Đầu tháng 12, bản tin Việt Nam hôm nay của đài truyền hình VTV phát đi đoạn clip cảnh báo về vấn đề “Bảo vệ con trên không gian mạng”. Một hình ảnh đã làm dậy sóng cộng đồng mạng gần đây là “nhân vật kỳ dị” Momo. Nhiều bậc cha mẹ rùng mình khi nghĩ tới viễn cảnh biết đâu có một ngày; Momo sẽ tìm đến con mình, điều khiển trẻ; và gây ra những hậu quả đau lòng như vụ em bé tử vong do làm theo thử thách tự sát mà nhân vật Momo đưa ra.
Mặc dù liên tục được cảnh báo về việc tránh cho trẻ tiếp xúc với mạng xã hội quá sớm; nhưng dường như các bậc phụ huynh vẫn còn chủ quan.
Nguyên nhân khiến trẻ có cơ hội tiếp xúc với thông tin độc hại
Cách đây 10 – 20 năm, buổi tối là khoảng thời gian quý giá để các thành viên trong gia đình quây quần; chia sẻ với nhau về những hoạt động trong ngày. Song ngày nay, hình ảnh thường thấy trong các gia đình Việt là bố xem tivi; mẹ ngồi laptop, con ôm điện thoại/máy tính bảng.
Bởi lẽ, chỉ có cách đó thì trẻ mới ngồi yên cả tiếng đồng hồ cho bố mẹ rảnh rang làm việc riêng. Đáng nói là, tuy đưa thiết bị điện tử cho con; nhưng bố mẹ lại không quan tâm con mình xem gì; nội dung có phù hợp với lứa tuổi của bé hay không. Hệ quả là hàng loạt clip độc hại len lỏi, mời chào trẻ; kích thích trí tò mò và dẫn dắt trẻ vào hết trang web vớ vẩn này đến clip nhảm nhí khác.
Không ngoa khi nói rằng: “Bố mẹ Việt lười chơi với con nhất thế giới”. Viện lý do đi làm về mệt mỏi, sau bữa cơm tối, ai nấy lăn ra nghỉ ngơi; lướt web, bỏ mặc con trẻ. Chẳng còn ai bầu bạn; những em bé tội nghiệp đành làm bạn với các nhân vật ảo trên mạng xã hội. Nhưng đâu phải nhân vật nào cũng tốt. Xen kẽ giữa heo Peppa, vịt Donald, chuột Jerry… trong sáng là “tử thần” Momo cùng vô số “kẻ giết người giấu mặt” khác. Chúng chực chờ tiêm nhiễm vào đầu óc trẻ nhỏ những nội dung không lành mạnh.
Trẻ đang cô đơn, lại ở vào độ tuổi thích tìm hiểu, khám phá xung quanh; nên thường tò mò trước cái mới. Thế là bấm vào xem. Bị kẻ xấu thách thức thực hiện những trò quái đản, thậm chí nguy hại tính mạng; trẻ chẳng những không sợ mà còn muốn chứng tỏ bản thân nên làm theo một cách mù quáng. Đến khi bố mẹ phát hiện ra sự việc thì chẳng tài nào cứu vãn nổi.
Dấu hiệu nào cho thấy trẻ đang bất ổn về tâm lý?
Cũng như người lớn, trẻ em vẫn có thể mắc những rối loạn tâm lý – thần kinh; gây ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng bình thường của chúng. Triệu chứng của bệnh tâm lý – thần kinh ở trẻ em thường không rõ ràng. Do đó, bệnh rất khó để chẩn đoán. Để bảo vệ con, các phụ huynh hãy cảnh giác nếu bắt gặp con em có những dấu hiệu bất ổn sau đây:
Thích ở một mình
Internet thường được ca tụng là mang mọi người đến gần nhau hơn. Mỉa mai thay, đối với con trẻ, mạng xã hội chẳng những không “kéo” trẻ lại gần mọi người mà còn “đẩy” trẻ ngày càng xa tầm tay bố mẹ. Ngày ngày đắm chìm trong không gian ảo, nơi có vô số nhân vật sống động; trẻ không còn muốn trở lại với thực tại. Vì thế, nếu con bạn thích ở trong phòng riêng hơn là ra ngoài sum họp với gia đình; thích lướt mạng hơn là tụ tập với đám bạn thân, đó chính là dấu hiệu cho thấy tâm lý trẻ đang bất ổn.
Phớt lờ người thân
Khi mọi người dành phần lớn thời gian để lướt Internet, họ trở nên vô cảm với cuộc sống thực và những người xung quanh; bao gồm cả các thành viên trong gia đình. Rõ ràng, mục đích ban đầu của các bậc cha mẹ khi trang bị Internet cho con là mở ra cánh cửa thế giới mới; chứ không phải khép mình trong một không gian đầy cám dỗ và hiểm nguy. Tiếc là càng đam mê mạng xã hội bao nhiêu, trẻ càng phớt lờ gia đình và ngại nói chuyện với bố mẹ bấy nhiêu.
Mất ngủ
Tương tự như người lớn, khi mê Internet đến mức “nghiện”; trẻ rất dễ bị rối loạn giấc ngủ dẫn đến mất ngủ. Ánh sáng xanh từ màn hình máy tính; hay các thiết bị điện tử là “thủ phạm” làm trẻ khó ngủ. Chưa kể, những nội dung trong các clip “bẩn” sẽ ám ảnh tâm lý; khiến trẻ luôn suy nghĩ về nó. Dần dần, trẻ không còn thiết tha tới gì khác, kể cả những nhu cầu tối thiểu của con người là ăn và ngủ.
Có những hành động kỳ quặc
Nếu đôi lúc bạn bắt gặp con mình ngồi nói chuyện một mình; có hành vi kỳ quặc như quấn khăn quanh cổ, nhảy từ cầu thang xuống đất… ắt hẳn trẻ đã bị ám ảnh quá lớn bởi các trò thử thách kỳ dị trên mạng. Hãy kịp thời can thiệp để đưa trẻ thoát khỏi nỗi ám ảnh đó ngay, tránh xảy ra hậu quả đau lòng.
Giải pháp bảo vệ con và đưa trẻ thoát khỏi “cơn nghiện” Internet
Muốn dứt cơn nghiện Internet, giải pháp bảo vệ con đầu tiên đến từ cha mẹ. Bản thân vợ chồng bạn cần làm gương cho con. Hãy bỏ điện thoại, laptop sang một bên để dành thời gian chơi với con, trò chuyện cùng bé. Các hoạt động như xếp lego, đá banh, bơi lội… vừa lành mạnh, vừa kích thích bé phát triển thể chất và tư duy. Khi có bố mẹ đồng hành trong các hoạt động thường ngày, trẻ sẽ không còn thời gian nghĩ tới điện thoại.
Giải pháp thứ hai để bảo vệ con, cần giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử. Rất khó bắt trẻ bỏ Internet hoàn toàn, nhưng bạn có thể kiểm soát thời gian trẻ xem điện thoại; cũng như các nội dung mà trẻ đang xem. Bạn hãy giới hạn con mỗi ngày xem không quá 30 – 60 phút; mỗi khi xem phải ngồi ở phòng khách nơi có bố mẹ ngồi cùng. Nếu được, nên cài chế độ C18 (chặn nội dung không phù với trẻ dưới 18 tuổi) cho các thiết bị điện tử.
Cuối cùng, bố mẹ hãy trở thành những người bạn lớn của con, theo sát con trong mọi suy nghĩ và hành động, trang bị cho con kiến thức và kỹ năng để rời xa cái xấu, hướng tới cái hay. Các bậc cha mẹ cần cảnh giác hơn để kịp thời ngăn chặn, không để trẻ bị tác động bởi những mặt trái của mạng xã hội. Đừng để xảy ra chuyện đáng tiếc mới thốt lên hai tiếng “Giá như…”.
Bài: Thu Hà
Tiếp Thị Gia Đình