Người yêu bạn đi quá giới hạn với một người khác, bạn giận dữ, đối chất họ thì lại bị trách móc ngược lại. Họ còn yêu cầu bạn phải dừng ngay việc ghen tuông vớ vẩn. Sau cùng, bạn vẫn ở bên người ấy và chấp nhận là người có lỗi để mối quan hệ không đổ vỡ. Đây chính là ví dụ điển hình của một mối quan hệ “gaslighting”. Vậy, “gaslighting” là gì? Làm thế nào để nhận biết và thoát ra khỏi mối quan hệ đó?
Định nghĩa “gaslighting”
Trong tiếng Anh, nghĩa đen của từ “gaslighting” hay “gas-lighting” là “thắp sáng đèn ga”. Về mặt tâm lý học, từ này dùng để chỉ việc thao túng tâm lý trong một mối quan hệ. Khi đó, kẻ lạm dụng sử dụng thông tin bị bóp méo, sai sự thật khiến nạn nhân lo lắng, bối rối rồi dẫn đến nghi ngờ suy nghĩ, giá trị, trí nhớ, óc phán đoán của mình. Dần dần, nạn nhân mất đi cảm nhận về thực tế.
Thuật ngữ này bắt nguồn từ vở kịch Gaslight (1938). Sau đó, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên vào năm 1944. Trong bộ phim, nhân vật chính – ông Manningham, thực hiện một loạt hành vi lạm dụng tâm lý có hệ thống với người vợ. Đây chính là khởi nguồn cho việc sử dụng thuật ngữ này.
Những dấu hiệu nhận biết một mối quan hệ gaslighting
Theo tiến sĩ Robin Stern – tác giả của quyển sách The Gaslight Effect: How to Spot and Survive the Hidden Manipulation Others Use to Control Your Life (Hiệu ứng đèn ga: Cách nhận biết và thoát khỏi sự thao túng tâm lý ngầm), những dấu hiệu cho thấy bạn là nạn nhân của một mối quan hệ gaslighting bao gồm:
- Cảm thấy mình không còn là con người trước kia nữa
- Cảm giác bồn chồn, tự ti xuất hiện ngày càng nhiều
- Thường xuyên tự vấn liệu rằng mình có quá nhạy cảm
- Cảm thấy mọi thứ mình làm đều sai trái
- Luôn nghĩ rằng mọi chuyện không ổn là do lỗi của bạn
- Thường xuyên nhận lỗi
- Linh cảm rằng có điều gì đó không ổn, nhưng không thể tìm ra nó là gì
- Thường xuyên tự vấn liệu rằng phản ứng của mình với đối phương có đúng mực hay không (chẳng hạn như tự cho rằng mình quá vô lý hoặc không yêu thương người ấy đủ)
- Tìm cách biện hộ cho hành vi của người ấy
- Tránh nói về người ấy hoặc mối quan hệ của hai người với bạn bè, gia đình
- Cảm thấy bị cô lập khỏi gia đình và bạn bè
- Cảm thấy thật khó khăn khi đưa ra các quyết định
- Cảm thấy vô vọng và không còn hứng thú với những hoạt động mà mình từng rất thích
Làm sao để thoát khỏi mối quan hệ độc hại này?
Thật khó để chấp nhận người mà chúng ta yêu thương lại lừa dối, làm tổn thương chúng ta. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để đối phó với mối quan hệ này chính là phải nhận biết được các dấu hiệu. Sau đó, bạn phải chấp nhận sự thật rằng chúng đang diễn ra. Còn nếu bạn cứ để bản thân mình đằm chìm trong mối quan hệ đó, tự lừa dối bản thân mình thì sẽ khó có thể thoát ra được. Về lâu về dài, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Một trong những cách tốt nhất để nhận ra mình có đang trong một mối quan hệ gaslighting hay không là đánh giá từ góc nhìn khách quan. Không chỉ bản thân bạn đánh giá mà hãy để cho gia đình, bạn bè đánh giá. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ. Bạn phải cởi mở với họ, không nên giấu giếm, chịu đựng những vấn đề một mình. Họ sẽ giúp bạn loại bỏ cảm giác tội lỗi và tự ti.
Cách khác chính là viết ra mình là ai, mình cần gì và ghi chú những lần mình tự nghi ngờ bản thân để dễ dàng theo dõi tình trạng mối quan hệ. Không một ai có thể thao túng được bạn khi bạn biết rõ mình là ai, mình muốn gì, điểm mạnh, điểm yếu của mình là gì.
Hãy dành thời gian để thiền. Thiền sẽ giúp bạn giữ được chính kiến và quan điểm của mình mỗi khi bạn nghi ngờ bản thân.
Cuối cùng, luôn yêu thương bản thân mình. Nếu bạn hiểu rõ và yêu thương chính mình, sẽ không có ai biến bạn thành một người khác được. Và chỉ khi bạn học được cách yêu thương bản thân mình một cách trọn vẹn thì mới có thể có được một mối quan hệ lành mạnh.
Tiếp Thị Gia Đình