Cảm lạnh và bệnh cúm là hai bệnh khác nhau. Thế nhưng đa số người dân, thậm chí một số nhân viên y tế lại nhầm lẫn và đánh đồng là một. Nguyên do là biểu hiện bệnh và các triệu chứng ban đầu khá giống nhau. Hai bệnh khác nhau về nguyên nhân và mức độ nặng nhẹ.
Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm
Cảm lạnh là một dạng nhiễm trùng hô hấp do virus gây ra. Hiện có hơn 100 loại virus khác nhau có thể gây ra chứng cảm lạnh thông thường. Bạn có thể bị cảm lạnh vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Thế nhưng, bệnh thường gặp hơn khi thời tiết trở lạnh. Nguyên do bởi hầu hết virus phát triển thuận lợi ở độ ẩm thấp.
Chỉ cần một người đang bị bệnh hắt hơi hoặc ho, virus có thể phát tán qua không khí và lây lan cho người khác. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị lây bệnh nếu vô tình chạm vào bề mặt hoặc vật dụng mà người bệnh đã tiếp xúc.
Cảm cúm cũng là bệnh về đường hô hấp. Không giống như cảm lạnh, cảm cúm thường là bệnh theo mùa, kéo dài từ mùa thu đến mùa xuân. Đỉnh điểm của cảm cúm là những tháng mùa đông. Bệnh do virus cúm A, B và C gây ra. Trong đó, cúm A và B là phổ biến nhất. Các chủng virus cúm đang hoạt động thay đổi theo từng năm. Đó là lý do vì sao bạn nên tiêm ngừa vắc-xin cúm mỗi năm.
Trong mùa cảm cúm, bạn dễ nhiễm bệnh khi tiếp xúc giao tiếp thông thường với người mắc bệnh. Và sau khi có các triệu chứng bệnh từ 5 đến 7 ngày, bạn cũng sẽ trở thành nguồn lây bệnh.
Biểu hiện của cảm lạnh và cảm cúm
Triệu chứng của cảm lạnh và cúm mùa khá giống nhau. Trong đó, các triệu chứng cảm lạnh lần lượt xuất hiện từ 1–3 ngày sau khi cơ thể nhiễm virus cảm lạnh. Đó là chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; viêm họng; ho; đau nhức cơ thể nhẹ hoặc đau đầu nhẹ; hắt xì liên tục; sốt nhẹ và cảm thấy khó chịu trong người.
Triệu chứng cảm cúm thường xuất hiện đột ngột và bắt đầu 24–48 giờ sau khi tiếp xúc với virus cúm. Các triệu chứng nặng hơn nhanh chóng xuất hiện như sốt cao (40 độ C); ớn lạnh; cảm thấy yếu hoặc mệt mỏi; mắt nhạy cảm với ánh sáng; dạ dày khó chịu (xảy ra ở trẻ em nhiều hơn người lớn).
Điều trị như thế nào cho đúng cách?
Cả hai đều là bệnh do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Chúng ta chỉ điều trị triệu chứng, nâng cao thể lực và sức đề kháng và chờ bệnh tự khỏi. Riêng với cảm cúm, bệnh nhân sẽ cần điều trị biến chứng nếu không may tình trạng bệnh chuyển biến xấu. Một trong những cách điều trị bệnh cảm lạnh và cảm cúm tốt nhất là bạn nên uống nhiều nước, bổ sung vitamin và kết hợp nghỉ ngơi.
Các loại thuốc histamine, acetaminophen, thuốc giảm đau và thuốc chống viêm có thể làm giảm nghẹt mũi; đau nhức và các triệu chứng cảm lạnh khác. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng biện pháp tự nhiên như bổ sung các thực phẩm giàu kẽm; vitamin C, hoặc thảo dược echinacea (cây cúc dại) sẽ giúp phòng ngừa hoặc làm giảm các triệu chứng cảm lạnh.
Để điều trị cúm, các bác sĩ sẽ kê toa cho bạn những loại chống virus như oseltamivir (Tamiflu), zanamivir (Relenza), hoặc peramivir (Rapivab). Thuốc giảm đau không theo đơn hoặc thuốc giảm đau ibuprofen và acetaminophen có thể kiểm soát các triệu chứng. Nó đồng thời giúp bạn cảm thấy khỏe hơn. Tuy nhiên, bạn nên tránh sử dụng aspirin cho trẻ em.
Trong trường hợp bệnh không cải thiện hoặc trở nên trầm trọng, bạn cần đặc biệt lưu ý những dấu hiệu sau. Đó là khó thở, tức ngực, sốt cao dai dẳng, ho có đờm, cực kỳ mệt mỏi… Rất có thể bạn đã bị viêm phổi. Bạn cần nhập viên ngay.
Phòng bệnh không khó!
Để phòng bệnh chung cho cảm lạnh thông thường và cúm theo mùa, trước tiên cần nâng cao sức để kháng bằng dinh dưỡng và tập luyện thể thao. Bạn hãy đảm bảo ngủ đủ giấc, ăn nhiều rau quả, tập thể dục thường xuyên và giữ ấm cơ thể khi ra ngoài.
Riêng với cúm, bạn có thể ngăn ngừa bằng cách tiêm phòng. Hầu hết bác sĩ khuyên nên tiêm chủng mỗi năm vào tháng 10 hoặc khi bắt đầu mùa cúm.
Vì hai chứng cảm này lan truyền khá dễ nên bạn cần tránh xa người bị bệnh. Không nên dùng chung dụng cụ hoặc bất kỳ vật dụng cá nhân nào khác. Với người đang bị cảm, bạn không tiếp xúc hay đứng quá gần khi nói chuyện.
Sau cùng, hãy giữ vệ sinh thân thể cẩn thận bằng cách rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước ấm; hoặc sử dụng chất rửa tay có chứa cồn. Bạn hạn chế đưa tay chạm vào mũi, mắt và miệng.
Bài: A.V
Tiếp Thị Gia Đình