Truyện ngắn hay trên TTGĐ: “Chỉ tại Cô-rô-na” – tác giả Phương Huyền

Mời bạn đọc thưởng thức truyện ngắn hay "Chỉ tại Cô-rô-na" của tác giả Phương Huyền. Truyện ngắn được in trên tạp chí TTGĐ số tháng 2/2020

Truyện ngắn hay “Chỉ tại Cô-rô-na” của tác giả Phương Huyền có bản audio trên kênh Youtube của Tiếp Thị Gia Đình. Bạn có thể truy cập để thưởng thức nhiều truyện ngắn hay được TTGĐ chọn lọc.

***

“Em cần đi đâu đó một thời gian. Tạm thời em sẽ không sử dụng điện thoại trong hai tuần anh nhé!”

Tin nhắn đến vào lúc Phan đang trên tàu về nhà. Phan đã nôn nao suốt chuyến công tác chỉ mong kết thúc để về nhà thật nhanh. Phan đã hình dung người Phan gặp đầu tiên ngay ngõ là Yên. Sẽ phải kiềm chế thế nào để không ôm hôn Yên ngay trước sân nhà mình.

Ba mẹ không phải là quá khắt khe nhưng chắc chắn sẽ cảm thấy không thích cách thể hiện tình cảm đó. Với lại, trong thời điểm mà đến bắt tay cũng “khuyến cáo” phải cẩn thận nếu không vệ sinh sạch sẽ thì… Phan cũng hình dung vừa bước vào nhà đã thấy mẹ và Yên lui cui dưới bếp trò chuyện vui vẻ. Hai người phụ nữ Phan yêu thương và biết ơn đang chuẩn bị bữa cơm ấm áp chờ Phan về…

Bao nhiêu giả thuyết chạy trong đầu Phan suốt cả chuyến đi. Tàu cứ xình xịch, xình xịch, ì à i ạch. Chưa bao giờ Phan cảm thấy phương tiện gắn với cả thời sinh viên của Phan lại chậm chạp đến như thế. Vậy mà… tin nhắn này giống như Yên đang giận dỗi điều gì đó. Trước đây cũng vậy, mỗi lần giận nhau, Yên hay chọn im lặng hoặc đi đâu đó vài ngày. Nhưng lần này… tới hai tuần, hẳn không phải chuyện nhỏ.

Phan bấm nhanh phím tắt số 1, điện thoại hiện tên Honey. Tim Phan muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Mà không, nó muốn lao ra khỏi toa tàu SE đang lao vùn vụt về phía trước luôn ấy chứ. Điện thoại Yên ò í e. Yên đã khóa máy. Chuyện gì đã xảy ra. Sao Yên lại đột ngột rời nhà Phan thay vì chờ anh về để thưa chuyện cùng ba mẹ cho hai đứa làm đám cưới như dự định? Phan bấm máy gọi cho mẹ, rồi ba, điện thoại vẫn liên tục đổ chuông mà không ai nghe máy.

***

– Phan. Con chọn đi, một là mẹ, hai là nó.

– Mẹ… – Vừa bước chân vào nhà, ánh mắt mẹ đã chỉa thẳng vào Phan. Phan kêu lên thảng thốt. – Sao mẹ lại nói vậy? Mẹ là mẹ của con. Còn Yên là người con thương.

– Thì con chọn đi. Nếu con muốn lấy nó thì đừng nhìn mặt mẹ.

– Mẹ à. Chuyện đâu còn có đó mà. Mẹ từ từ nói cho con nghe đã xảy ra chuyện gì? Yên nói sẽ chờ con về mà tự dưng đi đột ngột. Bây giờ con không cách nào liên lạc được với Yên. Đã xảy ra chuyện gì hả mẹ?

Ba Phan chậm rãi rót nước trà ra tách và nói:

– Con vừa về ngồi nghỉ đi đã. Uống đi cho tỉnh. Hai mẹ con có gì từ từ nói với nhau.

– Ba nói cho con biết đi ba? Có chuyện gì vậy ba? Tại sao Yên lại bỏ đi.

– Ờ thì…

– Vì nó coi thường nhà mình chứ vì cái gì? Nó coi thường nhà mình, coi thường ba mẹ.

– Mẹ. Con biết Yên không phải là người như vậy. Dù Yên là con gái thành phố nhưng là cô gái biết nghĩ, biết sống cho người khác. Yên đi nhiều nơi, làm công tác xã hội ở khắp các tỉnh vùng sâu vùng xa. Yên không phải là người như vậy đâu mẹ.

– Yên Yên Yên… Con hãy để cho mẹ yên! Mấy ngày qua mẹ đã quá mệt với cái kiểu ta đây của nó rồi. Nào là bác phải dùng khẩu trang khi đi ra ngoài chỗ đông người. Nào là bác phải rửa tay bằng xà bông đúng cách. Nào là bác ơi đừng đưa tay lên miệng lên mặt… Cái gì vậy? Mẹ là đứa con nít sao? Sao phải dạy mẹ mấy chuyện đó? Hay nó chê mẹ dơ? Chê gia đình mình không phải dân thành thị nên không biết vệ sinh để bảo vệ thân thể? Mẹ sống cả đời tới từng tuổi này rồi làm gì có con vi rút vi riếc nào xâm nhập được. Nó nứt mắt đã bày đặt giở giọng dân thành phố để răn dạy mẹ sao?

Ba nhìn Phan lắc đầu nhẹ nhẹ. Phan nén tiếng thở nhưng trong lòng như vừa trút được cục đá tảng. Thì ra là chuyện này. Yên làm mẹ giận chỉ vì cả hai người chưa hiểu nhau mà thôi.

***

Quê Phan tận Phú Yên, ở một xã vùng núi khá xa thành thị. Phan học ở Sài Gòn, ra trường đi làm rồi gặp Yên. Ba năm, khoảng thời gian đủ để cô gái dân Sài Gòn chính gốc gật đầu theo Phan về quê ra mắt ba mẹ.

Do bận công tác, Tết vừa rồi Phan không về được. Hai người đã hẹn nhau khi Phan xong việc sẽ đi từ Cam Ranh. Còn Yên bay thẳng tuyến Sài Gòn – Tuy Hòa rồi về nhà Phan. Nhưng rồi Phan phải ở lại thêm hai ngày vì có chút trục trặc. Yên ra trước vì đã mua vé rồi. Và trong lúc Phan về không kịp, con virut Cô–rô–na đã tấn công tình yêu của hai đứa.

Quả thật nó là một loại vi rút vô cùng khủng khiếp. Nó không chỉ làm cho cả thế giới hoảng loạn và hoang mang, tổ chức y tế thế giới WHO tuyên bố tình trạng y tế khẩn trên toàn cầu, mà nó còn làm lung lay cả tình yêu của Phan và Yên.

Phan ôm mẹ. Cậu con trai từ trước đến giờ luôn được mẹ yêu thương, chiều chuộng rất biết cách làm mềm lòng mẹ.

– Mẹ bình tĩnh nha. Bình tĩnh con sẽ nói cho mẹ nghe. Mẹ nhớ không? Hồi nãy lúc về con đâu có ôm mẹ liền mà chạy ra giếng rửa tay. Con còn rửa với xà bông lâu hơn những lần trước nữa. Vì con vừa từ Cam Ranh ra. Nơi đó từng có người bị mắc cúm Cô–rô–na. Nói ra sẽ rất dài dòng, nhưng đó là một loại vi rút rất nguy hiểm đó mẹ. Nó có thể làm chết người. Hàng ngàn người đã nhiễm bệnh và hàng trăm người đã chết vì nó. Nó chưa có vắc-xin để ngừa, nhưng người ta có thể phòng bệnh bằng những cách mà Yên đã chỉ mẹ. Không phải là Yên coi thường mẹ đâu. Chỉ là Yên lo cho mẹ thôi. Không loại trừ ai, chúng ta đều phải hết sức cẩn thận.

– Ủa… Có vậy thiệt ha con? Sao…Sao ghê vậy?

– Tại vì ba mẹ ít ra ngoài, lại không coi tivi nên không biết. Con đã nói để con mua cho ba mẹ cái ti vi coi đỡ buồn và biết tin tức với người ta mà cứ không chịu.

– Ba không coi nhưng ba có nghe. Mà ba nói mẹ con cũng đâu chịu nghe.

– Vậy bây giờ con Yên nó ở đâu rồi con? Nó mới đi sáng nay. Mới có mấy tiếng thôi con. Con gọi nó thử coi. Mẹ, mẹ trách nhầm nó rồi.

– Nghe mẹ hỏi, Phan như tỉnh ra. Yên đang ở đâu? Phan bấm máy liên tục vẫn không cách nào liên lạc được.

Tin nhắn của Yên lại vang vang trong đầu Phan: “Tạm thời em sẽ không sử dụng điện thoại trong hai tuần anh nhé!”. Trời ơi, hai tuần là 14 ngày. Cứ như Yên đang cách ly Phan chỉ vì con Cô–rô–na vậy. Đúng là tại mày mà, Cô–rô–na!

Tác giả: Phương Huyền
Tiếp Thị Gia Đình

Xem thêm: Truyện ngắn hay chọn lọc trên tạp chí Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua