Hạnh nhân đem đến rất nhiều lợi ích cho cơ thể bạn. Loại hạt này giàu axit béo đơn không bão hòa, một loại chất béo có lợi cho tim vì chúng giúp giảm cholesterol xấu, đồng thời tăng lượng cholesterol tốt.
Hạt hạnh nhân cũng có nhiều chất chống ô-xy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi hư hại do ô-xy hóa vốn là con đường dẫn đến lão hóa và bệnh tật. Nó tốt cho trí não và cải thiện nhan sắc làn da. Bên cạnh đó, do “nặng đô” chất béo, protein và chất xơ; hạnh nhân có thể giúp bạn giảm cân hoặc duy trì cân nặng ổn định nếu ăn uống đúng liều lượng.
Chỉ dân ghiền hạt hạnh nhân mới hiểu nỗi khổ của hai từ: “Dừng lại”. Càng ăn càng ngon và không muốn dừng lại. Nhưng ăn nhiều hạnh nhân thực sự có tốt?
Ăn hạt hạnh nhân bao nhiêu là đủ?
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, bạn chỉ nên ăn một khẩu phần hạt hạnh nhân nguyên chất mỗi ngày. Nó tương đương 28g hoặc khoảng 23–40 hạt.
Hạt hạnh nhân là thực phẩm ăn vặt lý tưởng, an toàn, ngon, khỏe. Một ít hạt mang theo sẽ nhanh chóng lấp đầy cơn đói; để bạn tiếp tục làm việc mà không bị ám ảnh, thèm thuồng những đồ ăn ngọt không tốt cho sức khỏe.
Ghiền quá, ăn tới đã có sao không?
Có đấy! Thứ nhất, sướng miệng thì khổ cân nặng. Ăn nhiều sẽ khiến bạn tăng cân bởi hạt hạnh nhân giàu calo và chất béo. Cứ 28g hạnh nhân cung cấp khoảng 163 calo và 14g chất béo.
Thứ hai, hạnh nhân giàu mangan. Cứ 28g hạt có 0,6 mg mangan. Trong trường hợp bình thường, đây là chất dinh dưỡng tốt vì bạn cần 1,8 đến 2,3mg mỗi ngày để giúp cơ thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn tiêu thụ quá nhiều hạnh nhân, đặc biệt là khi bạn có chế độ ăn giàu mangan; có thể khiến lượng mangan trong máu tăng cao. Điều này có thể gây trở ngại với một số loại thuốc chống loạn thần, thuốc kháng acid; thuốc nhuận tràng, thuốc huyết áp và một số thuốc kháng sinh nhất định.
Thứ ba, hạnh nhân giàu chất xơ (28g có 3,5g chất xơ); nên ăn quá nhiều có thể dẫn tới đầy bụng và táo bón. Nếu là dân ghiền hạnh nhân; nhớ uống nhiều nước khi ăn để giúp cơ thể xử lý được lượng chất xơ bạn nạp vào cơ thể.
Uống sữa hạnh nhân thì sao?
Sữa thực vật như hạnh nhân là một thay thế tuyệt vời cho những người không dung nạp sữa bò; hay cần giảm lượng thức ăn động vật vì chế độ ăn uống hoặc đạo đức đối với động vật. Sữa hạnh nhân có hương vị nhẹ và dễ tiêu hóa, có ít calo và chất béo, rất lý tưởng khi kết hợp trong các món sinh tố.
Tuy nhiên, với sữa hạnh nhân bán sẵn thường không giàu protein như sữa đậu nành. Một cốc sữa hạnh nhân không đường chỉ có khoảng 1,5g protein. Trong khi cốc đậu nành không đường có tới 7g. Bản thân hạt hạnh nhân giàu protein nhưng tại sao lại có chuyện vô lý này xảy ra khi chúng biến thành sữa?
Đơn giản vì lượng hạt được dùng vào làm sữa không nhiều. Một số trường hợp, hạnh nhân chỉ chiếm 2% trong toàn bộ thức uống. Bởi thế, nếu uống sữa hạnh nhân, bạn nên tự xay để đảm bảo lượng và chất.
Có thể chọn sữa hạnh nhân là nguồn cung cấp protein chính khi ăn chay?
Nếu sữa không phải là nguồn cung cấp protein trong chế độ ăn của bạn, bạn uống sữa hạnh nhân sẽ hoàn toàn ổn. Tuy nhiên, nếu bạn dựa vào sữa thực vật như nguồn dinh dưỡng chính yếu, như trong chế độ ăn uống thuần chay chẳng hạn, bạn nên chọn một loại sữa thực vật dinh dưỡng hơn hạnh nhân.
Sữa hạnh nhân không phải là một loại sữa thực vật giàu chất dinh dưỡng so với đậu nành. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, sữa đậu nành là tiêu chuẩn vàng về dinh dưỡng trong các loại sữa thực vật với sức khoẻ con người.