Vụ việc em bé học sinh trường Gateway – Hà Nội, bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh không chỉ lộ ra vấn đề trách nhiệm của thầy cô; nhà trường, người đưa đón mà còn làm nhiều phụ huynh ngã ngửa; trước giờ đã bị cái danh quốc tế gắn vào tên trường lừa mà không biết! Theo ông Phạm Ngọc Anh – trưởng Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy, Hà Nội; dựa vào hồ sơ xin thành lập trường, trường Gateway không phải trường quốc tế tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tên trên biển trường, trên trang web đều được gắn vào chữ “quốc tế”. Không chỉ Gateway, rất nhiều trường quốc tế tại Việt Nam đã “vô tình một cách cố ý” trong việc đặt tên. Họ dùng hai chữ “quốc tế” để quảng cáo; dẫn đến hiểu nhầm của phụ huynh, để “lập lờ đánh lận con đen”. Trong đầu nhiều phụ huynh chữ “quốc tế” trong các trường quốc tế tại Việt Nam được hiểu là tính từ. Nó đồng nghĩa với đẳng cấp giáo dục vượt trội. Nó đồng nghĩa với chương trình giảng dạy quốc tế, bằng cấp quốc tế… Sự thực của hai chữ “quốc tế” ra sao?
TIÊU CHÍ CỦA TRƯỜNG QUỐC TẾ
Theo Hiệp hội Quốc tế về Công tác Thủ thư trường học; trường quy tụ 8 tiêu chí sau mới được gọi là một trường quốc tế:
Thứ nhất, học sinh theo học trường này có thể chuyển tiếp chương trình học của mình giữa các trường quốc tế.
Thứ hai, số lượng học sinh nước ngoài phải cao hơn ở trong các trường công. Thứ ba, tập thể học sinh trường quốc tế phải là tập thể học sinh đa quốc gia và đa ngôn ngữ.
Thứ tư, số lượng giáo viên tạm thời đến từ nhiều quốc gia.
Thứ năm, trường phải có một chương trình giảng dạy quốc tế.
Thứ sáu, trường phải được các tổ chức quốc tế công nhận ví như Hội đồng các trường quốc tế (Council of International Schools); Tú tài Quốc tế, Accediting Commission International; Hiệp hội các trường học, đại học và cao đẳng khu vực phía Tây Hoa Kỳ.
Thứ bảy, thông thường; trường quốc tế sẽ giảng dạy bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp; cộng với việc bắt buộc phải đảm nhận ít nhất một ngôn ngữ khác.
Cuối cùng, việc tuyển sinh của trường phải là tuyển sinh không chọn lọc.
TRƯỜNG QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM – LÀM SAO CHỌN ĐƯỢC TRƯỜNG CHẤT LƯỢNG?
Điều quan trọng, trước khi muốn cho con vào học trường quốc tế tại Việt Nam; bạn đừng chỉ tin vào chữ “quốc tế”, tin vào cái tên thật “Tây” hay chỉ nhìn vào các yếu tố nước ngoài. Thay vào đó, bạn cần quan tâm tìm hiểu theo 8 tiêu chí kể trên. Nếu không thể tìm hiểu hết, những yếu tố bạn cần quan tâm nhất là:
– Chương trình đào tạo được công nhận quốc tế hay không. Ví dụ như chương trình AP, IB và Alevel (được công nhận ở các nước như Mỹ, Australia, Canada…). Nếu bạn không rành, hãy nhờ những người có chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục; du học sinh để được tư vấn, đừng chỉ tin vào quảng cáo của trường.
– Giáo viên của trường có đạt tiêu chuẩn phù hợp với chương trình đào tạo.
– Cơ sở vật chất có đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
– Hiệu trưởng phải được công nhận với các bằng cấp bởi các tổ chức quốc tế uy tín trên thế giới.
– Chủ đầu tư phải có uy tín về đầu tư giáo dục và có định hướng rõ ràng dài lâu trong việc phát triển giáo dục.
– Trường có được giám định bởi những tổ chức giám định uy tín trên thế giới hay không…
CÓ BAO NHIÊU TRƯỜNG THỰC SỰ LÀ QUỐC TẾ?
Hiện tại số trường quốc tế tại Việt Nam thực sự khá hạn chế. Theo Cổng thông tin điện tử của Sở GD-ĐT TP.HCM; trong số 22 trường có yếu tố nước ngoài thì có 13 trường hoạt động theo hình thức; trường có vốn đầu tư nước ngoài và dạy chương trình nước ngoài. Đây được gọi là trường quốc tế và được phân bố ở các quận, huyện sau:
– Quận 2 có: Trường Song ngữ Quốc tế Horizon; Trường Quốc tế TAS, Trường Quốc tế Úc, Trường Quốc tế Đức Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Quốc tế Châu Âu, Trường Quốc tế dạy bằng tiếng Anh; Trường Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh.
– Quận 7 có: Trường Hàn quốc (HCMC), Trường Đài Bắc (HCMC), Trường Quốc tế Nam Sài Gòn, Trường Nhật Bản (Elementary & High School).
– Quận 9 có: Trường Quốc tế Pháp Marguerite Duras.
– Huyện Bình Chánh có: trường Quốc tế Singapore.
– Còn tại Hà Nội, trong hàng loạt trường có gắn mác quốc tế, lãnh đạo Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội khẳng định; thành phố có 11 trường có thể coi là trường quốc tế. Những trường này gồm: Trường quốc tế đa cấp Anh Việt Hoàng Gia; Trường quốc tế đa cấp Anh – Hà Nội; Trường phổ thông đa cấp Concordia Hanoi; Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Song ngữ quốc tế Horizon tại thành phố Hà Nội; Trường trung học cơ sở, trung học phổ thông quốc tế Singapore; Trường tiểu học quốc tế Singapore tại Gamuda Gardens; Trường tiểu học quốc tế Singapore tại Ciputra; Trường tiểu học quốc tế Singapore tại Vạn Phúc; Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông quốc tế St.Paul; Trường mầm non và phổ thông quốc tế ParkCity Hà Nội; Trường Hàn Quốc tại Hà Nội.
Những trường này có 100% vốn đầu tư nước ngoài; đã đăng ký hoạt động với Sở GD-ĐT theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác; đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Chương trình dạy là chương trình quốc tế. Đối tượng cho học sinh người nước ngoài sống tại Việt Nam và cả học sinh người Việt Nam; với tỷ lệ không quá 49% tổng số học sinh.
Bài: Xoa Nguyễn
Tiếp Thị Gia Đình