FedEx xử lý 10 triệu đơn hàng mỗi ngày, tạo ra lợi nhuận vài mươi tỷ đô-la Mỹ mỗi năm. Họ giữ vững vị trí trong danh sách World’s Most Admired Companies của tạp chí Fortune. Điều gì làm nên gã khổng lồ này?
Ý chí của cậu bé tật nguyền
Ngược dòng thời gian về lại nhiều thập niên của thế kỷ trước; chẳng có gì ngạc nhiên nếu nhiều người đánh giá thấp Frederick Smith. Bẩm sinh đã bị chứng bệnh nan y về xương khớp, ông phải đeo nẹp và mang nạng từ nhỏ.
Cha của Smith qua đời khi ông chỉ mới 4 tuổi nên gánh nặng đặt lên vai người mẹ. Chính bà đã nỗ lực không ngừng nghỉ để nuôi dưỡng nghị lực và lòng tự tôn cho đứa con trai tật nguyền. Thậm chí, bà khuyến khích Smith tham gia mọi hoạt động thể chất trong trường. Điều đó đã mang lại hiệu quả thần kỳ: không những Smith chiến thắng được bệnh tật; mà tính cách mạnh mẽ và kiên định từ thuở nhỏ cũng theo ông trên hành trình thay đổi thế giới cho đến ngày nay.
Không nhiều người biết rằng Smith chính là một trong những người tiên phong tạo ra hệ thống được gọi là “trục và nan hoa” (hub and spokes) trong vận chuyển hàng không. Với hệ thống này, hàng hóa từ khắp nơi trên nước Mỹ sẽ được dồn về “trục” trung chuyển; được phân loại và sau đó lại tỏa ra theo “nan hoa” tương ứng để đến với người nhận.
Việc vận chuyển hàng không sẽ diễn ra vào ban đêm khi máy bay thường khá trống trải, đặc biệt ở sân bay của các thành phố lớn. Sau đó xe tải chuyên dụng của công ty tiếp tục đưa bưu kiện đến địa điểm cuối cùng.
Smith kể lại khởi nguồn của ý tưởng này; thể hiện một óc sáng tạo và quan sát thật sắc sảo: “Trong hình dung của tôi, giải pháp chính là một hệ thống tích hợp cả đường không và đường bộ… theo kiểu trung tâm xử lý thanh toán trong ngân hàng. Nghĩa là các ngân hàng có một hệ thống chung. Thế rồi họ cử người đến đó trao đổi mọi thứ với nhau. American Airlines từng thử nghiệm cách này không lâu sau Thế chiến thứ II. Nhưng cung và cầu đã không hòa hợp được với nhau”.
Không giống như vị giáo sư ở Yale ngày trước, các nhà đầu tư đã bị Smith chinh phục và đến cuối năm 1972, ông huy động được tới 80 triệu đô-la Mỹ. Thật ra, do tự tin với kế hoạch của mình nên Smith đã cho Federal Express ra đời ngay từ tháng 4 năm 1971. Số vốn trong tay giúp Smith mua được 14 chiếc máy bay Falcon để thực hiện dịch vụ vận chuyển tại 25 thành phố. Điều buồn cười là trong đêm “khai trương”; cả phi đội chỉ đi giao… 186 kiện hàng mà thôi! Nhưng chẳng sao, không có con số khiêm tốn đó thì chẳng có những con số khổng lồ của ngày hôm nay.
Thử thách cam go
Mọi sự khởi đầu khá thuận lợi. Chỉ có điều nó không kéo dài lâu vì cuộc đời này vốn thích thử thách bản lĩnh của con người. Thời kỳ khó khăn khiến giá nhiên liệu tăng vọt sau đó. Đến năm 1974, cứ mỗi tháng FedEx lỗ hơn 1 triệu đô-la Mỹ. Ngoài ra, chỉ tính trong hai năm đầu đi vào hoạt động, công ty của Smith cũng lỗ thêm gần 13,4 triệu nữa.
Ngay thời điểm khó khăn lên đến đỉnh điểm; sau khi bị nhà đầu tư General Dynamics từ chối cấp thêm vốn và trong tình hình FedEx chỉ còn… 5.000 đô-la Mỹ, Smith vẫn không ngã lòng. Ông quyết định cố đến cùng, với một động thái chẳng giống ai: Đáp máy bay đến Las Vegas, và casino thẳng tiến.
Kết quả: Smith thắng được 27.000 đô-la Mỹ, đủ cho công ty hoạt động thêm một tuần nữa!
Có một câu châm ngôn rất hay rằng: “Ngay cả khi nghĩ mình may mắn; bạn vẫn phải làm việc chăm chỉ để đưa mình tới được vị trí may mắn đó”. Smith đã làm thế.
Ông nhận định rằng FedEx phải vận hành với một mức độ chính xác và đáng tin cậy mà ngành này chưa bao giờ đạt tới trước đây. Để có được điều đó, họ phải áp dụng công nghệ cũng với một mức độ chưa từng có; thậm chí phải tạo ra cả một ngành công nghệ mới.
Hệ thống theo dõi hành trình chính là điểm nổi bật đó, giúp cho cả nhân viên FedEx và khách hàng cập nhật trạng thái của món hàng theo thời gian thực, không chỉ khi nó đang trong kho mà ngay cả trên đường vận chuyển. Ngoài ra còn có một công nghệ in hoàn toàn mới của loại hóa đơn giao nhận với nhiều “liên” (crash printing), kèm mã vạch tương thích với loại máy đọc cầm tay.
Công sức, nỗ lực và sự chăm chỉ đó đã mang lại “may mắn” cho Smith: Dù thất bại với General Dynamics, đợt vận động tài trợ đó vẫn đem về thêm 11 triệu đô-la Mỹ, giúp FedEx thoát khỏi khủng hoảng.
Trở nên vĩ đại
Năm 1976, công ty đạt mức lợi nhuận 3,6 triệu đô-la Mỹ; tuy khiêm tốn nhưng đầy ý nghĩa. Hai năm sau họ bán cổ phần ra công chúng; tạo tiền đề cho bước nhảy vọt của lợi nhuận lên đến hơn 38 triệu đô-la Mỹ vào năm 1980.
Đến nay, FedEx đã là một gã khổng lồ trong ngành vận chuyển. Công ty Federal Express ngày xưa đã trở thành phân nhánh FedEx Express; vẫn là công ty con có quy mô hoạt động lớn nhất trong tập đoàn; chuyên về mảng chuyển phát hàng không và những bưu kiện cần kiểm soát thời gian nghiêm ngặt như các thiết bị y tế.
FedEx Ground chuyên về mảng vận chuyển đường bộ; tập trung vào lĩnh vực bán lẻ. FedEx Freight cũng hoạt động trên bộ nhưng phụ trách các kiện hàng lớn, phù hợp với quy mô công nghiệp.
FedEx liên kết với Cardinal Health nhằm tăng cường dịch vụ chuyển phát các kiện hàng trong ngành y tế. Smith một lần nữa thể hiện nỗ lực phát triển không ngừng, dù đã bước đến tuổi mà người ta thường thích buông bỏ để dưỡng già.
Những điều phi thường này đều xuất phát từ bài luận bị hắt hủi của chàng sinh viên Frederick Smith từ mấy mươi năm trước đây.
Tiếp Thị Gia Đình