Thời tiết thay đổi hoàn toàn ảnh hưởng đến giấc ngủ của chúng ta!

Vùi mình trong chăn khi tiết trời se lạnh thì ai chẳng thích. Nhưng không phải lúc nào trời lạnh, ít ánh nắng mặt trời cũng tốt cho giấc ngủ đâu bạn nhé!

thời tiết thay đổi ảnh hưởng đến giấc ngủ

(Ảnh: Shutterstock)

Theo các nhà khoa học, sự chuyển giao từ mùa này sang mùa khác có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ tuỳ theo thể trạng của mỗi người. Chẳng hạn như giai đoạn chuyển giao từ hè sang thu khiến chúng ta ngủ ngon hơn nhờ các yếu tố như thời tiết mát mẻ, dễ chịu, đêm đến nhanh hơn và dài hơn ban ngày. Thế nhưng không phải lúc nào thời tiết lạnh và ít ánh sáng cũng tốt cho giấc ngủ. Hãy cùng tìm hiểu các chuyên gia đã giải thích thời tiết thay đổi ảnh hưởng đến giấc ngủ như thế nào nhé.

Thiếu ánh sáng do ngày ngắn đêm dài

Bạn có biết vì sao vào mùa thu và đông, chúng ta dễ buồn ngủ hơn và chỉ muốn vùi mình trong chăn? Không chỉ đơn giản là do nhiệt độ xuống thấp khiến chúng ta trở nên lười biếng và dễ buồn ngủ. Mà là do thiếu ánh sáng. Tiến sĩ Tâm lý Shelby Harris, chuyên gia về giấc ngủ và tác giả của quyển sách The Women’s Guide to Overcoming Insomnia (Hướng dẫn phụ nữ vượt qua chứng mất ngủ) giải thích:

“Ánh sáng chứa nhiều năng lượng và khiến nồng độ melatonin (một loại hormone điều chỉnh chu kỳ ngủ – thức) giảm. Do đó, khi trời bắt đầu tối nhanh hơn, não chúng ta cũng nghĩ đến việc đi ngủ sớm hơn. Ánh sáng là một trong những lý do lớn nhất khiến giấc ngủ thay đổi khi giao mùa.”

Do đó, vào mùa thu, đông, khi trời trở nên tối tăm, ảm đạm và nắng ít, cơ thể chúng ta sẽ sản xuất rất nhiều melatonin. Điều này rất tốt cho giấc ngủ vào ban đêm, nhưng tạo ra vấn đề vào ban ngày. Bạn sẽ không còn động lực để dậy đúng giờ vào mỗi buổi sáng. Cảm giác buồn ngủ cũng sẽ đeo bám dai dẳng suốt cả ngày.

Nhiệt độ thay đổi

Nhiệt độ thích hợp nhất cho giấc ngủ là từ khoảng 21°C – 26°C. Dĩ nhiên là vào mùa thu và đông chúng ta đều ngủ ngon hơn. Thế nhưng vào mùa hè, cái nóng gay gắt khiến giấc ngủ không hề dễ chịu chút nào. Đặc biệt là đối với những gia đình không có máy điều hoà; hoặc những căn phòng không được xây bằng vật liệu chống nóng.

Tâm trạng thay đổi

Bạn đã bao giờ nhận thấy rằng bạn có một chút buồn và thờ ơ trong mùa đông, khi ánh sáng mặt trời ít đi? Đây là một dạng rối loạn thực sự, được gọi là rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD). Mức độ melatonin cao hơn trong khi mức serotonin thấp hơn khiến tâm trạng ảm đạm hơn trong những ngày lạnh. Và dĩ nhiên là bạn cũng sẽ cảm thấy buồn ngủ nhiều hơn.

Phản ứng của hệ miễn dịch cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ

Khi thời tiết thay đổi và trời lạnh hoặc nóng, trời ẩm hoặc khô hoặc áp suất thay đổi, cơ thể phải thay đổi liên tục để thích ứng. Và đây là lúc hệ miễn dịch dễ bị suy yếu nhất. Bạn sẽ dễ bị bệnh hơn, bị đau hoặc khó chịu. Hoặc điều đó có thể làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh. Mà một khi bị bệnh, đặc biệt là cảm cúm, thì bạn chỉ muốn ngủ và ngủ thôi. Nhưng chất lượng giấc ngủ lúc này không được tốt cho lắm. Sau khi ngủ dậy bạn chỉ cảm thấy mệt mỏi, uể oải.

Giấc ngủ cũng ảnh hưởng ngược lại hệ miễn dịch. Theo các chuyên gia, ngủ không đủ giấc khiến hệ miễn dịch suy yếu. Một nghiên cứu cho thấy, những sinh viên ngủ ít hơn 6 giờ/ngày dễ mắc bệnh gấp 4 lần so với những sinh viên ngủ từ 6 – 8 tiếng.

Do đó, hãy ăn uống đủ chất, tập luyện điều độ và ngủ đủ giấc để hệ miễn dịch luôn khoẻ mạnh khi thời tiết thay đổi bạn nhé!

Tiếp Thị Gia Đình

Theo: Well & Good

>> Xem thêm: NGỦ KHỎA THÂN: BÍ QUYẾT CHĂM DÁNG GIỮ DA VÀ GIỮ LỬA TÌNH YÊU KHÔNG TỐN SỨC

Đừng bỏ qua