Chắc hẳn khi đi khám sức khoẻ tổng quát, bác sĩ đã từng yêu cầu bạn nắm chặt một quả bóng nhựa mềm trong khoảng 30 giây. Đây được cho là phương pháp dễ dàng để chẩn đoán sơ bộ sức khoẻ tim mạch. Thông qua các biểu hiện như khả năng hồi máu sau khi nắm chặt hay các điểm đau trên ngón tay, bác sĩ sẽ có cơ sở để xác định các nguy cơ liên quan đến tim mạch, huyết áp, hệ tiêu hóa…
Lực nắm tay có thể dự báo các bệnh tiềm ẩn
Tháng 4/2020, Tạp chí Y học Dự phòng Mỹ đã công bố số đo sức mạnh khi nắm chặt tay (Grip strength) có thể là công cụ tầm soát hiệu quả và dễ thực hiện đối với bệnh tiểu đường tuýp 2.
Nghiên cứu do Tiến sĩ Elise C. Brown tại Đại học Oakland (Mỹ) dẫn đầu. Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia để tìm mối liên hệ giữa lực nắm tay với nguy cơ tiểu đường tuýp 2. Trong đó, lực nắm của bàn tay và cánh tay được xác định bằng các lực kế cầm tay.
Sau khi đối chiếu dữ liệu xã hội học (như dân tộc, học vấn, giới tính và tuổi tác), các yếu tố lối sống (như vận động, uống rượu bia và hút thuốc) và số đo vòng eo, nhóm chuyên gia xác định được những người có nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2 qua số đo lực nắm tay. Dù cho những người này đều đang trong trạng thái khỏe mạnh.
Ví dụ, ngưỡng an toàn đối với phụ nữ từ 50-80 tuổi là 0,49. Nếu một người ở độ tuổi này có lực nắm tay dưới 0,49 thì sẽ có nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2. Vì vậy, người này nên tiến hành tầm soát để chữa trị kịp thời.
Năm 2016, Tạp chí Lancet cũng công bố kết quả nghiên cứu cho thấy sức mạnh của nắm tay giảm có thể là dấu hiệu đau tim, đột quỵ và tử vong do bệnh tim mạch. Sau khi hiệu chỉnh các biến số, các nhà khoa học cho rằng lực nắm tay trung bình của đàn ông dao động từ 30 – 38kg; phụ nữ dao động từ 24,5 – 28kg.
Cách cải thiện lực nắm tay
Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ rất quan trọng đối với việc phục hồi cơ bắp và hồi phục các mô của cơ thể. Chúng ta cần ngủ đủ 7 – 8 giờ mỗi đêm, tối thiểu phải đủ 6 giờ. Ngủ đủ giấc sẽ cho cơ thể đủ thời gian để hồi phục các mô cơ; đồng thời bổ sung năng lượng dự trữ cho cơ bắp.
Bổ sung protein
Protein là thứ giúp xây dựng cơ bắp. Do đó, bạn cần phải bổ sung đủ protein; ăn nhiều thịt, đậu, các loại hạt và cá, kết hợp với rau và trái cây mỗi ngày.
Luyện tập có kháng lực
Để cải thiện lực nắm tay, bạn cần tập luyện có kháng lực. Chẳng hạn như tập tạ, nâng vật nặng, kéo các dụng cụ có kháng lực… 2 – 3 lần mỗi tuần. Bạn nên cho cơ bắp nghỉ 1 hoặc 2 ngày giữa các đợt tập luyện. Đối với những người không tập thể hình, bạn có thể dùng kìm bóp tay tại nhà. Ngoài cải thiện lực nắm tay, kìm bóp tay còn có thể giúp giảm căng thẳng và tuần hoàn máu tốt hơn.
Tận dụng các hoạt động hàng ngày
Bên cạnh luyện tập có kháng lực, bạn cũng có thể tận dụng lợi thế của các hoạt động hàng ngày. Chẳng hạn như nâng một hộp sữa một vài lần trước khi đặt nó trở lại vào tủ lạnh. Bạn cũng nên linh họat dùng cả hai tay cho công việc vốn chỉ dùng một tay. Cổ tay thuận thường khỏe hơn cổ tay không thuận rất nhiều. Dùng tay không thuận cho các công việc hằng ngày dĩ nhiên sẽ khó hoàn thành việc đó hơn. Nhưng nếu chịu khó tập luyện dần dần, lực của cổ tay không thuận sẽ được cải thiện rất nhiều. Do đó, thỉnh thoảng bạn hãy dùng tay không thuận để đánh răng, viết, dùng chuột máy tính hoặc khi ăn uống…
Tiếp Thị Gia Đình