Bí kíp uống rượu không say cho ngày vui trọn vẹn

Cuối năm là thời điểm tiệc tùng diễn ra liên miên. Uống bia rượu nhiều trong các cuộc vui này là điều không tránh khỏi. Làm gì để cảm thấy tỉnh táo vào sáng hôm sau?

uống bia rượu

Ảnh: Shutterstock

Cuối năm là dịp gặp mặt để hàn huyên tâm sự. Trong những cuộc vui ấy không thể thiếu bia, rượu. Chúng như chất xúc tác, khiến tâm trạng con người vui tươi hơn. Xét về lợi ích, nhiều nghiên cứu cho thấy, uống một chút rượu bia có thể hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và giúp phòng ngừa các bệnh về tim mạch. Tuy nhiên, uống quá nhiều sẽ khiến cơ thể con người uể oải, đồng thời dẫn đến nhiều hệ lụy khác liên quan đến sức khỏe. Vì vậy, hãy áp dụng ngay các mẹo sau đây để tránh cảm giác mệt mỏi sau mỗi cuộc vui.

Uống mà không say

Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng say xỉn là do cơ thể đã hấp thụ một lượng cồn quá mức từ bia, rượu. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể “không say” bằng các mẹo sau:

Ăn nhẹ trước khi uống

Để hạn chế ảnh hưởng từ bia rượu, việc đầu tiên mà bạn cần làm là hãy lót dạ trước khi bước vào cuộc vui. Hãy “nạp gas” trước bằng các loại thực phẩm như thịt gà, bánh mì nâu, trứng, hạt hạnh nhân, bông cải xanh,… Một bữa ăn nhẹ không chỉ cung cấp đủ năng lượng cho buổi tiệc mà còn giúp bạn lâu say hơn.

Uống chậm rãi

Dù bạn uống bia, rượu, cocktail hay bất cứ đồ uống có cồn nào khác, hãy học cách uống chậm rãi. Cách làm này giúp bạn kéo dãn khoảng thời gian xâm nhập của chất cồn vào bên trong cơ thể.

Đừng quên bàn tiệc linh đình

Nhiều người thường có thói quen cụng ly liên tục suốt bữa tiệc mà quên cả ăn. Nếu chồng hoặc bạn bè đều có xu hướng này, bạn hãy gắp đồ ăn cho họ nhé! Bởi khi dạ dày trống, chất cồn trong bia rượu sẽ dễ đi vào dạ dày làm chúng ta nhanh say. Tệ hại hơn, nó có thể gây đau, viêm loét dạ dày.

Uống có lý trí

Trong mọi cuộc vui, bạn đừng uống vì để ganh đua. Thay vào đó, hãy từ từ thưởng thức mùi vị của ly rượu hay lon bia. Thực tế, mỗi người đều có khả năng tiêu thụ chất cồn khác nhau. Tốt nhất, hãy uống cho chính mình bạn nhé!

Uống nước

Khi uống bia, rượu, cơ thể của bạn sẽ rơi vào tình trạng mất nước vì đây là những chất lợi tiểu. Đó là lý do vì sao bạn luôn cảm thấy khát nước khi trót uống quá nhiều bia, rượu. Vì thế, bạn cần uống 1 ly nước đầy trước khi bước vào bữa tiệc. Trong lúc dùng bia rượu, bạn cũng có thể uống kèm với nước để làm loãng chất cồn trong bụng và hạn chế cơn say.

Ảnh: Shutterstock

Làm thế nào để hồi phục thể lực sau 1 đêm quá chén?

Nếu lỡ vui quá trớn, hãy tham khảo một vài bí kíp dưới đây để sớm lấy lại sự tỉnh táo cho bản thân:

Bổ sung kali

Sau khi uống quá nhiều bia rượu, ngoài cảm giác say lừ đừ do cồn, bạn còn cảm giác khó chịu do tình trạng mất nước và mất chất điện giải gây ra. Trong trường hợp này, chuối sẽ là món ăn “cứu nguy” vì nó chứa nhiều kali, giúp bạn bù chất điện giải cho cơ thể. Thêm nữa, loại trái cây này còn giúp giảm cơn đau dạ dày, giảm cảm giác buồn nôn.

Trứng

Khi tiêu thụ nhiều rượu bia, độc tố acetaldehyde sẽ được lưu lại trong cơ thể và tạo ra một dư vị khó chịu. May mắn thay, trứng chứa axit amin cysteine có tác dụng phá vỡ acetaldehyde. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bạn sẽ cảm thấy cơ thể khỏe hơn sau khi ăn trứng.

Uống trà gừng

Gừng là loại gia vị giúp giảm đau dạ dày, giảm cảm giác nôn nao khi say khá hiệu quả. Bạn có thể nhấm nháp chút trà gừng, hoặc ngậm vài lát gừng tươi trong miệng để giảm cảm giác khó chịu sau một đêm say bí tỉ.

Có giấc ngủ sâu

Ngủ là một trong những cách tốt nhất để hồi phục sau bữa tiệc “tới bến”. Một giấc ngủ sâu kéo dài suốt 7 – 8 tiếng sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn vào ngày hôm sau. Nếu thức giấc giữa chừng, bạn có thể uống thêm một viên vitamin tổng hợp và ngủ tiếp.

Dùng thực phẩm lên men

Các thực phẩm lên men như trà kombucha, sữa chua hoặc súp miso có chứa rất nhiều lợi khuẩn đường ruột. Các lợi khuẩn này sẽ giúp bạn giảm đi cảm giác nôn nao, khó chịu và giúp bạn hồi phục cơ thể sau một đêm say. Đặc biệt, súp miso còn bù nước, bù natri và nhiều chất dinh dưỡng khác cho cơ thể, từ đó giúp bạn hồi phục, nhanh chóng lấy lại sự tỉnh táo.

Kết

Rượu bia là một thức uống tiêu khiển. Do đó, bạn không cần dốc sức hoặc tạo áp lực ganh đua bản thân hay biến nó thành phương thức giao thiệp. Khi uống, bạn hãy biết tự kiềm chế bản thân và nắm rõ “đô” của mình để tránh rắc rối. Hạn chế dùng các loại rượu pha với nước có gas như nước ngọt, soda, nước tăng lực… Bên cạnh đó, bạn cũng chỉ nên uống các loại bia, rượu có thương hiệu rõ ràng. Tránh uống bia hơi, bia tươi tự sản xuất không nhãn mác hoặc các loại rượu tự ngâm.

Cảnh báo ngộ độc rượu

Nếu tiêu thụ một lượng rượu lớn trong khoảng thời gian ngắn sẽ gây ảnh hưởng đến nhịp tim, nhịp thở và có khả năng dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu. Những triệu chứng ngộ độc rượu bao gồm các biểu hiện sau đây:

Động kinh, co giật, tê yếu chân tay

Thân nhiệt bắt đầu hạ

Bất tỉnh

Thở khò khè

Da môi và móng tím tái

Nôn nhiều, đau chướng bụng.

Trong trường hợp ngộ độc rượu, bạn cần xử trí cho nạn nhân nằm nghiêng để tránh tình trạng hít sặc, gây suy hô hấp và viêm phổi. Đồng thời, giữ ấm cơ thể cho nạn nhân và đưa họ đến cơ sở y tế gần nhất.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua