Trong giới làm mỹ phẩm handmade, Mộc Hương không phải là cái tên xa lạ. Với hơn 10 dòng sản phẩm làm đẹp từ những nguyên liệu có sẵn trong vườn nhà; Hoàng Thị Thanh Huyền đã khẳng định được mục tiêu, con đường kinh doanh của mình. Cô góp phần tìm tòi; phát triển sản phẩm mỹ phẩm sản xuất thủ công tại Việt Nam.
Trong những ngày xuân 2019, cô gái 9x này đã cùng trò chuyện với TTGĐ về những đam mê; dự định trong hành trình chinh phục sản phẩm làm đẹp của mình.
Tìm thấy con đường cho chính mình
Xin chào Huyền. Mùa xuân là mùa của cây cối đâm chồi, nảy lộc. Với những người làm mỹ phẩm handmade như Hoàng Thị Thanh Huyền; hẳn đây là một mùa bội thu?
Xin chào độc giả TTGĐ. Quả đúng là mùa xuân tạo nhiều cảm hứng cho nhiều người; đặc biệt là những người làm công việc nghiên cứu, chế tạo ra những sản phẩm làm đẹp. Riêng với Huyền, chọn hướng sản xuất mỹ phẩm handmade từ vườn nhà; nên bất kể mùa nào trong năm cũng là mùa lý tưởng; để mình làm ra các sản phẩm từ những nguyên liệu có sẵn trong vườn nhà.
Trong vườn nguyên liệu của Mộc Hương, các cây được trồng theo từng mùa khác nhau. Mùa xuân có hoa bưởi, mùa hạ có các loại lá thảo dược; mùa thu có hoa cúc, mùa đông có hoa mùi già… Riêng hoa hồng thì có quanh năm nhưng mùa đông thơm và đẹp nhất. Các sản phẩm mình nghiên cứu cũng là những sản phẩm theo mùa; sản phẩm tự nhiên có nguyên liệu từ trong vườn nhà.
Với một vườn nguyên liệu khá phong phú như vậy; Mộc Hương hiện đang có những dòng sản phẩm nào?
Hiện tại, Mộc Hương có hơn 10 dòng sản phẩm; phục vụ cho những nhu cầu mỹ phẩm cơ bản của chị em và trẻ nhỏ. Ví dụ như xà bông từ các loại hoa, thảo mộc; dầu gội; trà hoa hồng; nước xông mặt từ các loại lá tía tô, trầu không hoa ngũ sắc, hoa bưởi, hoa hồng, sả chanh và bạc hà; nước tắm giao thừa, son dưỡng môi.
Trong quá trình nghiên cứu, sản xuất sản phẩm; Huyền luôn cố làm ra những sản phẩm tự nhiên và đơn giản nhất; hạn chế hóa chất vào sản phẩm; chấp nhận thời hạn ngắn, không sản xuất theo số lượng nhiều. Huyền nghiên cứu rất nhiều sản phẩm; nhưng chỉ chọn những sản phẩm có khả năng bảo quản tự nhiên tốt để bán ra thị trường. Huyền tin rằng ngày càng nhiều khách hàng tin dùng và lựa chọn những sản phẩm đến từ tự nhiên.
Với một cô gái 29 tuổi, chọn hướng đi là một nhà nghiên cứu, sản xuất mỹ phẩm handmade; hẳn đó là một quyết định không dễ dàng gì với Hoàng Thị Thanh Huyền?
Vâng (cười). Ở độ tuổi của Huyền, các bạn; đặc biệt là các bạn nữ thường thích lựa chọn những công việc văn phòng “sang chảnh”, ổn định. Huyền cũng đã có thời gian như vậy. Sau khi tốt nghiệp đại học; Huyền có công việc kế toán rất ổn định và có nhiều cơ hội phát triển bản thân. Nhưng Huyền luôn tự đặt câu hỏi: Đây có phải là công việc phù hợp với mình?
Với những kiến thức được học về hóa dược; cộng với tính mày mò, tự tìm hiểu, thử nghiệm; Huyền luôn muốn đi theo con đường nghiên cứu. Khi Huyền nghỉ việc, nhiều người trong gia đình đã phản đối. Gay gắt nhất là chú của Huyền.
Ông cho rằng đây là quyết định bồng bột; và ngăn không cho mọi người trong gia đình giúp đỡ Huyền những ngày đầu khởi nghiệp; để cho Huyền đỡ nông nổi.
Càng đào sâu nghiên cứu, càng đam mê
Và Hoàng Thị Thanh Huyền đã làm gì để khẳng định đó là hướng đi đúng?
Thực sự là rất gian nan. 5, 6 năm trước, khi Huyền bắt đầu đi theo con đường làm mỹ phẩm handmade, đây còn là một lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam. Được một người chị trong nghề dạy cho những kiến thức cơ bản nhất, cộng với những kiến thức hóa dược của mình, Huyền bắt tay vào làm mỹ phẩm handmade với rất nhiều trải nghiệm mà đôi khi phải trả giá bằng tiền bạc, bằng thời gian, công sức của mình và nhiều người khác.
Cụ thể là gì? Huyền chia sẻ được chứ?
Có một bài học nhớ đời nhất của Huyền là khi bắt đầu sản xuất, Huyền kê ra một loạt nguyên liệu. Sau đó đi mua từ Mỹ để đảm bảo chất lượng và đặt trực tiếp hàng về Việt Nam. Nhưng khi về đến hải quan, không có giấy tờ nhập khẩu, nên Huyền mất hết lô hàng và thiệt hại không nhỏ.
Hay Huyền quyết định trồng hoa hồng để làm nước hoa hồng và trà hoa hồng. Huyền đi đến nhà bán giống, đặt mua một lúc 1.000 cây, về trồng, chăm sóc. Sau 3 tháng sau cây nở hoa, Huyền mới phát hiện ra, giống hoa người ta bán cho mình hoàn toàn khác với giống hoa mình đặt. Nhưng lúc này, đã đến mùa hè, Huyền không trồng lại được nữa, phải đợi đến vụ sau làm lại.
Sao lúc đó Hoàng Thị Thanh Huyền không tận dụng để làm thử?
Huyền có thử một ít nhưng không cho ra kết quả như mong đợi. Từ đợt hoa đầu tiên bị lừa ấy, Huyền thử nghiệm trồng nhiều loại hoa hồng khác nhau. Cuối cùng đã chọn được duy nhất hoa hồng tường vi để làm trà. Đặc biệt, với loại hoa này, hoa chỉ đẹp và thơm duy nhất trong một ngày. Sau đó sẽ tự rụng hết cánh. Chính vì vậy, nó đòi hỏi phải canh đúng thời điểm thu hoạch mới đạt hiệu quả tốt nhất.
Mỹ phẩm handmade hẳn là một cuộc chơi đầy tốn kém và không ít rủi ro?
Khó khăn Huyền và nhiều bạn trẻ gặp phải nhất khi làm mỹ phẩm handmade, chính là chưa có định hướng rõ ràng, chưa định hình được sản phẩm của mình. Thành ra dễ chạy theo tâm lý khách hàng, dẫn đến sản phẩm làm ra chưa có dấu ấn riêng.
Riêng với Huyền, sau khá nhiều bài học kinh nghiệm, đến cuối năm 2017, mình mới thấy rõ ràng hướng đi của Mộc Hương. Càng đi sâu vào nghiên cứu, càng thấy đam mê. Mỗi khi nản, Huyền lại bắt tay nghiên cứu sản phẩm mới.
Cảm ơn Hoàng Thị Thanh Huyền đã chia sẻ.
Với môi trường, Mộc Hương hướng mình trở thành nhãn hàng xanh, sử dụng nguyên liệu tự nhiên, dễ tiêu hủy ngoài môi trường, giảm thiểu rác thải hóa học, hướng tới lối sống thân thiện với môi trường. Tìm hiểu các sản phẩm của Mộc Hương tại website: www.mochuong.shop
Bài: Mai Trinh
Tiếp Thị Gia Đình