Hạt diêm mạch, tên tiếng Anh là quinoa (phát âm là keen- wah hoặc ke-no-ah). Đây là một loại siêu thực phẩm. Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) còn chọn năm 2013 là “Năm quốc tế diêm mạch”. Trong khi đó, các loại thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng khác như hạt óc chó, hạt mắc-ca, yến mạch, hạt chia… còn chưa có được vinh dự” này.
Hạt diêm mạch – Món quà kỳ diệu thiên nhiên ban tặng
Nguồn gốc của hạt diêm mạch
Diêm mạch thường bị lầm tưởng là một loại ngũ cốc. Nhưng thực chất nó là một loại hạt mầm (seed) từ cây Chenopodium quinoa có nguồn gốc từ dãy Andes ở phía Tây Bắc vùng Nam Mỹ. Cây này chung họ với cải bó xôi, cải cầu vồng và củ cải đường. Khoảng 5.200 – 7.000 năm trước, người dân bản địa ở đây đã dùng lá và hạt từ cây diêm mạch để làm thức ăn cho gia súc.
Về sau, khoảng 3.000 – 4.000 năm trước, người dân ở Peru và Bolivia tại lưu vực hồ Titicaca bắt đầu dùng hạt diêm mạch làm nguồn lương thực chính. Nhiều thế kỷ trôi qua, hạt diêm mạch vẫn là loại thực phẩm không thể thiếu đối với người dân bản địa nơi đây. Thậm chí, diêm mạch trong tiếng Inca còn có nghĩa là “mẹ của các loại hạt”.
Loài cây “kiên cường”
Một đặc điểm đáng khâm phục của cây diêm mạch là có thể thích nghi với những vùng đất cằn cỗi, nhiễm mặn hoặc khí hậu khắc nghiệt như hạn hán và sương gió. Nó không cần quá nhiều sự chăm sóc phức tạp. Nhưng nó vẫn có thể cho ra hạt giàu dưỡng chất.
Bên ngoài nó được bao bọc bởi một lớp màng saponin. Hợp chất này là loại nhựa đắng khiến côn trùng không thích ăn. Chính vì thế, hạt diêm mạch siêu sạch vì không cần dùng phân bón, chất hóa học để trừ sâu hại.
Ước tính có khoảng 1.800 loại hạt diêm mạch. Hạt diêm mạch có rất nhiều màu sắc, từ đen, đỏ, trắng, tím, hồng, vàng, xám, cam cho đến xanh lá. Trong đó, hạt màu trắng và đỏ là hai loại phổ biến nhất. Hạt diêm mạch màu trắng có vị thơm ngon. Còn hạt diêm mạch màu đỏ thì giàu chất dinh dưỡng hơn.
Hàm lượng các chất dinh dưỡng cân bằng một cách hoàn hảo
Nguồn protein vô cùng dồi dào
Lý do hàng đầu mà hạt diêm mạch được gọi là “siêu hạt” là nó chứa đủ 9 loại axit amin thiết yếu. Do đó, protein trong hạt diêm mạch là protein hoàn chỉnh, có giá trị dinh dưỡng tương đương với protein trong thịt, cá và trứng. Trong khi đó, nhiều thực phẩm gốc thực vật khác thiếu một vài amino axit, chẳng hạn như lysine – amino axit cấu tạo nên cơ bắp. Cơ thể con người không thể tự tổng hợp các amino axit này mà chỉ có thể bổ sung bằng thực phẩm.
Cứ mỗi 185g hạt diêm mạch thì có 8g protein. Vì vậy, hạt diêm mạch là nguồn protein rất dồi dào. Nhất là đối với những người theo chế độ ăn chay.
Hàm lượng chất xơ gấp đôi các loại ngũ cốc
Hạt diêm mạch cũng có hàm lượng chất xơ rất cao. Nghiên cứu 4 loại hạt diêm mạch khác nhau cho thấy, cứ mỗi 100g diêm mạch có đến 10 – 16g chất xơ. Lượng chất xơ này cao gấp đôi trong hầu hết các loại ngũ cốc. Chính vì vậy, đây là loại thực phẩm thiết thực đối với những người muốn giảm cân.
Không chứa gluten
Hạt diêm mạch không thuộc họ hàng với lúa mạch hay ngũ cốc nên hoàn toàn không có gluten. Theo các chuyên gia, diêm mạch là thành phần rất thích hợp trong các chế độ ăn không chứa gluten. Trong một bài nghiên cứu trên Food Chemistry, các nhà khoa học còn cho rằng thêm hạt diêm mạch hoặc kiều mạch vào các sản phẩm không chứa gluten sẽ giúp tăng cường chất chống oxy hoá đáng kể. Lượng chất chống oxy hoá này cao hơn nhiều so với các thực phẩm không chứa gluten quen thuộc. Như bột năng tinh luyện, khoai tây, ngô và bột mì.
Các chất dinh dưỡng khác
Ngoài những chất dinh dưỡng trên, hạt diêm mạch còn giàu vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin E; các khoáng chất như kẽm, magie, kali, sắt và các chất chống oxy hóa như quercetin và kaempferol. Nhờ đó mà nó có tác dụng chống viêm, ngăn ngừa bệnh trầm cảm, tim mạch, tiểu đường và ung thư.
Bài: Duyên Trần
Tiếp Thị Gia Đình