Vì sao bệnh đái tháo đường đang ngày càng trẻ hoá?

Bệnh đái tháo đường có thể phòng tránh và làm chậm diễn tiến của bệnh nếu tuân thủ lối sống lành mạnh, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và theo dõi tình trạng bệnh đều đặn

Thói quen lười vận động làm tăng nguy cơ đái tháo đường ở người trẻ tuổi. Ảnh: Shutterstock

Đái tháo đường bắt đầu với tình trạng rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể, làm đường huyết cao hơn bình thường. Lúc này, cơ thể sẽ xảy ra một loạt các phản ứng như lượng đường trong máu tăng, đi tiểu nhiều về ban đêm, khát nước,… Đây là bệnh lý mạn tính có diễn biến âm thầm nhưng lại có thể gây ra những biến chứng nặng nề ở các cơ quan như tim, mạch máu, thận, mắt và thần kinh. Thậm chí là gây tử vong.

Theo Th.S BS Trần Viết Thắng – Phó Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, chúng ta vẫn có thể phòng tránh và làm chậm diễn tiến của bệnh nếu tuân thủ lối sống lành mạnh, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và theo dõi tình trạng bệnh đều đặn. Để giải đáp những thắc mắc liên quan đến tình trạng bệnh đái tháo đường và cách để sống chung với căn bệnh này, mời bạn cùng theo dõi bài viết này nhé!

Vấn đề 1: Vì sao tỷ lệ người trẻ bị đái tháo đường đang ngày càng gia tăng?

Nhiều người cho rằng bệnh đái tháo đường là căn bệnh của người lớn tuổi. Tuy nhiên, đó là suy nghĩ sai lầm bởi người trẻ cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), khoảng 1/3 thanh thiếu niên bị béo phì dẫn đến bệnh đái tháo đường. Thậm chí có nhiều bệnh nhân chỉ mới 10 tuổi.

Lý giải về vấn đề này, BS. Thắng cho biết, nguyên nhân gây ra bệnh chính là do thói quen sống của con người đang dần thay đổi. Chúng ta ngày càng tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh (fast-food), uống nước ngọt, trà sữa và ăn uống không điều độ. Đặc biệt nhất là tình trạng lười vận động và dùng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá sớm. Chính những tác nhân này đã làm tăng xuất hiện bệnh đái tháo đường ở người trẻ.

Vấn đề 2: Mối nguy hiểm nào sẽ xảy ra nếu không phát hiện bệnh sớm

Bệnh đái tháo đường ban đầu thường không có triệu chứng và diễn biến âm thầm. Khi mắc bệnh lâu, người bệnh mới biểu hiện những dấu hiệu như tiểu nhiều, khát nước, sụt cân, vết thương chậm lành, nhiễm nấm ở vùng sinh dục hoặc lở loét ở chân.

Do không thể phát hiện sớm nên các bệnh nhân này thường có nguy cơ bị biến chứng nặng nề. Theo BS. Thắng, mức đường huyết trong máu cao lâu ngày có thể gây biến chứng lên mạch máu, suy tim, suy thận, thậm chí gây ra tử vong. Đặc biệt, người mắc bệnh đái tháo đường có khả năng bị đột quỵ và nhồi máu cơ tim cao gấp 2 – 4 lần so với người bình thường.

Vì vậy, chúng ta nên thăm khám ngay để được tầm soát bằng cách thử đường huyết lúc đói và làm xét nghiệm HbA1c nếu cơ thể xuất hiện những dấu hiệu kể trên hoặc bản thân có các yếu tố nguy cơ như thừa cân, béo phì, ít vận động thể lực, có người thân trong gia đình bị đái tháo đường…

Vấn đề 3: Cách kiểm soát đường huyết ở người trẻ

Do bệnh đang ngày càng trẻ hóa khiến khá nhiều người cảm thấy mệt mỏi và bế tắc trong cuộc sống và công việc. Đặc biệt, nhiều người trẻ còn có xu hướng không chấp nhận bản thân mắc bệnh và ngừng tiếp nhận điều trị.

Theo BS. Thắng, rất nhiều người trẻ đang có thói quen bỏ bữa sáng. Tuy nhiên, bỏ bữa sáng 4 – 5 ngày mỗi tuần sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên 55%. Uống ít nước cũng là nguyên nhân gây bệnh. Nếu uống đủ nước lọc mỗi ngày, bạn sẽ giảm được 21% nguy cơ tăng đường huyết.

Ngồi liên tục trong nhiều giờ và thiếu vận động cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Do đó, mỗi ngày, bạn nên dành 30 phút để tập thể dục. Các bài tập có tính nhịp nhàng và đều đặn như đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga,… cũng rất hiệu quả. Đối với người bệnh đái tháo đường đã có biến chứng ở mắt, thận và tim mạch, bộ môn phù hợp nhất ở giai đoạn này là đi bộ.

đái tháo đường

Bữa ăn lành mạnh mà bạn có thể áp dụng: 50% thực phẩm giàu chất xơ, 25% thực phẩm giàu đường bộ, 25% thực phẩm giàu đạm. Ảnh: Shutterstock

Bảng chuyển đổi thực phẩm

Nhóm tinh bột Nhóm trái cây Nhóm giàu protein
1/2 chén cơm (203kcal) 4 múi bưởi (63kcal) 50g thịt bò (56kcal)
3 vắt mì sợi (212kcal) 1 trái cam (66kcal) 50g heo ba chỉ (73kcal)
100g bắp (210kcal) 200g thơm (67kcal) 90g tôm (47kcal)
170g bún tươi (193kcal) 1/2 trái táo (62kcal) 80g cá ngừ (41kcal)
1 gói mì (322kcal) 100g xoài (65kcal) 60g cá mỡ (90kcal)
140g bánh phở (198kcal) 100g chuối (66kcal) 50g gà còn da (98kcal)
4 vắt miến (182kcal) 1 trái ổi (64kcal) 67g trứng gà (112kcal)
90g bánh mì (213kcal) 400g mận (69kcal) 70g chả lụa (63kcal)

Vấn đề 4: Làm sao để sống chung với bệnh đái tháo đường

Nhiều thống kê cho thấy các bệnh nhân đái tháo đường thường thiếu kiến thức về cách xây dựng chế độ ăn. Từ đó, dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng và làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tâm lý của người bệnh.

BS. Thắng cho biết, vấn đề ăn kiêng ở người bệnh đái tháo đường không phải là ăn ít hay nhịn ăn. Thay vào đó, chúng ta cần phải đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cơ thể và chỉ chuyển đổi các thực phẩm trong cùng nhóm với số lượng dưỡng chất tương đương. Người bệnh cần xây dựng chế độ ăn đa dạng nhất có thể nhưng duy trì tỷ lệ giữa các nhóm thực phẩm sao cho hợp lý.

Xin cảm ơn Th.S BS Trần Viết Thắng đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thành bài viết này!

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua