Nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19, Việt Nam đang thực hiện cách ly toàn xã hội trong 2 tuần. Từ ngày 1/4 – 15/4/2020. Nhưng ngoài cách ly xã hội (social distancing) ra thì còn có biện pháp tự cách ly tại nhà (self-isolation/self-quarantine). Vậy, sự khác biệt giữa hai biện pháp này là gì?
Cách ly xã hội là gì và tại sao nó lại cần thiết?
Cách ly xã hội bao gồm những việc sau:
- Ở nhà, không ra ngoài khi không thật sự cần thiết. Chỉ ra ngoài khi cần mua nhu yếu phẩm, thực phẩm hoặc thuốc men.
- Làm việc ở nhà nếu có thể.
- Tránh sử dụng phương tiện công cộng hoặc ra nước ngoài.
- Không tụ tập quá 2 người. Khi ra ngoài duy trì khoảng cách 2m.
Biện pháp cách ly xã hội chủ trương hướng tới giảm số lượng người tương tác với nhau. Bởi SARS-CoV-2 được lây truyền qua tiếp xúc với dịch từ ho hoặc hắt hơi của người bệnh. Nhưng nó vẫn tạo điều kiện để người dân thực hiện các hoạt động cần thiết thường ngày. Biện pháp này đặc biệt quan trọng đối với những cá nhân có rủi ro cao. Như người cao tuổi, người mắc bệnh nền và hệ thống miễn dịch yếu, thai phụ…
Còn tự cách ly?
Tự cách ly là biện pháp mà những người có triệu chứng nghi nhiễm hoặc đã từng tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 cần thực hiện để ngăn chặn virus lây lan. Người tự cách ly không đi làm hoặc đi học, không rời khỏi nhà, không ngủ cùng giường với người khác, không dùng chung vật dụng…
Cách ly xã hội thường diễn ra trong thời gian dài, tuỳ vào diễn biến của dịch bệnh. Nhưng tự cách ly lại có giới hạn nhất định. Khi tự cách ly, người có triệu chứng bệnh hoặc có nguy cơ lây nhiễm nên thực hiện ít nhất 14 ngày. Và nên ở trong phòng có quạt thông gió và mở cửa sổ thường xuyên để thoáng khí.
Tại Việt Nam, nếu bạn cảm thấy có triệu chứng giống Covid-19 hoặc đã từng tiếp xúc gần với người nhiễm thì có thể gọi vào đường dây nóng 19009095 hoặc 19003228 để được hỗ trợ. Ngoài ra, bạn cũng có thể truy cập trang tin chính thức về dịch Covid-19 để cập nhật thông tin.
Tiếp Thị Gia Đình
Theo: BBC