Nguyễn Bích Thủy: Giữ tâm sáng để theo nghề bền lâu

Một buổi chiều cuối năm, giữa lúc bộn bề các lớp học làm bánh Tết, xen kẽ những đặt hàng của khách, Nguyễn Bích Thủy đã chia sẻ với TTGĐ hành trình vì yêu mà ở lại cùng nghề bánh của mình

Trong làng “cakebiz”, Nguyễn Bích Thủy (Mẹ Nghé) là một cái tên khá “hot” bởi những mẫu bánh chị làm ra luôn mang dấu ấn sắp đặt nghệ thuật và là cuộc chơi của những màu sắc. Ít ai biết, cô giảng viên dạy làm bánh đầy nhiệt huyết, bà chủ bếp có dáng người nhỏ bé này chỉ là dân tay ngang, đến với bánh trong lúc “nhàn cư”. Và vì yêu mà chị ở lại sân chơi đầy đam mê nhưng rất vất vả này.

Nguyễn Bích Thủy

Không hối tiếc khi nghỉ việc

Xin chào Nguyễn Bích Thủy, trong làng bánh, chị có khá nhiều tên gọi?

Đúng vậy. Thủy đến với nghề bánh mới vài năm nay thôi. Giai đoạn 6 tháng nghỉ sinh ở nhà chăm con, có khá nhiều thời gian rảnh rỗi, mình thường vào các diễn đàn làm cha mẹ để tìm hiểu về cách nuôi dạy con. Lúc đó mình đã bị thu hút bởi những công thức làm bánh siêu ngon mà các mẹ bỉm sữa dạy nhau. Lọ mọ làm thử bánh bông lan từ chiếc nồi cơm điện, rồi bắt đầu bị thế giới bơ, bột, đường mê hoặc, mình tiếp tục học hỏi, làm thêm nhiều loại bánh khác nhau cho gia đình và bạn bè thưởng thức.

Hết thời kỳ nghỉ thai sản, vì muốn dành nhiều thời gian hơn cho con nên Thủy quyết định nghỉ việc ở nhà để làm bánh và bán trên Facebook với nick Mẹ Nghé. Từ đó, mọi người quen gọi mình là Mẹ Nghé. Sau này, khi mở các lớp học, mình được biết thêm với tên gọi Nguyễn Thủy.

Đang yên ổn với công việc của một kiến trúc sư hái ra tiền, chuyển sang làm bánh, nhặt từng đồng bạc lẻ, có khi nào Nguyễn Bích Thủy thấy hối tiếc về quyết định của mình không?

Không chỉ nhặt từng đồng bạc lẻ đâu, làm bánh còn vất vả hơn công việc thiết kế nội thất rất nhiều lần. (Cười).

Công việc trước đây của Thủy là làm thiết kế nội thất, thu nhập trung bình cũng tới hàng ngàn USD/tháng. Hàng tháng Thủy chỉ cần có 2-3 bản vẽ là sống tốt. Nhưng Thủy chợt nhận ra là mình không còn hứng thú với công việc đó như trước.

Bước chân vào thế giới bánh, Thủy phải đánh đổi rất nhiều thời gian, công sức, nhưng chưa khi nào mình hối tiếc về quyết định nghỉ việc gần 5 năm về trước để ở nhà chăm con và làm bánh. Chính ngành kiến trúc đã hỗ trợ về tư duy định hình tác phẩm, nguyên lý hòa sắc, cũng như bố cục để Thủy áp dụng triệt để vào công việc làm bánh của mình.

Vì thế, những kiến thức học được ở ngành kiến trúc đã giúp ích rất nhiều trong việc làm bánh, để những chiếc bánh của mình có sự độc đáo riêng mà ít nơi có.

Phải chăng đó cũng là dấu ấn khác biệt của bánh Mẹ Nghé so với các thương hiệu khác?

Với Thủy, chiếc bánh ngon không chỉ có màu sắc, bố cục đẹp mà còn hoàn toàn an tâm về chất lượng sản phẩm. Mình rất khó tính trong việc lựa chọn nguyên liệu. Đó phải là những nguyên liệu tốt cho sức khỏe và không gây béo cho người sử dụng.

Đây là nguyên nhân vì sao cùng loại bánh mà có nơi bán rất rẻ, có nơi giá thành lại tương đối mắc. Lý do chính là nguyên liệu được lựa chọn để làm ra những sản phẩm đó. Những chiếc bánh mà xưởng mẹ Nghé sản xuất luôn đặt tiêu chí chất lượng, sạch, tốt cho sức khỏe lên hàng đầu.
Hầu hết các loại bánh đều có công thức làm chung. Tuy nhiên, ở mỗi loại bánh khác nhau, Thủy lại thêm bớt, tạo ra những công thức mới mà mình cho rằng phù hợp với bản thân và khách hàng.

Khi làm bánh, Thủy luôn đặt mình vào vị trí của khách hàng để làm nên những sản phẩm phù hợp với từng người đặt. Tuy không phải là người sáng tạo ra công thức, nhưng Thủy kế thừa có phát huy sáng tạo. Bằng những nguyên liệu, màu sắc khác hẳn “bản gốc”, Thủy biến công thức kinh điển thành công thức của riêng mình, khác biệt với loại bánh trên thị trường.

Cảm thấy vui khi học viên mở được tiệm riêng

Mở lớp dạy làm bánh, không ít học trò của chị đã mở được tiệm riêng. Chị có sợ mất nghề?

Năm 2015, Thủy quyết định nghỉ việc ở công ty và về nhà mở xưởng làm bánh. Là dân tay ngang, lại chập chững kinh doanh, mình gặp rất nhiều khó khăn khi vừa tiếp tục tham gia các khóa học nâng cao, vừa làm các công việc sản xuất, giao hàng, thống kê chi tiêu. Đó là chưa kể đến những thất bại khi thử nghiệm các loại bánh mới. Thủy không nhớ là mình đã phải đổ đi bao nhiêu cốt bánh để tạo ra một sản phẩm ưng ý và mất bao nhiêu công sức để tìm ra công thức riêng.

Sau khi tay nghề vững vàng, Thủy bắt đầu mở các khóa học trực tiếp dạy làm bánh và cả những khóa học online. Mục đích là để chia sẻ kinh nghiệm với những người đi sau. Học viên có đủ đối tượng, từ doanh nhân, chính khách, sinh viên cho đến bà nội trợ… Không chỉ có ở Hà Nội mà còn ở nhiều tỉnh thành khác. Nhiều người đã mở cửa tiệm, xưởng bánh và thành công với nghề này. Thủy vui vì điều đó và càng không muốn giấu nghề, lại muốn mở thêm nhiều lớp học hơn.

Được biết, dịp Tết này, chị đang khá bận rộn với những dự án riêng của mình?

Với những người thợ làm bánh và dạy làm bánh, Tết là một trong những dịp quan trọng nhất trong năm. Dịp Tết này, ngoài những món bánh do xưởng sản xuất, Thủy cũng mở những lớp dạy làm bánh tạo hình nghệ thuật từ sô cô la như bánh hũ vàng, bánh tạo hình cây mai, cây đào, bánh chúc thọ… để các chị em có thể tự làm cho gia đình thưởng thức hoặc kinh doanh.

Có thể đối với nhiều cơ sở khác, việc lợi nhuận được đặt lên hàng đầu, nhưng Thủy luôn tâm niệm: “Phải giữ tâm sáng thì mới bền vững với nghề”.

Cảm ơn Nguyễn Bích Thủy đã chia sẻ.

Nguyễn Bích Thủy là người sáng lập xưởng bánh Mẹ Nghé Homemade. Địa chỉ: 38 Đại Từ, Hà Nội. Ngoài sản xuất, Nguyễn Bích Thủy là một giảng viên dạy làm bánh uy tín tại Hà Nội.

Bài: Mai Anh
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua