Đừng vội phớt lờ những cơn đau lưng bạn nhé!

Đau lưng tưởng chừng chỉ gặp ở người cao tuổi nhưng lại đang ngày càng phổ biến ở những người trẻ. Nếu không chữa trị kịp thời, những cơn đau lưng dai dẳng sẽ gây ra nhiều phiền toái và giảm chất lượng cuộc sống

đau lưng

Ảnh: Shutterstock

Đau lưng là một triệu chứng nhiều người gặp phải nhất. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hầu hết mọi người đều sẽ trải qua đau lưng ít nhất một lần trong đời. Thông thường, đau lưng có thể hết sau vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên, đối với một số người, cơn đau này sẽ dai dẳng và kéo dài. Đáng nói, bệnh không chỉ gặp ở những người cao tuổi mà ngày càng xuất hiện nhiều ở người trưởng thành.

Đau lưng là gì?

Đau lưng là cảm giác đau đớn ở vùng phía sau của cơ thể, kéo dài từ vai gáy xuống tới thắt lưng. Theo thống kê, có 9/10 người ở độ tuổi trưởng thành đã từng bị đau lưng ít nhất một lần trong đời. Khoảng một nửa trong số đó thường xuyên bị đau lưng trong nhiều năm.

Đối với một số người bệnh nhẹ, đau lưng chỉ gây ra những khó chịu nhỏ và thoáng qua. Nhưng đối với nhiều người bệnh nặng, cơn đau kéo dài sẽ ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống. Tùy thuộc vào từng vị trí đau lưng mà người ta phân chia thành các khu vực khác nhau. Đó là đau giữa lưng (lưng trên), đau lưng dưới (thắt lưng) và đau vùng xương cụt. Trong đó, thường gặp nhất là đau lưng dưới hay đau thắt lưng. Vị trí này là nơi nâng đỡ hầu như toàn bộ phần trên của cơ thể.

Những dấu hiệu nhận biết

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, bao gồm cơ lưng bị căng giãn quá mức, dây thần kinh bị chèn ép hoặc lệch đĩa đệm giữa những đốt sống. Ngoài ra, viêm khớp cột sống, loãng xương và các đốt sống ở lưng bị nứt cũng gây đau lưng.

Những cơn đau có thể đến nhẹ nhàng hoặc dữ dội tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Triệu chứng đặc trưng có thể là đau âm ỉ, nhức nhối, đau thấu xương hoặc cảm giác nóng rát. Đau có thể lan ra cả cánh tay, bàn tay cũng như cẳng chân và tới cả bàn chân. Nhiều trường hợp, đau lưng còn dẫn đến tê bì chân tay hoặc yếu cơ.

Thông thường những cơn đau nhẹ sẽ rất khó khăn trong việc chẩn đoán chính xác vì chúng tự biến mất sau một khoảng thời gian. Tuy nhiên, nếu cơn đau lưng tăng lên và thời gian đau kéo dài hơn, mọi người cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Ý kiến chuyên gia

Th.S – BS Nguyễn Đức Thành

Để hiểu rõ hơn về căn bệnh đau lưng và cách phòng tránh, mời bạn cùng TTGĐ lắng nghe ý kiến từ Th.S, BS Nguyễn Đức Thành – Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM.

Thưa bác sĩ, vì sao chúng ta ngày càng dễ mắc phải căn bệnh về cột sống hay các triệu chứng đau lưng, nhức mỏi?

Theo số lượng bệnh nhân thăm khám tại bệnh viện cho thấy, tình trạng đau lưng đang diễn ra ở mọi lứa tuổi. Không chỉ người già mà còn có cả trẻ em. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau lưng nhưng các nguyên nhân chính thường liên quan đến lối sống và cách ngồi sai tư thế. Các bệnh lý tại cột sống nguy hiểm khác như thoát vị đĩa đệm; trượt cột sống hoặc biến dạng cột sống; lao cột sống và ung thư cột sống cũng là các nguyên nhân chính gây nên tình trạng này.

Trong đó, ngồi sai tư thế là một vấn đề dễ gặp phải và ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt của con người cho đến khi trưởng thành. Khi ngồi nhiều, toàn bộ trọng lượng của phần trên cơ thể dồn vào thắt lưng và mông. Lúc này, cột sống phải làm nhiệm vụ chống đỡ, giữ cho lưng được thẳng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, vùng lưng sẽ trở nên “quá tải”. Từ đó, gây đau nhức ở vùng cột sống thắt lưng.

Những mối nguy hiểm nào sẽ xảy ra nếu chúng ta ngồi quá nhiều và ít vận động trong thời gian dài?

Thực tế, thói quen ngồi nhiều không chỉ là nguyên nhân chính, mà còn dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm khác như béo phì, tiểu đường, loãng xương, suy giãn tĩnh mạch… Vì thế, chúng ta thường hay nhận được cảnh báo rằng ngồi nhiều có thể bị giảm tuổi thọ.

Ngoài ra, đau lưng dai dẳng do ngồi nhiều còn làm tiêu tốn rất lớn chi phí điều trị. Bởi nếu không điều trị đúng và sớm, những cơn đau sẽ dẫn đến tình trạng mãn tính, không thể chữa khỏi. Bên cạnh đó, cơn đau này còn gây ảnh hưởng đến những vấn đề khác như nhận thức, cảm xúc và suy nghĩ. Người bệnh càng lo lắng, sợ đau sẽ cảm giác đau nhiều hơn.

Theo bác sĩ, bệnh đau lưng sẽ được điều trị theo phác đồ như thế nào?

Hầu hết các trường hợp đau lưng đều do những nguyên nhân thông thường. Trong giai đoạn đau cấp tính, tức là người bệnh đang bị đau, cứng và yếu ở phần đốt sống lưng. Lúc này, các bác sĩ sẽ dùng thuốc để giúp bệnh nhân giảm đau trong những ngày đầu. Đồng thời, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân thay đổi lối sống, chỉ định điều trị vật lý trị liệu và thực hiện những bài tập cơ bản.

Nếu mức độ đau nhiều hoặc bệnh diễn biến kéo dài, ngoài kết hợp thuốc giảm đau; người bệnh sẽ cần chụp thêm X-quang, MRI, CT. Khi có các bằng chứng rõ ràng về tổn thương thần kinh và tình trạng bệnh không cải thiện, có thể phải can thiệp bằng phẫu thuật.

Thưa bác sĩ, chúng ta cần làm gì để phòng ngừa căn bệnh này?

Để phòng tránh các cơn đau lưng, mọi người ở tất cả độ tuổi cần xem lại lối sống của mình có đang ngồi quá nhiều hay không. Nếu ngồi hơn 8 tiếng mỗi ngày, bạn nên giảm thời lượng. Đặc biệt không được ngồi lâu quá 30 phút. Khi ngồi, chúng ta phải ngồi đúng tư thế và nên ngồi ghế tựa. Cách làm này sẽ giúp nâng đỡ lưng và chịu 1 phần tải trọng. Đồng thời, hạn chế chạy xe đường dài.

Trong một số tư thế hằng ngày, mọi người cũng cần tìm hiểu và điều chỉnh lại để không làm ảnh hưởng đến dây chằng cột sống. Quan trọng hơn hết là chúng ta cần thường xuyên vận động thể lực. Ví dụ như đi bộ, chạy bộ, gym, yoga hoặc bất cứ một môn thể thao nào mà bạn yêu thích. Cần tuân thủ nguyên tắc an toàn để tránh chấn thương.

Tips cho bạn:

Đau lưng thường do tư thế ngồi sai cách trong thời gian dài. Dưới đây là những khuyến nghị về thế ngồi đúng khi làm việc:

Thư giãn, thả lỏng vai và cẳng tay lên mặt bàn sao cho tạo thành chữ L. Hai bàn chân tiếp xúc hoàn toàn với mặt đất. Hai đầu gối giữ vuông góc. Hông giữ vuông góc với thân người. Lưng thẳng. Đầu cổ giữ thẳng trục với lưng. Mắt nhìn về phía trước.

Khi ngồi tư thế đúng, bạn hãy thử tự kiểm tra sau 10 đến 15 phút để xem tư thế có thay đổi hay không và sau đó sửa lại nếu bị sai tư thế.

Tránh ngồi bắt chéo đầu gối. Cố gắng giữ cẳng tay và đầu gối song song với sàn nhà.

Thỉnh thoảng đứng dậy và di chuyển xung quanh, đặc biệt là khi bị đau cơ hoặc khớp.

Giữ khoảng cách màn hình bằng độ dài của cánh tay và cao hơn khoảng 5cm so với tầm nhìn ngang của mắt.

Xin chân thành cảm ơn Th.S BS Nguyễn Đức Thành đã chia sẻ.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua