Chương trình Giáo dục tính cách bằng hành động theo tiêu chuẩn của Sở giáo dục Ontario (Canada) đang được áp dụng tại hệ thống trường Quốc tế Canada (CISS) là một phương pháp hay. Chúng giúp bạn cùng con dựng lên tính cách; từng mảnh, từng mảnh một nhưng ở sâu và ở lâu. Dạy con tính cách tốt quan trọng hơn cả cho con kiến thức tốt.
10 tính cách quan trọng cần dạy con
Trước đây, nói đến người thành công; người ta thường nhắc đến chỉ số IQ như là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, ngày nay, các nhà khoa học nhận thấy, IQ cao chưa đủ để con bạn thành công. Yếu tố quan trọng hơn cả IQ ấy là tính cách của con bạn.
Theo chương trình Giáo dục tính cách bằng hành động; tập trung xây dựng 10 tính cách quan trọng nhất, quyết định đến thành công và hạnh phúc của bé trong hiện tại và tương lai.
Vậy đó là những tính cách gì? Cô Trần Thị Lệ Hằng, Hiệu trưởng trường Mầm non Canada – Việt Nam (CVK), cho hay, theo chương trình Giáo dục tính cách bằng hành động đã được áp dụng rất thành công tại Hệ thống trường quốc tế Canada (CISS), thì có 10 tính cách quan trọng đối với trẻ. Đó là:
1. Thái độ hòa bình
Là khả năng con có thể đưa ra quyết định giải quyết mọi tranh chấp một cách bình tĩnh và tạo ra môi trường “dĩ hòa vi quý”, nơi mọi người đón nhận nhau và có tinh thần đoàn kết.
2. Sự tôn trọng
Là khả năng tôn trọng, lắng nghe quan điểm, ý kiến và cảm xúc của người khác, là khả năng có cái nhìn thấu đáo và công bằng khi cư xử với người khác.
3. Sự kiên trì
Trẻ nỗ lực và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bằng mọi khả năng của mình, luôn theo đuổi đến cùng nhiệm vụ đó dù gặp khó khăn.
4. Tinh thần lạc quan
Là thái độ sống tích cực, kiên cường trước nghịch cảnh và luôn hy vọng vào tương lai.
5. Lòng chính trực
Trẻ cần trung thực để trở thành người đáng tin cậy. Hành động phải luôn đi đôi cùng lời nói.
6. Lòng dũng cảm
Trẻ cần có sức mạnh và khả năng đối mặt với thử thách, có tinh thần chủ động hành động mà không cần chờ sự thúc giục của người khác.
7. Tinh thần hợp tác
Là khả năng trẻ làm việc cùng nhau theo tinh thần đồng đội, tinh thần nhóm để cùng đạt đến một mục tiêu chung.
8. Lòng biết ơn
Trẻ cần có khả năng thể hiện thái độ biết ơn, trân trọng những điều tốt đẹp trong cuộc sống mà mình may mắn có được.
9. Sự quan tâm
Trẻ biết cách bày tỏ sự tử tế, lòng trắc ẩn, sự cảm thông và tình người với người khác.
10. Tinh thần trách nhiệm
Trẻ cần thể hiện được tính kỷ luật, khả năng tự chủ, sự trung thực và tinh thần trách nhiệm với những lựa chọn, lời nói, cũng như hành động của bản thân. Trẻ phải luôn quan tâm đến người khác và môi trường xung quanh.
Muốn ngấm, để trẻ “thấm” bằng hành động
Có thể bạn cho rằng: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Đúng, mỗi đứa trẻ sinh ra đã mang theo một cá tính nhất định. Tuy nhiên, tính cách là sự phát triển suốt cả cuộc đời. Tính cách con sẽ phát triển theo chiều hướng tốt hay không phụ thuộc nhiều vào việc làm gương và đồng hành hỗ trợ của ba mẹ, thầy cô.
Đấy là lý do chương trình Giáo dục tính cách bằng hành động không chỉ áp dụng đối với lứa tuổi tiểu học, trung học… mà được rèn giũa từ tuổi mầm non; khi bé mới chỉ 18 tháng tuổi.
Bí quyết từ cô Lệ Hằng là hãy dạy tính cách bằng hành động như cách thầy cô và phụ huynh ở Ontario đã dạy con và trò của mình từ lứa tuổi mầm non. Cô Hằng lý giải: “Ngày trước chúng ta học đạo đức, giáo dục công dân… đấy là chúng ta đang học tính cách bằng lý thuyết. Lý thuyết tác động vào ý thức, không tác động vào tiềm thức, vô thức.
Ở trẻ, vô thức rất mạnh
Để tác động trực tiếp vào đó, tốt nhất là cho con làm hàng ngày; cụ thể hóa lý thuyết bằng hành động để trẻ cảm được điều mình đang làm. Khi làm được điều đó, điều bạn dạy con sẽ ở lâu trong trẻ; giúp trẻ ý thức được việc mình làm, tự giác thể hiện những tính cách tốt mà không cần can thiệp của cha mẹ, thầy cô. Nói một cách khác, thông qua hành động cụ thể; các đức tính đó được hình thành và phát triển một cách tự nhiên nơi trẻ”.
Bên cạnh đó, trẻ học nhiều nhất bằng hình mẫu. Nếu muốn trẻ có sự tôn trọng; người dạy trẻ là các cô và các bậc cha mẹ phải cùng cộng tác để cụ thể hóa bằng hành động cho bé làm, nhìn thấy, cảm thấy. Cô Hằng lấy ví dụ, mỗi tháng sẽ làm một chủ đề, tức một tính cách cần hình thành cho trẻ. Chẳng hạn, chủ đề tháng 9 của cô trò là sự tôn trọng. Đầu tháng, các con sẽ được tập trung tại rạp hát thuộc khuôn viên trường, xem các cô đóng kịch để hình dung cụ thể thế nào là tôn trọng.
Khái niệm sự tôn trọng trừu tượng này sẽ được cụ thể hóa bằng những hành động cụ thể như không giật đồ của bạn; chào hỏi khi gặp cô giáo, bác bảo vệ; xếp hàng chờ đến lượt; không cười chê mà yêu thương bạn, tôn trọng tất cả vật dụng…
Suốt tháng đó cũng như các tháng khác, các thầy cô sẽ làm mẫu sự tôn trọng như luôn xếp hàng; chào hỏi khi gặp đồng nghiệp, lắng nghe trẻ nói, thể hiện sự tôn trọng với trẻ.
Trong từng tình huống cụ thể, cô sẽ hướng dẫn trẻ cách cư xử tôn trọng. Ví dụ, khi bé đánh bạn, nếu bạn chỉ giải thích; bé gật đầu rồi cũng quên luôn. Các cô giáo sẽ đi theo 3 bước:
Thứ nhất: Dừng hành động đánh bạn của bé lại.
Thứ hai: Ôm cả bé đánh và bị đánh vào lòng để bé bình tĩnh lại; cảm thấy được yêu thương và an toàn, dễ tiếp nhận hướng dẫn đúng.
Thứ ba: Cô hướng dẫn bé cách làm đúng: “Bây giờ con ôm lấy bạn đi”. Khi trẻ được làm bằng hành động, được cảm nhận qua cái ôm. Trẻ sẽ nhận ra: “Ồ, ôm thích hơn đánh nhau”. Thói quen này từ từ hình thành và khi đã quen, nó trở thành tính cách.
Sự cộng tác của giáo viên và phụ huynh sẽ tạo ra môi trường học tập tốt; đem đến cho trẻ cơ hội trải nghiệm để hình thành nên những tính cách tốt đẹp.
Bài: XOA NGUYỄN
Tiếp Thị Gia Đình