Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp. Hiện nay bệnh cúm lưu hành ở Việt Nam chủ yếu là 2 chủng vi rút cúm A và cúm B. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Nhưng đối với trẻ em dưới 5 tuổi, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi nặng, suy hô hấp,…
Triệu chứng bệnh cúm ở trẻ
- Sốt trên 38 độ C, có thể kèm theo ớn lạnh và đổ mồ hôi.
- Ho khan, đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, mắt đổ ghèn
- Nhức đầu, đau nhức cơ bắp, đặc biệt là ở lưng, tay và chân.
- Cảm giác mệt mỏi và yếu.
Cách chăm sóc trẻ bị cúm
- Khi trẻ bị cúm, bố mẹ cần hạ sốt, nới rộng quần áo cho trẻ. Dùng khăn nhúng vào nước ấm 30 độ chườm ở vùng trán, nách, bẹn. Phối hợp dùng thuốc hạ sốt, thuốc giảm ho (nếu có) và/hoặc thuốc kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Vệ sinh mắt, mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý Natriclorid 9‰. Lưu ý chỉ dùng khăn giấy mềm, lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dung. Không nên dùng khăn xô vì virus bám trên khăn vẫn còn dù bạn đã giặt sạch.
- Thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà bông diệt khuẩn. Tránh để trẻ đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
- Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, lỏng, dễ tiêu như: cháo, bột, sữa, trái cây và uống nhiều nước. Tăng cường cho bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ.
- Theo dõi thân nhiệt, nhịp thở, tình trạng tăng tiết, sự tím da, môi và đầu ngón tay.
- Vệ sinh khay ăn, thau chậu, bô, và các vật dụng của trẻ bằng xà phòng.
- Giữ ấm cho trẻ, nhất là khi trời lạnh.
- Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ: Thay quần áo và tắm nhanh bằng nước ấm trong phòng tắm khi trẻ không sốt.
- Áp dụng các biện pháp cách ly để phòng tránh lây nhiễm cho người khác. Hạn chế ra khỏi phòng bệnh, khi ra khỏi phòng cần đeo khẩu trang cho trẻ.
- Hạn chế người vào thăm hỏi, tiếp xúc với trẻ nếu không thực sự cần thiết. Người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang ngoại khoa.
Cách phòng ngừa cúm cho trẻ
- Tiêm vắc-xin ngừa cúm hàng năm
Cách hiệu quả nhất để ngừa cúm cho trẻ là tiêm vắc-xin ngừa cúm. Vắc-xin ngừa cúm có thể giảm thiểu 70-80% nguy cơ mắc bệnh cúm. Hơn nữa nếu trẻ bị nhiễm cúm, mũi tiêm vẫn có tác dụng làm giảm độ nặng của bệnh và phòng ngừa các biến chứng.
-
Phòng ngừa trong sinh hoạt hàng ngày
Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Trẻ có bệnh cúm mà không có chỉ định nhập viện cần được cách ly tại nhà ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt. Rửa và sát trùng các bề mặt vật dụng có khả năng bị lây nhiễm virus bằng cồn 70 độ.
Tiếp Thị Gia Đình