Trái khế có nhiều công dụng khỏi chê!

Tại Việt Nam, trái khế rất quen thuộc. Tuy nhiên, mọi người thường ít lựa chọn loại trái cây này trong bữa ăn hàng ngày. Bài viết này sẽ thay đổi quan niệm của bạn!

Bạn đã biết hết công dụng của khế chưa? Ảnh: Shutterstock

Tại Việt Nam, trái khế rất quen thuộc. Tuy nhiên, mọi người thường ít lựa chọn loại trái cây này trong bữa ăn hàng ngày. Bài viết công dụng của khế này sẽ thay đổi quan niệm của bạn!

12 công dụng của khế cho sức khỏe con người

Loại trái cây chứa đầy vitamin C

Khế là trái cây có nguồn vitamin C dồi dào. Một trái cỡ vừa cung cấp đến 57% nhu cầu vitamin C trong một ngày của người trưởng thành. Do đó, vào những mùa lạnh hoặc cúm, bổ sung vitamin C từ khế vô cùng đơn giản. Hoặc ở thời điểm dịch Covid-19, bạn cũng nên ăn khế để củng cố hệ miễn dịch của cơ thể.

Nguồn chất xơ tốt

Nhu cầu chất xơ của người trưởng thành khoảng 25g/ngày. Khế sẽ phần nào giúp bạn dễ dàng chinh phục “chỉ tiêu” đó. 100g khế cung cấp 2,8g chất xơ. Đặc biệt, đây là loại chất xơ không hòa tan. Nó cực kỳ hữu ích cho hệ tiêu hóa, giúp ngăn chặn sự hấp thụ cholesterol LDL (cholesterol xấu tích tụ trong thành động mạch, làm cho động mạch cứng và hẹp) trong niêm mạc ruột. Từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và béo phì.

3 “ít”: ít calo, ít carb, ít đường

Khế là một lựa chọn tốt cho những người đang theo chế độ ăn lowcarb. Một trái khế cỡ vừa cung cấp ít nhất là 6g carbohydrate và khoảng 3,62g đường. Ngay cả người đang theo chế độ ăn kiêng Ketogenic, trái khế vẫn là lựa chọn lý tưởng. Mỗi trái khế cỡ vừa chỉ cung cấp 28 calo. Do đó, ngại ngần gì mà không ăn khế tươi, xay sinh tố hoặc làm salad, đúng không nào!

Chữa bệnh thiếu máu

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thiếu máu khá phổ biến ở trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Trong đó, thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu phổ biến nhất. Mặc dù trái khế cỡ vừa chỉ có 0,08mg sắt nhưng vitamin C của nó đóng vai trò chính trong việc tăng cường hấp thu sắt. Điều này dẫn đến tăng sản xuất tế bào máu và giúp tránh mệt mỏi, chóng mặt cùng các triệu chứng thiếu máu thông thường.

Ức chế vi khuẩn

Trong khế có các phytochemical (hóa chất thực vật) như flavonoid, alkaloids, saponin, steroid và carambola. Chúng đều có đặc tính chống vi khuẩn và chống nấm. Một điều thú vị là trái khế còn sống (còn xanh) có có tác dụng ức chế vi khuẩn cao hơn trái chín.

Ngoài ra, lá của cây khế cũng có khả năng chống chống lại vi khuẩn gram dương (Bacillus subtilis, Staphylococcus aureus và Streptococcus mutans) và vi khuẩn gram âm (Klebsiella pneumoniae, Proteus Vulgaris và Pseudomonas aeruginosa). Thậm chí, một nghiên cứu so sánh cho thấy chiết xuất từ ​​lá cây khế có hoạt tính chống vi khuẩn cao hơn so với chiết xuất từ ​​lá chanh và lá đu đủ.

Sinh tố khế. Ảnh: Shutterstock

Giảm viêm hiệu quả

Các flavonoid trong trái khế như quercetin, epicatechin và axit gallic có thể giúp ngăn ngừa viêm. Với đặc tính chống oxy hóa, các hợp chất này vô hiệu hóa các gốc tự do có hại gây ra các bệnh viêm nhiễm. Bên cạnh đó, lượng vitamin C “khủng” cũng góp công sức trong chống viêm và giảm sưng khớp.

Đem đến một giấc ngủ ngon

Magie là một khoáng chất thúc đẩy giấc ngủ ngon. Bạn đang lo lắng không biết mình đã cung cấp magie đủ cho một ngày chưa? Người trưởng thành sẽ cần khoảng 300-400mg/ ngày. Trong khi đó, 100g khế có đến 10mg magie. Nhâm nhi khế để có một giấc ngủ mê nhé!

Tăng sự trao đổi chất

Cơ thể con người cần trao đổi chất liên tục để duy trì hoạt động. Việc trao đổi chất bị trục trặc dễ dẫn đến nhiều bệnh lý. Với hàm lượng pyridoxine (Vitamin B6), folate và riboflavin cao, khế có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và làm cho chúng hoạt động hiệu quả hơn một chút.

Trái cây mọng nước

Nếu bắt bạn uống 8 ly nước (2 lít) mỗi ngày đôi khi… hơi ngán. Nhưng ăn các loại trái cây mọng nước sẽ giúp bạn nhanh chóng đạt chỉ tiêu nước hàng ngày. Bạn có biết 91,4% trái khế là nước. Điều này đồng nghĩa, khi bạn ăn 100g khế, bạn đã nạp vào người 91,4g nước, tương đương 91,4 ml nước.

Thân thiện với trái tim

Với một lượng canxi vừa phải (3mg trên mỗi 100g), khế có thể làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ bằng cách làm giảm căng thẳng trên các mạch máu và động mạch. Một nghiên cứu của Jenita Doli Tine Donsu đã kết luận rằng nước ép khế có thể được sử dụng như một liệu pháp bổ sung để hạ huyết áp.

Bên cạnh đó, hàm lượng kali cao (133mg trên mỗi 100g), khế có ích trong việc thư giãn mạch máu và duy trì huyết áp.

Khế ăn kèm với sandwich cũng rất ngon. Ảnh: Shutterstock

Hạ đường huyết

Nghiên cứu cho thấy công dụng của khế là hạ đường huyết. Đồng thời, nó có thể ngăn ngừa sự phát triển bệnh gan nhiễm mỡ bằng cách giảm mức cholesterol toàn phần và chất béo trung tính.

Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy rằng chiết xuất methanolic của lá cây khế có thể được phát triển như một chất làm giảm nồng đồ chất béo trong máu. Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên chuột. Kết quả phân tích cho thấy chỉ số xơ vữa, cholesterol và triglyceride giảm rõ rệt.

Duy trì làn da trẻ trung

Thêm một lý do nữa để bạn ăn khế mỗi ngày, đó là duy trì vẻ tươi trẻ. Hàng loạt chất chống oxy hóa bao gồm vitamin C, quercetin, axit gallic và các flavonoid polyphenolic khác, sẽ trung hòa các gốc tự do trước khi chúng làm hại da bạn. Chưa kể, vitamin C cũng đóng vai trò trong việc sản xuất collagen. Từ đó, nó có thể ngăn ngừa hoặc giãm thiểu sự xuất hiện của nếp nhăn. Da của bạn sẽ luôn rạng rỡ, không tỳ vết.

Lưu ý, công dụng của khế có nhiều nhưng không phải ai cũng ăn được

Mặc dù trong công dụng của khế không có tác dụng phụ nghiêm trọng. Nhưng vẫn có một vài lưu ý:

Khế chua chứa nhiều axit. Vì vậy không nên dùng cho người mắc các bệnh lý về dạ dày. Đồng thời hạn chế ăn khi bụng đói.

Những người bị suy thận hoặc bệnh thận mãn tính nên tránh ăn khế. Axit oxalic (50000 – 95800 ppm trong 100g) có thể cản trở quá trình hấp thu canxi từ những thực phẩm khác. Từ đó dễ hình thành sỏi thận. Trẻ trong giai đoạn phát triển và người có nguy cơ loãng xương cao cũng không nên ăn khế.

Khế ức chế enzyme CYP3A4. Loại enzyme này chịu trách nhiệm chuyển hóa 50% của tất cả các loại thuốc. Do đó, bạn nên tránh ăn khế khi đang dùng thuốc theo toa.

Công dụng của khế

Bạn đã ăn thử mứt khế bao giờ chưa? Ảnh: Shutterstock

Cách ăn khế như thế nào?

Bản thân khế có hương vị đặc trưng. Do đó, hãy thưởng thức nó nhưng một loại trái cây thông thường. Ngoài ra, bạn có thể cắt lát làm salad, trộn với sữa chua, hoặc ép lấy nước. Làm mứt khế cũng thú vị. Người Việt Nam còn lấy khế đem nấu canh chua.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua