
Bên cạnh việc tìm chuốc chữa Covid-19, các nhà khoa học cũng đang đau đầu để tìm giải thích cho việc nhiều bệnh nhân Covid-19 dương tính trở lại sau khi chữa khỏi (Ảnh: Shutterstock)
Tại Hàn Quốc, 163 bệnh nhân đã được chữa khỏi Covid-19 có kết quả dương tính lần nữa. Việt Nam cũng có 5 ca dương tính trở lại sau khi xuất viện. Vậy nguyên nhân do đâu? Và liệu người đã từng nhiễm SARS-CoV-2 vẫn có thể bị nhiễm lần nữa?
Tìm kiếm những phần còn lại của virus
Cho đến hiện tại, giải thích cho việc nhiều bệnh nhân dương tính trở lại được nhiều nhà khoa học đồng tình nhất chính là xác hoặc những tàn tích của virus còn lại trong cơ thể. Bởi xét nghiệm là tìm đoạn gen, đoạn di truyền của virus. Có thể xác của virus vẫn còn nằm trong tế bào bạch cầu. Nên khi xét nghiệm lại mới cho kết quả dương tính.
Kwon Joon-wook, phó giám đốc của Cơ quan Quản lý và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, giả thuyết này có khả năng xảy ra nhất và là giải thích hợp lý nhất cho đến hiện tại. Ông Chung Nam Sơn – chuyên gia hàng đầu về bệnh đường hô hấp ở Trung Quốc cũng có giả thuyết tương tự. Trong một cuộc họp báo giữa tháng 4, ông nói rằng những bệnh nhân bình phục nhưng dương tính trở lại với virus là bởi vì những mảnh còn lại của xác virus vẫn còn nằm trong cơ thể.
Những giả thuyết khác cho việc bệnh nhân dương tính trở lại
Có nhiều giải thích khác cho việc bệnh nhân dương tính trở lại. Có thể là cách xét nghiệm không đúng. Hoặc bộ xét nghiệm có vấn đề. Nếu vấn đề ở việc xét nghiệm, thì kết quả có thể là âm tính giả hoặc dương tính giả.
Hoặc tồi tệ hơn là, virus đã được kích hoạt lần nữa và tiếp tục nhân lên. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu. Bởi đây là một loại virus mới. Các nhà khoa học chưa biết nhiều về nó. Những thuốc được sử dụng để chữa Covid-19 đều là thuốc trong quá trình nghiên cứu, đánh giá hiệu quả. Chưa thuốc nào hiệu lực thực sự trong loại bỏ virus. Ngoài ra, việc loại bỏ virus còn dựa vào hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Hiện tại vẫn chưa có đủ căn cứ cho thấy việc tái nhiễm virus. Nhưng hiện có đến 8 biến chủng của virus SARS-CoV-2 so với chủng ban đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Việc biến chủng như thế này khiến virus có thể né tránh, trốn thoát khỏi hệ miễn dịch và tồn tại trong cơ thể một thời gian nhất định. Do đó, các nhà khoa học cần nghiên cứu thêm để có được câu trả lời chính xác.
Tiếp Thị Gia Đình
Theo: CNN