sự nổ tung khi bị quá tải. Ngoài nguyên nhân chập điện, quá tải điện thông thường; khi bóng đèn quá nóng, một giọt nước bắn lên mặt thủy tinh cũng khiến bóng đèn vỡ tung. Tuy sức nổ không lớn nhưng những mảnh thủy tinh văng xa và mạnh có thể gây nên nhiều tổn thương ngoài ý muốn. Ngoài ra, cũng giống như mọi thiết bị điện, nguy cơ giật điện khi thay bóng đèn cũng không phải là nhỏ. Do vậy, đừng bao giờ thay bóng đèn hoặc bật đèn khi tay ướt.
9. Bình tĩnh ứng phó khi xảy ra sự cố
Khi xảy ra cháy phải nhanh chóng ngắt nguồn điện (CB, cầu dao điện), báo cho mọi người xung quanh; điện báo cảnh sát PCCC qua số hotline 114; dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa. Lưu ý quy tắc an toàn điện là không dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện, nên sử dụng các bình khí (CO2, N2…) hoặc bình bột chữa cháy điện.
10.Không để dây điện lòng thòng ra sàn
Dây điện cần được cố định cẩn thận để làm giảm nguy cơ vấp ngã hoặc tai nạn. Dây điện lòng thòng khắp nhà không chỉ nguy hiểm mà còn mất mỹ quan, tạo cảm giác hỗn loạn. Chưa kể, với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, dây diện và ổ cắm trở nên nguy hiểm với chúng; nếu không được giám sát kỹ càng. Bất kỳ ổ cắm điện ở ngang chiều cao; và trong tầm tay của bé cần được bảo vệ bằng bịt nhựa. Toàn bộ dây điện cần được gói gọn.
Tiếp Thị Gia Đình