Mỗi khi nhắc đến mùi hương, tôi lại nhớ tới bộ phim Mùi hương: Chuyện một kẻ giết người được chuyển thể từ tiểu thuyết của Patrick Suskind. Mùi hương bao trùm mọi ngóc ngách của Paris vào thế kỷ 18, ám ảnh Jean-Baptiste Grenouille đến mức anh ta trở thành tên sát nhân hàng loạt. Và cũng chính mùi hương ma thuật mà Grenouille tạo ra đã biến anh thành thánh nhân được mọi người tôn sùng. Mùi hương chính là sợi dây gắn kết kỳ diệu với cảm xúc con người. Vì thế, liệu pháp mùi hương đã hiện diện trong cuộc sống từ hàng nghìn năm qua.
Liệu pháp mùi hương là phương pháp trị liệu bằng hương thơm của tinh dầu nguyên chất. Đây không phải là liệu pháp mới. Từ xa xưa, con người đã biết sử dụng cây cỏ, hoa lá cho vào nước tắm, xoa bóp, xông… nhằm diệt khuẩn, chữa bệnh cảm cúm và làm đẹp da.
Liệu pháp mùi hương có từ khi nào?
Đầu thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, Pedanius Dioscorides – một bác sĩ, dược sĩ và nhà thực vật học Hy Lạp, đã ghi nhận đặc tính chữa bệnh của thảo dược và tinh dầu trong bộ bách khoa toàn thư về thực vật học mang tên De Materia Medica. Đến thế kỷ 11, tinh dầu trở nên phổ biến. Việc chiết xuất tinh dầu cũng dễ dàng hơn khi kỹ thuật chưng cất hơi nước ra đời.
Bước ngoặt lớn nhất giúp liệu pháp mùi hương chính thức ra đời là vào đầu thế kỷ 20. Người đầu tiên áp dụng liệu pháp này là nhà hóa học người Pháp mang tên René-Maurice Gattefossé. Năm 1910, ông bị bỏng nặng ở tay. Tự ông đã điều trị vết bỏng này bằng tinh dầu oải hương mà để lại vết sẹo rất nhỏ.
Ông tiếp tục nghiên cứu về các loại tinh dầu khác. Sau đó, ông dùng tinh dầu trong Chiến tranh thế giới thứ 1 để diệt khuẩn. Kể từ đó, liệu pháp mùi hương phát triển một cách mạnh mẽ tại các phòng khám, bệnh viện và tại nhà riêng.
Vào năm 1937, René-Maurice Gattefossé đã xuất bản quyển sách Aromathérapie: Les Huiles Essentielles, Hormones Végétales (tạm dịch: Liệu pháp mùi hương: tinh dầu, hormone thực vật). Đây là quyển sách đánh dấu bước đầu về liệu pháp mùi hương. Hiện nay, liệu pháp hương thơm trở thành “món khai vị” không thể thiếu tại các spa. Đồng thời, nó được sử dụng trong các liệu trình massage.
Tác động của liệu pháp mùi hương lên cơ thể
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ và chứng minh được toàn bộ cơ chế của liệu pháp mùi hương. Nhưng họ cho rằng nó tác động lên cơ thể theo hai cơ chế. Đó là dược lý và thần kinh.
Mỗi loại tinh dầu chứa các thành phần đặc trưng tạo nên mùi hương và có tác dụng chữa bệnh. Sau khi thâm nhập cơ thể qua đường hô hấp hoặc da, các hóa chất trong tinh dầu vượt qua hàng rào máu não. Sau đó, mỗi loại hóa chất sẽ kết hợp một cách chọn lọc với mô và tế bào. Các hoá chất này điều chỉnh các thành phần chức năng trong cơ thể. Từ đó chúng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh lý.
Ví dụ, chúng có thể giảm viêm bằng cách điều chỉnh các đường truyền tín hiệu trong tế bào miễn dịch. Hoặc chúng giảm căng thẳng bằng cách kết hợp với các thụ thể trong mô thần kinh.
Đối với cơ chế thần kinh, liệu pháp mùi hương kích hoạt các thụ thể khứu giác trong mũi. Sau đó, mùi của tinh dầu kích thích một số vùng trong não. Chẳng hạn như hệ limbic – phần kiểm soát xúc cảm và trí nhớ. Tinh dầu còn tác động đến vùng dưới đồi của não, tăng cường sản sinh serotonin. Nhờ đó mà chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn.
Các kết quả lâm sàng cũng cho thấy hiệu quả của tinh dầu khi phối hợp với các phương pháp chữa bệnh hoặc chăm sóc sức khỏe khác. Nói cách khác, tinh dầu thiên nhiên không trực tiếp chữa lành bệnh. Nhưng nó giúp cơ thể tìm đường để tự chữa bệnh và làm tăng hệ miễn dịch.
Bài: Duyên Trần
Tiếp Thị Gia Đình