Cùng TTGĐ khám phá tuyến Metro đầu tiên của TP. HCM

TTGĐ vừa có chuyến khảo sát bên trong công trường xây dựng Tuyến metro số 1 của TP.HCM. Đây là tuyến metro đầu tiên của Việt Nam, dự kiến hoàn thành vào năm 2019 và đưa vào sử dụng từ năm 2020

Tuyến metro TP.HCM (tuyến số 1, dài 20km, tổng vốn đầu tư hơn 2,4 tỷ USD) được khởi công vào tháng 8/2012. Tuyến đi qua các quận 1, quận 2, quận 9, quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức và huyện Dĩ An (Bình Dương). Đoạn đi ngầm dài 2,6 km và đoạn đi trên cao dài 17,1 km.

Chúng tôi bắt đầu chuyến đi tham quan công trường xây dựng metro TP. HCM từ cảng Bason. Đây là một ga có ý nghĩa lịch sử của Metro Việt Nam. Chính từ đây, những mũi khoan đầu tiên được bắt đầu và mở ra thế giới ngầm bên dưới lòng Sài Gòn. Chắc hẳn bạn sẽ tò mò: Làm sao có thể khoan đào cả một thế giới khổng lồ như thế. Tất nhiên không phải bằng sức người.

Metro TP. HCM hinh anh 1

Mô hình của robot khoan hầm metro.

Robot chuyên dụng của Nhật Bản khoan hầm metro

Công việc đào hầm dự án metro TP. HCM sẽ do một robot chuyên dụng của Nhật Bản sản xuất. Robot này trị giá 600 tỷ đồng, được đưa về Việt Nam bằng đường thủy, sau đó lắp ráp tại cảng Bason. Người ta phải đào sẵn một căn hầm và đường ray riêng để robot khoan hầm này không gây sụt lún vì tải trọng lớn của mình.

Mỗi ngày robot sẽ khoan được 12m. Đặc biệt, hệ thống đưa đất thải ra ngoài và đồng thời phun vữa gia cố cho thành vừa khoan. Ngay sau đó, công nhân sẽ lắp ráp các tấm bê tông cong mác 400 (kỹ thuật Nhật, công nhân Việt thực hiện) để hoàn thiện ngay. Đây là quy trình tối tân nhất hiện nay.

Metro TP. HCM được bắt đầu khoan từ căn hầm này tại cảng Bason

Công trường khổng lồ của metro TP. HCM hối hả từ trên mặt đất đến phía bên dưới lòng đất. Chúng tôi vô cùng kinh ngạc khi bước xuống hai tầng hầm của nhà ga; tận mắt chứng kiến công trình lịch sử này đang gấp rút thi công. Mặc dù nguồn vốn từ trung ương bị chậm; nhưng thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định rót vốn trước để có thể tiếp tục thi công các hạng mục đang dang dở.

Metro TP. HCM hinh anh 3

Công nhân làm việc rất kỷ luật và gọn gàng.

Điều đáng chú ý là kỷ luật làm việc và mức độ gọn gàng của công trường metro TP. HCM thật đáng nể. Đi sâu vào công trường lòng đất mà chúng tôi không hề bị khó chịu bởi khói bụi hay không khí ngột ngạt. Thông thoáng, gọn gàng, nhanh gọn, an toàn, kỷ luật – những ưu điểm của đối tác Nhật chính là đây.
Metro TP. HCM hinh anh 4

Mọi thứ ở công trường đều ngăn nắp

 

Metro TP. HCM hinh anh 5

Ba tầng hầm ở ga metro

 

Metro TP. HCM hinh anh 6

Nhìn hình ảnh những công nhân đang thi công ở miệng hầm, bạn có thể tưởng tượng robot khoan hầm có độ lớn khủng thế nào

 

Metro TP. HCM hinh anh 7 Metro TP. HCM hinh anh 8

Trước đó, mô hình tàu điện ngầm được phác thảo, trưng bày tại depot metro (quận 9, TP HCM). Mô hình trưng bày gồm phần đầu máy có buồng lái và một toa tàu. Đầu tàu thiết kế bo tròn về phía dưới làm nổi bật hình dáng khí động học khỏe khoắn. Vỏ tàu được làm bằng nhôm và thép không gỉ. Mô hình có màu xanh da trời, thể hiện vẻ tươi trẻ, mạnh mẽ và dễ chịu trong điều kiện môi trường của Việt Nam.

Metro TP. HCM hinh anh 9
Mô hình đầu máy toa xe tàu điện ngầm đầu tiên của tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) do hãng Hitachi, Nhật Bản chế tạo (có kích thước, nội thất, màu sắc, cabin… như thật) tại khu vực depot (Q.9, TP.HCM).

Màu trắng đục làm chủ đạo bên trong toa tàu. Có tất cả 8 cửa ra vào được bố trí đều ở 2 bên thành toa để hành khách lên, xuống. Giữa 2 toa xe có cửa thông. Trên toa của mô hình tàu có 45 chỗ ngồi ghế nhựa dài; lắp đặt dọc theo thành xe được làm bằng vật liệu nhựa gia cường sợi thủy tinh.

Trần toa xe là hệ thống điều hòa chạy dọc. Toa xe có 127 móc nắm cùng tay vịn với hai mức cao thấp khác nhau cho khách đứng, đảm bảo an toàn khi di chuyển. Tàu còn có vị trí và thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật (đi xe lăn).

Phía trên các cửa lên xuống hai cánh có bảng điện tử thông báo bến đỗ cho hành khách theo dõi. Theo tính toán, thời gian vận hành của các đoàn tàu cách nhau khoảng 5 phút, giờ cao điểm thì 2 phút 10 giây; thời gian dừng tại ga khoảng 30 giây. Hành khách lên xuống tàu bằng hệ thống tự động. Trên tàu cấm ăn uống và hút thuốc.

Tàu có cửa sổ lớn cùng vách ngăn để phân chia khu vực hành khách đứng và ngồi. Đại diện ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, giai đoạn 1, mỗi đoàn tàu sẽ có 3 toa (tổng chiều dài là 61,5 m); vận chuyển hơn 900 hành khách (khoảng 50 hành khách ngồi, 270 hành khách đứng mỗi toa). Vận tốc khai thác 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn ngầm). Theo dự kiến, để phục vụ cho toàn tuyến metro số 1, Ban quản lý sẽ sắm 17 toa tàu, đóng tại Nhật Bản.

Nếu không có gì thay đổi, năm 2020, người dân Sài Gòn bắt đầu được di chuyển bằng tàu điện ngầm.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua