Bệnh gút (tên tiếng anh: bệnh Gout) là một rối loạn chuyển hóa mãn tính. Nó gây viêm đột ngột, sưng đỏ và đau ở các khớp. Bệnh xảy ra khi axit uric tích tụ trong máu tăng cao và tập trung ở các khớp, đặc biệt là khớp ở ngón chân cái. Bệnh cũng có thể ảnh hưởng tới các khớp khác ở chân như đầu gối, mắt cá chân, bàn chân; và ít gặp hơn ở khớp tay như bàn tay, cổ tay, khuỷu tay. Cột sống cũng có thể bị ảnh hưởng. Nhưng thường rất hiếm gặp.
Bệnh Gout có thể gặp ở bất cứ ai và hay gặp nhất ở những người thường xuyên tiệc tùng, hấp thụ nhiều đạm và ít vận động.
Thuốc chữa và đề phòng bệnh Gout
Ban đầu, bác sĩ sẽ kê cho bạn thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) liều cao; để làm dừng những cơn đau nhức bộc phát. Cụ thể như ibuprofen, naproxen sodium, indomethacin, celecoxib hay meloxicam… Sau đó, bạn sẽ dùng thuốc hàng ngày với liều lượng thấp hơn như colchicine để phòng ngừa các đợt tái phát.
Lưu ý, các thuốc nhóm NSAIDs có nguy cơ gây đau dạ dày, chảy máu và loét trực tràng. Thuốc colchicine có tác dụng phụ là gây buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Chính vì thế, bệnh nhân cần báo với bác sĩ về tình trạng tiền sử dạ dày.
Nếu bị vài cơn gút mỗi năm hoặc bị thưa hơn; bác sĩ có thể cho dùng thuốc làm giảm nguy cơ biến chứng liên quan với gút. Đầu tiên là thuốc ngăn sản xuất axit uric, hạ axit uric trong máu và giảm nguy cơ gút. Đó là Allopurinol (Aloprim, Lopurin, Zyloprim) và Febuxostat (Uloric).
Kế đến là thuốc làm tăng loại bỏ axit uric. Điển hình là Probenecid (Probalan) giúp cải thiện khả năng của thận, loại bỏ axit uric khỏi cơ thể.
Tác dụng phụ của allopurinol là gây phát ban và giảm tế bào máu. Tác dụng phụ của febuxostat là giảm chức năng gan. Riêng probenecid có thể gây đau dạ dày và sỏi thận.
Nhiều người nghĩ rằng khi điều trị thuốc và hết đau là đã khỏi bệnh gút. Thực ra, thuốc chỉ tạm thời giải quyết tình trạng viêm của khớp hay gân. Bệnh Gout là bệnh mạn tính, kéo dài nhiều năm. Bệnh nhân vẫn cần tiếp tục điều trị thêm trong 3 tháng để ngăn ngừa tái phát với người chưa có tophi. Và trong 6 tháng nếu đã có tophi.
Thay đổi hành vi sinh hoạt để sống khỏe mạnh hơn
Mặc dù bệnh Gout có thể gây khó chịu, nhưng bệnh vẫn có thể chữa trị được và bạn có thể phòng tránh dễ dàng.
Ăn uống không hợp lý là một yếu tố thúc đẩy xuất hiện bệnh và làm tái phát bệnh. Hãy dùng vừa phải các thực phẩm chứa nhiều purin như nội tạng động vật; các loại thịt lên men, hải sản, một số ngũ cốc và các loại hạt, rượu, bia và nước ngọt.
Uống đủ nước mỗi ngày, nhất là nước có tính kiềm như nước khoáng.
Đảm bảo cân đối giữa các thành phần sinh năng lượng đạm – béo – đường theo tỷ lệ: 12-15% – 18-20% – 65-70%. Ngoài ra, cần có sự lựa chọn và phối hợp nhiều loại thực phẩm đều đặn trong thực đơn hàng ngày.
Tập thể dục có thể giúp ngăn chặn những cơn phát tác của bệnh Gout. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng tập luyện cũng có thể dẫn đến nguy cơ viêm cơ.
Người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ và thảo luận để có phương pháp luyện tập tốt nhất, phù hợp với bản thân.
Các giai đoạn của bệnh Gout
Gút là một bệnh lý toàn thân chứ không chỉ tập trung cục bộ ở khớp như từng được quan niệm trước đây. Bệnh trải qua 4 giai đoạn, có thể kéo dài trên dưới 10 năm.
Nồng độ axít uric trong máu tăng cao: Ở giai đoạn này, bệnh phát triển âm thầm; không có dấu hiệu cụ thể và chỉ phát hiện khi tiến hành xét nghiệm máu
Giai đoạn cấp tính: Acit uric bắt đầu hình thành các tinh thể muối urat và tích tụ tại các khớp. Nó gây đau nhức, khó chịu trong 1-2 tuần. Bệnh sẽ ủ từ 3-5 năm sau mới tái lại.
Tổn thương khớp: Tổn thương lan sang nhiều khớp khác. Cơn đau xuất hiện không thường xuyên và không theo chu kỳ. Người bệnh dễ chủ quan là bệnh đã hết.
Mạn tính: Tinh thể muối urat tạo thành hạt tophi, gây khó khăn khi đi lại, cầm nắm. Khi các hạt này bị vỡ, người bệnh có thể bị nhiễm khuẩn khớp và nhiễm trùng huyết.
Bài: Mi Mi
Tiếp Thị Gia Đình