Bệnh gút (gout) và bệnh giả gút là bệnh lý ứ đọng tinh thể muối tại khớp và mô liên kết. Mặc dù biểu hiện lâm sàng của hai bệnh này rất giống nhau nhưng chúng lại có sự khác biệt về nguyên nhân và cách điều trị. Đặc biệt, chế độ ăn uống giảm tiêu thụ thực phẩm có nhiều purin ở bệnh gút cũng không thực sự hữu ích đối với bệnh giả gút.
Ý kiến chuyên gia
Để tìm hiểu rõ nét hơn, TTGĐ đã mời Th.S BS Trần Hồng Thụy – Khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM giải đáp một số vấn đề còn khúc mắc.
Theo bác sĩ Thụy, vì sao chúng ta thường hay nhầm lẫn giữa bệnh gút và giả gút?
Về bệnh giả gút
Bệnh viêm khớp giả gút là một dạng của viêm khớp đặc trưng do đau sưng tại một hay nhiều khớp xương. Cơn đau có thể kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần và đau ở khớp gối. Những trường hợp khác có thể bị đau ở khớp cổ tay hoặc cổ chân. Thông thường, bệnh lý viêm khớp giả gút thường khởi phát ở độ tuổi 55 – 60 tuổi.
Về bệnh gút
Trong khi đó, bệnh gút thường biểu hiện bởi các cơn đau cấp tính kéo dài khoảng 2 – 3 ngày. Một số trường hợp có thế đến 7 – 10 ngày; điển hình sưng đau khớp cổ chân hoặc khớp ngón cái chân. Thông thường, bệnh gút sẽ xảy ra ở khớp cổ chân hoặc bàn chân ngón cái. Bệnh gút thường gặp ở nam giới độ tuổi 30 – 40 tuổi. Phụ nữ có thể mắc bệnh gút sau tuổi tiền mãn kinh.
Thực chất, gút xảy ra do rối loạn chuyển hóa chất purin gây lắng đọng thành tinh thể urat. Còn bệnh giả gút lại có liên quan đến tinh thể calcium pyrophosphate dihydrate (CPPD). Để nhận biết, chúng ta cần nắm rõ các cơn gút cấp tính thường tấn công về đêm, đột ngột và sưng đau dữ dội trong khoảng 12 – 24 giờ. Trong khi đó, bệnh giả gút thường gây đau từ từ trong nhiều ngày hơn. Đặc biệt, mức độ trầm trọng cũng ít dai dẳng hơn so với bệnh gút.
Xin bác sĩ cho biết những nguyên nhân khiến chúng ta mắc bệnh giả gút?
Nguyên nhân dẫn tới bệnh giả gút là do các tinh thể CPPD lắng đọng sụn khớp di chuyển vào trong dịch khớp gây nên các cơn đau khớp giả gút. Tuy nhiên, chúng ta cần xét các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh.
Di truyền
Một số ít người bị bệnh lắng đọng tinh thể CPPD là do thừa hưởng từ gia đình. Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu sâu về gien nhưng một số thống kê cho thấy chúng ta sẽ có khả năng mắc bệnh giả gút cao hơn nếu trong gia đình có tiền sử mắc phải bệnh lý này.
Chấn thương
Những người bị chấn thương ở khớp hoặc từng trải qua phẫu thuật sẽ có nguy cơ mắc bệnh giả gút cao hơn do các tinh thể CPPD trong khớp tăng.
Người lớn tuổi
Nhiều nghiên cứu cho thấy, sự lắng đọng tinh thể CPPD phát triển thành bệnh giả gút thường xuất hiện ở nhóm người từ 60 tuổi trở lên. Phân bố bệnh đồng đều cho cả nam và nữ. Ở độ tuổi từ 80 – 84 tuổi, số người mắc bệnh sẽ còn tăng cao hơn.
Mất cân bằng khoáng chất trong cơ thể
Nguy cơ xuất hiện viêm khớp giả gút sẽ tăng cao đối với những người có quá nhiều canxi và sắt trong máu, hoặc quá ít magiê.
Ngoài những yếu tố trên, người bệnh vẫn có thể tồn tại nguy cơ khởi phát tình trạng viêm khớp giả gút. Đó là khi cơ thể tồn tại các bệnh lý như cường giáp hoặc các bệnh cấp tính như nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Chúng ta sẽ gặp phải những khó khăn gì nếu không chữa trị kịp thời?
Nếu không điều trị kịp thời, khớp của người bệnh sẽ sưng và xuất hiện các cơn đau dai dẳng. Từ đó, gây khó khăn khi di chuyển và làm hạn chế vận động ở người bệnh. Đặc biệt, nếu bệnh nhân không thăm khám và ngại đi đứng sẽ còn dẫn đến nguy cơ teo cơ. Đó là do đặc tính lắng đọng tinh thể ở sụn khớp. Nếu không chữa kịp thời, sụn khớp bị hư và gây vôi hóa sụn khớp.
Vì vậy, khi thấy cơ thể có những biểu hiện như đau hoặc sưng khớp, bạn nên đến thăm khám tại bệnh viện ngay lập tức. Hành động này sẽ giúp làm dịu đi những cơn đau, giảm viêm. Đặc biệt là giúp các hoạt động đi lại được bình thường.
Những trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh giả gút sẽ có phác đồ điều trị như thế nào?
Để nhận biết bệnh nhân có mắc phải bệnh giả gút hay không, chúng ta cần kiểm tra dịch khớp, thử axit uric và chụp X-quang. Nếu kết quả chụp X-quang cho thấy có lắng đọng canxi hoặc vôi hóa bên trong sụn khớp. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã bị lắng đọng nhiều CPPD.
Mặc dù chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh giả gút như loại bỏ hoàn toàn sự tích tụ của các tinh thể CPPD. Tuy nhiên những biện pháp điều trị hiện nay sẽ giúp kiểm soát triệu chứng của bệnh, giảm tần suất các cơn đau; đặc biệt là cải thiện chất lượng cuộc sống.
Các phương pháp giảm đau như sử dụng thuốc chống viêm không steroid hoặc thuốc giảm đau. Trong một số trường hợp sưng đau nhiều, bệnh nhân sẽ được chỉ định tiêm corticoid tại chỗ. Ngoài ra, để giảm tần suất và tránh cơn đau, một số bác sĩ sẽ kê cho bệnh nhân uống colchicine.
Làm thế nào để hạn chế nguy cơ mắc bệnh giả gút?
Theo Th.S BS Trần Hồng Thụy, chúng ta cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục:
Trong ngày, bạn nên thực hiện các hoạt động tăng cường cơ bắp xung quanh các khớp bị ảnh hưởng. Ngoài cách trên, bạn cũng có thể dùng túi chườm đá để giảm sưng tấy.
Trong chế độ ăn, bạn nên bổ sung các thực phẩm chống viêm như axit béo omega-3. Tăng cường rau xanh và các loại hạt hoặc quả thuộc họ dâu.
Điều quan trọng nhất mà bạn cần nhớ là hãy đến bệnh viện thăm khám định kỳ và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Xin cảm ơn Th.S BS Trần Hồng Thụy đã chia sẻ.
Tiếp Thị Gia Đình