Nguyên tắc 3 giờ “vàng” trong cấp cứu đột quỵ não

3 giờ đầu tiên kể từ khi bệnh nhân đột quỵ được xem là “thời gian vàng" để cấp cứu, bởi lúc này các dấu hiệu của bệnh chỉ vừa mới xuất hiện. Sau 3 - 4 giờ, nơi vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại, khó phục hồi

nguyên tắc 3 giờ vàng

(Ảnh: Tomasz Wozniak/Unsplash)

Đột quỵ là căn bệnh vô cùng nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao và có thể để lại một số di chứng vĩnh viễn cho người bệnh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới lẫn ở Việt Nam; chỉ đứng sau ung thư và tim mạch. Theo Bộ Y tế, ở Việt Nam, có hơn 200.000 ca đột quỵ mỗi năm. Trong số đó, tỷ lệ tử vong cao đa phần do cấp cứu muộn, không kịp điều trị trong 3 giờ “vàng”.

Đột quỵ não là bệnh gì?

Đột quỵ não là tình trạng mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ khiến cho não không nhận đủ oxy; dẫn đến tình trạng xuất huyết não, nhồi máu não, vỡ mạch máu não…. Một phần của não sẽ bị tổn thương hoặc bắt đầu chết đi.

Bất cứ đối tượng nào đều có nguy cơ mắc bệnh đột quỵ não. Bệnh có thể xuất hiện với mọi độ tuổi. Nhưng thông thường, những người từ 45 tuổi trở lên với bệnh nền tim mạch, tiểu đường, người hút thuốc lá, uống bia rượu sẽ có nguy cơ cao hơn.

Ở thời kỳ khởi phát, bệnh nhân thường bị đau đầu. Kèm theo đó là rối loạn tâm lý, đặc biệt là chứng “nói nhảm”. Bệnh nhân có thể tử vong hoặc bị di chứng nặng nề như liệt, nói ngọng, méo miệng… nếu không được cấp cứu kịp thời.

Nguyên tắc 3 giờ “vàng” trong cấp cứu đột quỵ

Các bác sĩ đều cho rằng, 3 giờ đầu sau đột quỵ được xem là 3 giờ “vàng” để cấp cứu đột quỵ. Thậm chí là sau 4 – 5 giờ bệnh nhân vẫn có cơ hội sống sót và hồi phục nếu được đưa đến bệnh viện kịp thời.

Cứ mỗi phút bệnh nhân đột quỵ không được điều trị đặc hiệu thì có khoảng 2 triệu nơron thần kinh mất đi. Càng trì hoãn việc điều trị, các tế bào thần kinh càng chết đi nhiều hơn. Tai biến biến chứng cũng như tử vong sẽ cao hơn so với bệnh nhân được điều trị sớm. Đặc biệt là sau mốc 6 giờ kể từ lúc khởi phát. Bởi lúc này não đã bị tổn thương nặng.

Cần làm gì khi người thân có triệu chứng đột quỵ

Khi thấy người thân có một trong các triệu chứng đột quỵ, bạn cần phải lập tức gọi xe đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác.

Trong khi chờ xe cấp cứu, bạn cần phải đặt bệnh nhân trên mặt phẳng; nghiêng mặt sang một bên; nới bớt quần áo cho thông thoáng. Đây được gọi là tư thế nằm nghiêng an toàn (hồi sức cấp cứu). Tư thế này nhằm bảo vệ đường thở của bệnh nhân. Bởi khi bệnh nhân hôn mê nằm ngửa, lưỡi sẽ bị tụt xuống họng, gây cản trở, bít tắc đường thở.

Tiếp Thị Gia Đình

>> Xem thêm: 10 LÝ DO KHIẾN BẠN MỆT MỎI VỀ MẶT TINH THẦN, VÀ GIẢI PHÁP PHỤC HỒI

Đừng bỏ qua