Thắp 1 ngọn nến sáp để thêm ấm áp trong đêm đông

Trở về nhà sau một ngày dài mệt mỏi, sẽ thật thư giãn nếu đốt chút nến thơm và để cho mùi hương xoa dịu những căng thẳng của mình

nến sáp

Sự ra đời của các sản phẩm aromatherapy (liệu pháp mùi hương) như nến thơm, tinh dầu, tán hương… đã giúp cho cuộc sống thêm hương sắc, trọn vẹn. Chúng giúp giải tỏa căng thẳng, cân bằng cảm xúc, cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Nhiều người thích chọn nến thơm vì nó thỏa mãn cả thị giác lẫn khứu giác, đem lại cảm giác ấm áp cho không gian. Bạn có thể dễ dàng tìm mua nến thơm ở các cửa hàng. Đồng thời, nếu thích, bạn cũng có thể tự làm chúng ở nhà!

Phân biệt những loại nến sáp thơm

Trong nến thơm có 3 thành phần chính: sáp, bấc nến và tinh dầu. Trong đó, nguyên liệu sáp là thành phần quan trọng nhất. Hiện tại trên thị trường có 3 loại sáp thông dụng nhất:

Sáp parafin là loại sáp truyền thống được dùng làm nến từ lâu đời và khá phổ biến cho đến tận bây giờ. Đây cũng là loại sáp phù hợp cho người mới bắt đầu tự làm tại nhà vì nó tan chảy khá nhanh, giá thành rẻ và dễ tạo màu cũng như thêm mùi hương. Tuy nhiên, các hãng nến thơm lớn thường ít sử dụng. Vì khi đốt lên, lượng bồ hóng (bụi mịn có các carbon không tinh khiết) được thải ra của nó luôn nhiều hơn các loại nến khác. Chúng có thể gây dị ứng cho một số người có cơ địa dễ mẫn cảm.

Sáp đậu nành (được chiết xuất từ đậu nành) đang dần phổ biến vì lành tính, không gây hại đến môi trường, dễ sử dụng. Nến làm từ sáp đậu nành có xu hướng cháy lâu hơn so với hầu hết các loại sáp khác. Và khi dùng hết, bạn có thể dễ dàng vệ sinh cốc bằng nước ấm và xà phòng.

Sáp ong cũng là loại sáp hoàn toàn tự nhiên và có tính chất thanh lọc không khí. Khi đốt, loại nến dùng sáp ong sẽ có mùi mật ong nhẹ nhàng và tỏa ra ánh sáng vàng ấm. Tuy nhiên, với đặc tính này, bạn khó có thể pha thêm mùi hương cũng như nhuộm màu cho nến. Vì lẽ đó, loại nến này thích hợp cho những người có cơ địa dễ bị kích ứng.

Mùi hương sực nức có an toàn?

Sản phẩm gắn mác “aromatherapy” muốn đạt hiệu quả cao nhất phải hoàn toàn tự nhiên. Trên thị trường có nhiều loại nến thơm rất thu hút người dùng bởi mùi thơm sực nức và có giá thành khá phải chăng. Nhưng thực tế, mùi thơm ấy có pha trộn những chất hóa học để tạo mùi hoặc nguyên liệu kém chất lượng. Chúng không có lợi cho sức khỏe nếu dùng trong thời gian dài.

Những hãng làm nến thơm cao cấp luôn chọn tinh dầu thiên nhiên, chiết xuất 100% từ thực vật và không có chất tạo mùi hóa học. Họ còn sáng tạo công thức pha trộn mùi hương riêng rất kỳ công như sản xuất nước hoa. Một hủ nến thơm có thể có đến 3 tầng hương: tầng đầu, tầng giữa và tầng hương nền.
Để tỏa hương, nến cần có lượng tinh dầu đáng kể. Nhờ vậy, mùi hương mới có chiều sâu, tạo được điểm nhấn riêng biệt của từng mùi và đặc biệt là lưu lại hương lâu hơn kể cả sau khi đã thổi tắt nến.

Không nên đốt nến thơm quá 4 tiếng

Khi sử dụng nến thơm, bạn không đốt trong phòng kín hoặc phòng điều hòa. Lửa cháy có thể lấy hết oxy và tạo ra khí CO2, có thể gây ngạt cho người trong phòng. Bên cạnh đó, không lạm dụng quá nhiều với những người có bệnh hô hấp, có tiền sử dị ứng hương liệu. Đặc biệt, tuyệt đối không đốt nến khi đang ngủ hoặc không có người trong phòng để tránh rủi ro hỏa hoạn.

Luôn để nến cháy cho đến khi toàn bộ bề mặt hóa lỏng. Nếu cần, nến phải được đốt khoảng 1 tiếng để tỏa hương tốt nhất. Thời gian thích hợp để đốt nến thơm là từ 1 – 4 tiếng. Sau 4 tiếng, sợi bấc sẽ xuất hiện hiện tượng tạo dáng hình nấm. Đó là lúc ngọn lửa và lượng khói từ nến trở nên mất kiểm soát, có khả năng thải ra khí carbon.
Ở lần sử dụng tiếp theo, hãy cắt ngắn sợi bấc khoảng 6mm. Nếu sợi bấc dài và bị cháy phần đầu, việc bạn tiếp tục đốt sẽ tạo ra khói và cản trở nến tỏa hương. Hạn chế để các tạp chất như sợi bấc thừa đã cắt, bồ hóng,… rơi vào sáp nóng chảy khi đang đốt nến.

Bạn nên chọn loại bấc nến làm từ sợi bông hoặc gỗ vì chúng lành tính và an toàn cho sức khỏe. Tuyệt đối tránh xa các loại bấc chứa lõi chì nếu không muốn sản sinh ra hóa chất độc hại.

Không khó để tự làm nến thơm tại nhà

Bạn sẽ cần chuẩn bị sáp, bấc bông hoặc bấc gỗ, chân kẹp cố định bấc, khuôn nến chịu nhiệt (ly thủy tinh, sứ, chén sành), bột màu hoặc bút sáp màu, tinh dầu mùi hương yêu thích của bạn.

Bước 1: Nung sáp

Với 3 loại sáp đã đề cập ở đầu bài, bạn tùy chọn loại phù hợp hoặc có thể tìm mua được. Bạn cần lưu ý dung tích khi sáp nóng chảy để chọn khuôn nến phù hợp. Cụ thể, 500g sáp parafin tạo ra tương đương 600ml sáp nóng chảy. 500g sáp đậu nành tạo ra 530ml và 500g sáp ong tạo ra 500ml. Bạn cắt sáp thành miếng nhỏ và nung cách thủy đến khi hóa lỏng hoàn toàn.

Bước 2: Thêm mùi và tạo màu

Khi sáp đã hóa lỏng hoàn toàn, bạn cho tinh dầu thiên nhiên vào và khuấy đều. Bạn sẽ cần ít nhất 20 giọt tinh dầu cho một khuôn nến 500ml. Nếu bạn dùng bột màu hoặc màu thực phẩm, bạn có thể pha ngay và tắt bếp. Tuy nhiên, nếu dùng sáp màu, bạn sẽ phải tiếp tục nung sáp cách thủy để màu được hòa quyện.

Bước 3: Cố định tim nến, rót khuôn

Đặt bấc vào giữa khuôn nến. Sợi bấc cần dài hơn miệng khuôn. Cố định phần đầu bấc bằng kẹp và đặt giữa miệng khuôn. Sau đó rót sáp lỏng vào.
Nếu bạn dùng bấc gỗ, hãy dùng 1 tay cố định bấc thẳng đứng giữa khuôn, tay còn lại rót sáp từ từ vào. Bạn không đổ sáp quá đầy. Hãy chừa lại khoảng 1 cm để bấc cháy khi sử dụng. Tùy loại sáp sẽ có thời gian đông đặc lại. Ít nhất là để qua đêm hoặc trong 24 tiếng.

Bài: A.V
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua