Đây là ca bệnh nguy hiểm với vị trí phình tại động mạch chủ ở não. Bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp can thiệp nội mạch kết hợp đặt vòng xoắn kim loại (Coiling) và thả dù (Vascular Plug) tại phòng Cathlab Bệnh viện FV.
Đau đầu thường xuyên, dấu hiệu của phình mạch máu não
Suốt 2 năm qua, ông Lei Ting thường xuyên bị đau phía nửa sau đầu. Ông đi khám ở nhiều bệnh viện tại Tp.HCM và được kê toa thuốc giảm đau liều cao kết hợp với nghỉ ngơi. Chứng đau đầu có giảm nhưng vẫn không dứt hẳn. Đến giữa năm 2019, qua lời giới thiệu của bạn bè, ông Lei Ting tìm đến Bệnh viện FV với hy vọng tìm được cách chữa trị dứt điểm chứng đau đầu kinh niên.
Ông được đưa đến khám với bác sĩ Mahendran Nadarajah; chuyên gia can thiệp thần kinh tại FV. Sau khi thực hiện thăm khám và làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh; bác sĩ Mahendran phát hiện bên trong não ông có hiện tượng phình mạch máu. Đây là lý do vì sao ông bị đau đầu dữ dội suốt những năm qua. Nếu không được theo dõi và can thiệp kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của ông.
Trưa ngày 11–6, ông Lei Ting bị một cơn đau đầu dữ dội và ngay lập tức nhập viện tại FV theo lời dặn của bác sĩ. Thời điểm nhập viện, huyết áp của ông lên đến 227/123. Bác sĩ Mahendran, với sự hỗ trợ của bác sĩ Tim Mạch tại FV nhanh chóng giúp ông ổn định sức khỏe. Khi đó, động mạch não của ông Lei đã phình to.
Bác sĩ Mahendran Nadarajah lập tức mời các đồng nghiệp tại Bệnh viện FV cùng hội chẩn để tìm phương pháp tốt nhất điều trị cho bệnh nhân. Sau khi cân nhắc lựa chọn, bác sĩ Mahendran Nadarajah cùng với bác sĩ Henri Maries – Giám đốc Chuyên môn; bác sĩ Nguyễn Thị Lam Giang – Trưởng khoa Gây mê Hồi sức Cấp cứu, kiêm chủ tịch Hội đồng Y khoa Bệnh viện FV; và Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – khoa Ngoại Thần kinh và ê-kip phòng Can thiệp Tim mạch, phòng mổ đã quyết định thực hiện can thiệp nội mạch để điều trị chứng phình động mạch não cho bệnh nhân.
Điều trị hiệu quả phình mạch máu não bằng can thiệp nội mạch
Thời điểm ông Lei Ting được đưa vào phòng Can thiệp Nội mạch, túi phình mạch não đo được đường kính 11.5mm, dài 15mm. Bác sĩ Mahendran Nadarajah là người điều khiển ê-kip với sự hỗ trợ của đội ngũ điều dưỡng gây mê; đứng đầu là bác sĩ Nguyễn Thị Lam Giang; về chuyên môn có bác sĩ Henri Maries – Giám đốc Y khoa bệnh viện luôn kề cận.
Trên màn hình quan sát, cả ê-kip phòng mổ hồi hộp theo dõi ống thông đi theo đường nội mạch; từ bẹn chân lên đến vị trí túi phình tại não. Tiếp đến lần lượt 7 sợi Coil được bác sĩ Mahendran Nadarajah điều khiển luồn qua ống thông,;nhẹ nhàng xoắn vòng bên trong túi phình mà không làm vỡ thành mạch.
Cuối cùng, ông thả dù Vascular Plug để siết chặt và cố định các vòng xoắn thành một khối. Lúc này, cấu tạo sinh hóa của các sợi Coil tạo nên sự kết dính khiến dòng lưu thông máu bị chặn lại không gây áp lực lên vị trí túi phình. Như vậy, nguy cơ bị vỡ túi phình của bệnh nhân đã được ngăn chặn. Sau hơn 3 giờ thực hiện, ca can thiệp đã thành công tốt đẹp.
8 giờ sau đó, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, đi lại bình thường. “Tôi đã đi khắp nơi để điều trị chứng đau đầu suốt 5 năm của mình nhưng không ở đâu tìm ra nguyên nhân. Cho đến khi đến FV, bác sĩ Mahendran Nadarajah đã giúp tôi tìm ra nguyên nhân và điều trị triệt để giúp tôi cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều”, ông Lei Ting nói. Theo dự kiến, ông sẽ được xuất viện trong vòng 48 giờ sau phẫu thuật.
Nếu không được điều trị kịp thời, ông Lei Ting sẽ gặp nguy hiểm tính mạng. Nguyên do phình động mạch não là sự phình to một phần thành mạch máu não tại nơi thành mạch bị yếu, chịu nhiều áp lực mạnh. Đây là bệnh lý rất nguy hiểm; bởi người bệnh hầu như không thấy dấu hiệu báo trước rõ ràng cho đến khi động mạch não phình to và vỡ. Ước tính 33% người bệnh tử vong do không được cấp cứu kịp thời.
Bệnh viện FV thực hiện can thiệp thành công giúp bệnh nhân thoát khỏi chứng bệnh đau đầu kinh niên mà không để lại bất kỳ vết mổ nào trên vùng đầu. Ngoài ra, bệnh nhân cũng không cần uống thêm thuốc giảm đau sau đó. So với việc điều trị tại nước ngoài, người bệnh tiết kiệm chi phí đáng kể mà vẫn nhận được chất lượng điều trị theo tiêu chuẩn quốc tế, với bác sĩ trong và ngoài nước giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại của FV. Bên cạnh đó, các yếu tố thành công của ca bệnh không thể không kể đến tay nghề của bác sĩ Mahendran Nadarajah – một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về điều trị đột quỵ và các bệnh lý mạch máu não.
Bệnh phình động mạch não
Bệnh phình động mạch não có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, riêng nguy cơ vỡ phình mạch thường gặp nhất ở người già từ 55 – 65 tuổi trở lên. Tuy nhiên có khoảng 20% ca phình mạch não xảy ra ở độ tuổi từ 15 – 45. Ngoài yếu tố tuổi tác, những người có các yếu tố nguy cơ sau cũng dễ mắc bệnh:
- Thường xuyên hút thuốc lá.
- Cao huyết áp.
- Uống nhiều rượu, bia.
- Lạm dụng thuốc.
- Phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh có mức estrogen thấp.
- Tiền sử gia đình bị phình mạch não.
- Người bị chấn thương, tổn thương mạch máu.
Nếu mạch não mới chỉ phình to gây chèn ép cấu trúc dây thần kinh; người bệnh sẽ có dấu hiệu yếu/liệt chi, mắt nhìn mờ, đau đầu bất chợt… Khi túi phình bị vỡ gây xuất huyết khoang nội sọ; người bệnh sẽ cảm thấy đột ngột đau đầu dữ dội, cổ cứng, rối loạn ý thức, hôn mê, thậm chí tử vong.
Tại khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện FV, PGS. TS. BS Mahendran Nadarajah – một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về điều trị đột quỵ và các bệnh lý mạch máu não có thể kiểm soát toàn diện bệnh lý phình động mạch não thông qua các phương pháp chẩn đoán, điều trị tiên tiến.
Hiện các túi phình mạch máu não chỉ có thể được phát hiện dựa trên các chẩn đoán hình học. Do đó, việc khám sàng lọc, thực hiện các xét nghiệm tổng quát là vô cùng cần thiết nhằm phát hiện nguy cơ mắc bệnh. Để đăng ký khám và đặt hẹn với PGS. TS. BS Mahendran Nadajah, vui lòng liên hệ Khoa Ngoại thần kinh qua hotline: (028) 5411 3333.
Tiếp Thị Gia Đình