Đường là một loại thực phẩm cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động. Tuy vậy, nó thường được cho là tác nhân của những căn bệnh như béo phì hay đái tháo đường. Như vậy, nạp bao nhiêu đường là đủ và không gây hại cho sức khỏe? Việc kiêng đường có tốt không? Tất cả những thắc mắc trên sẽ được PGS-TS-BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM chia sẻ trong bài viết này!
Vấn đề 1: Có phải đường nào cũng đều gây hại?
PGS-TS-BS Lâm Vĩnh Niên cho biết, đường là nguyên liệu chính để cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động. Chúng có 2 dạng chính:
Đường tự nhiên
Là loại có sẵn trong thực phẩm và chưa qua chế biến như sữa, trái cây, rau củ và ngũ cốc. Đường trong các thực phẩm này thường không gây hại. Việc sử dụng chúng còn mang lại các lợi ích sức khỏe khác (trừ một số loại đặc biệt như sầu riêng, mít, dưa hấu,…) do chứa nhiều chất xơ cùng các vitamin, khoáng chất. Nạp đường tự nhiên cũng giúp cơ thể tạo ra được sự cân bằng về dinh dưỡng.
Đường bổ sung
Là đường được chúng ta thêm vào trong quá trình chế biến như đường cát, đường phèn, đường thốt nốt, mật ong, si rô bắp… nhằm gia tăng hương vị, kết cấu và một vài đặc tính khác cho món ăn. Đường bổ sung cũng là thành phần chính trong kẹo, nước ngọt, bánh, kem… Do là chất để tạo độ ngọt và không có bất kỳ thành phần dinh dưỡng nào khác nên chúng ta cần hạn chế dùng loại đường này.
Vấn đề 2: Vì sao không nên kiêng đường hoàn toàn?
Nếu cơ thể nạp đường quá mức nhu cầu trong ngày sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe như tăng cân, tim mạch, đái tháo đường, sâu răng… Chính vì vậy, nhiều người thường tập cho mình thói quen loại bỏ đường ra khỏi chế độ ăn; đặc biệt là những người muốn giảm cân nhanh. Tuy nhiên, theo BS Niên, một chế độ ăn thiếu đường cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Triệu chứng đầu tiên mà những người theo đuổi chế độ ăn kiêng đường dễ mắc phải là tình trạng hạ đường huyết. Về lâu dài, việc cắt đường hoàn toàn còn làm giảm năng lượng tiêu thụ, gây sụt cân, suy nhược, mệt mỏi.
Để tạo nên trạng thái cân bằng, chúng ta không nên cắt bỏ hoàn toàn đường. Thay vào đó, hãy xây dựng cho mình một chế độ ăn uống hợp lý. Điều quan trọng bạn cần làm là giữ chỉ số đường huyết trong cơ thể luôn ở mức ổn định, không quá cao và không được quá thấp.
Vấn đề 3: Nên tiêu thụ bao nhiêu đường mỗi ngày là đủ?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, con người nên giới hạn lượng đường ngọt dưới 10% tổng lượng calo tiêu thụ. Với người lớn, trưởng thành trung bình cần 2.000 calo mỗi ngày; thì lượng đường ngọt tiêu thụ nên dưới 200 calo, tương đương khoảng 50g hoặc 12 muỗng cà-phê. Để tốt hơn nữa, bạn hãy giảm xuống còn dưới 5% – tương đương khoảng 25g/ngày (6 muỗng cà-phê).
Vấn đề 4: Những ai không nên lạm dụng đường?
Theo BS Niên, bất kỳ ai trong chúng ta cũng nên hạn chế nạp đường quá mức. Đặc biệt là nhóm đối tượng sau đây cần tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn từ bác sĩ:
Người cao tuổi, những người có tiền sử về bệnh tim mạch.
Người béo phì, có nguy cơ béo phì hoặc thực hiện chế độ giảm cân.
Người bị tiểu đường hoặc có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Những người dễ nổi mụn, có thói quen thích ăn ngọt.
Người hay bị tăng đường huyết.
Tiếp Thị Gia Đình