Con trai tôi không thể chơi cùng một cậu bạn hàng xóm bằng tuổi. Cậu bé ấy hay trêu chọc, còn con tôi lại quá nghiêm túc. Cậu bé ấy thích làm “lãnh đạo” các trò chơi còn con tôi cũng khăng khăng tinh thần phải là “thủ lĩnh”. Vì cả hai đều có cái tôi quá lớn; những buổi chơi cùng của hai bạn đều là những cuộc chiến chí chóe. Bây giờ, cứ thấy cậu bé hàng xóm mon men sang nhà, con tôi liền đóng sập cửa.
Đấy là lúc tôi quyết định phải cho con đến lớp học kỹ năng, rèn tinh thần làm việc nhóm.
Vì sao con cần kỹ năng làm việc nhóm?
Khả năng làm việc nhóm là khả năng bé gắn bó, hợp tác; làm việc với trẻ khác một cách hiệu quả; cùng hướng tới một mục đích chung. Làm việc nhóm là kỹ năng quan trọng, giúp con hòa đồng với những người xung quanh; tạo tiền đề cho con có kết quả tốt nhất trong học tập và làm việc sau này.
Cứ qua mỗi thế hệ, sự thành công càng khó khăn hơn. Làm việc nhóm, hợp tác với những người khác; tập hợp sức mạnh của nhiều người là con đường tốt nhất để con đi đến thành công.
Trẻ được trau dồi kỹ năng làm việc nhóm sẽ giao tiếp tự tin, biết phát huy thế mạnh cá nhân để khẳng định bản thân trong môi trường tập thể.
Để một nhóm làm việc hiệu quả, đòi hỏi các bé trong nhóm phải tôn trọng năng lực và ý kiến của nhau, không chỉ nghĩ đến quyền lợi của bản thân mà phải nghĩ đến quyền lợi của cả nhóm.
Những đòi hỏi này ngày càng khó đối với những đứa trẻ được nâng niu, bảo bọc, muốn gì được nấy và không có thói quen chia sẻ với người khác. Bởi lẽ đó, các con cần được rèn luyện ở trường cũng như ở nhà. Những hoạt động dưới đây không chỉ vui, bổ ích mà còn rất hiệu quả trong việc rèn luyện tinh thần làm việc nhóm cho bé. Bạn có thể thử:
1. Cho trẻ tham gia môn thể thao đồng đội để quen với làm việc nhóm
Một cách thú vị lại có lợi cho thể chất; sự tự tin của bé là bạn đăng ký cho bé học một môn thể thao đồng đội như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, cầu mây, kéo co… Các môn này không chỉ rèn tinh thần cạnh tranh cá nhân; mà còn giúp phát triển tinh thần đồng đội, hợp tác; phối hợp ăn ý giữa các thành viên trong đội để đạt đến thành công.
Điều quan trọng là trẻ cần có một huấn luyện viên giỏi. Đó phải là người lãnh đạo dung hòa được cái tôi của cá nhân với cái ta của nhóm; khơi gợi sự liên kết, gắn bó mật thiết gữa các thành viên trong nhóm. Họ sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực, giúp bé không rơi vào cảm giác bị loại ra khỏi đội; không có cảm giác mình vô dụng và cũng trở nên yêu thể thao hơn.
2. Lập nhóm dựa vào sở thích của bé
Không phải trẻ nào cũng thích thể thao. Không sao! Bạn thử xem con mình thích hoạt động nào và giúp bé lập nhóm quy tụ các bạn cùng thích hoạt động đó. Mọi sở thích, kỹ năng từ đọc sách, may vá, làm bánh, nấu ăn, múa hát, đóng kịch… đều có thể lập nhóm dễ dàng. Bất kỳ nhóm nào cũng là “hội” tuyệt vời để xây dựng sự tự tin và kỹ năng đội, nhóm, không nhất thiết phải là thể thao.
Nhiều bạn hỏi, làm sao lập nhóm nếu bé thích làm bánh nhỉ? Đơn giản là thay vì để bé làm bánh một mình; bạn để con rủ vài bạn hoặc các thành viên trong gia đình cùng tham gia. Mỗi người sẽ làm một nhiệm vụ. Người đánh trứng, người nhào bột, người nặn bánh, người nướng bánh…
Nếu là nhóm đọc sách, các bé có thể thay phiên nhau đọc các đoạn trong một truyện hay phân công mỗi người đọc một đầu sách cùng chủ đề rồi thảo luận. Đề tài làm các đồ chơi thủ công đơn giản cũng là cách đặc biệt hiệu quả.
3. Khuyến khích con học nhóm
Nếu con bạn không có động lực học tập một mình. Cháu thường chán nản, buồn ngủ thì có lẽ bạn nên nghĩ đến chuyện lập nhóm học tập cho con. Nó sẽ giúp bé có động lực học tập, có người để cạnh tranh, thảo luận điều chưa rõ.
Bạn học cùng nhóm cũng sẽ giúp bé rèn kỹ năng hoạt động nhóm thông qua việc phân chia các nhiệm vụ học tập cùng nhau. Sẽ thật tuyệt vời nếu bạn tìm kiếm cho con những người bạn học nhóm thông minh; siêng năng và có chung sở thích và mục đích học tập vì như thế việc học sẽ thú vị và hiệu quả hơn. Làm việc nhóm dần dần sẽ trở thành thói quen và nhu cầu của trẻ.
4. Làm việc nhà theo nhóm
Nếu có anh, chị, em, bé sẽ có cơ hội làm việc nhóm ngay tại nhà. Chỉ cần bạn để con và các anh, chị, em cùng thực hiện một hoạt động bất kỳ tại nhà như rửa chén, lau dọn nhà cửa, sắp xếp phòng ốc, vẽ tranh, diễn kịch.
Việc nhà thường là những việc quen thuộc với bé; bạn không cần can thiệp quá nhiều. Bạn cứ để các con tự nhận trách nhiệm; tự quyết định vai trò của mình trong đội cũng như cách thức các con làm để đạt đến hiệu quả sau cùng. Sau mỗi thành công, bạn nên khen thưởng các con. Nhân cơ hội này, bạn nên gợi ý để các con tự đánh giá kết quả mình đã mang lại cho nhóm và nhóm đã mang lại cho mình.
Điều này giúp bé hiểu được vai trò của bản thân, của tập thể và những lợi ích bé đạt được khi cùng tham gia vào hoạt động nhóm.
5. Trò chơi chuyền bóng bằng hai chân
Nếu quy tụ được nhiều trẻ em, đây sẽ là trò chơi cực kỳ thú vị, rèn sự khéo léo và tinh thần hoạt động nhóm. Bạn chia trẻ thành 2 đội, xếp thành hàng dọc, mỗi bé cách nhau chừng 0,6m.
Các bé sẽ cùng nằm xuống. Khi có hiệu lệnh “bắt đầu”; trẻ nằm đầu tiên dùng 2 bàn chân lấy quả bóng, rồi chuyền bóng qua đầu cho bạn nằm sau. Trẻ nằm sau nhận bóng và tiếp tục chuyền cho bạn phía dưới theo cách tương tự. Cuối cùng, trẻ lấy bóng bỏ vào giỏ. Sau đó, bạn sẽ kiểm tra số bóng và trao giải thắng thua cho hai đội.
6. Trò chơi chạy ba chân
Trò chơi dân gian này rất hợp khi bạn cho con đi biển. Thi chạy ba chân trên cát vừa vui vừa đảm bảo bé không bị đau nếu chẳng may té ngã. Bạn sẽ cần một đoạn dây hoặc chiếc khăn. Dùng dây cột 2 chân gần nhau của 2 thành viên lại. Các thành viên sau đó sẽ chạy bằng 2 chân còn lại trong một chặng đường nhất định. Đội nào đến đích trước là đội thắng cuộc.
Nếu có nhiều thành viên, bạn có thể chia mỗi đội 3 người, cột 3 chân lại cho 3 người chạy bằng 4 chân. Trò chơi càng khó, sẽ càng vui, càng đòi hỏi sự hợp tác giữa các thành viên. Làm việc nhóm thông qua cuộc đua sẽ khuyến khích trẻ nhiều hơn.
7. Cả nhà cùng nhảy dây
Nhảy dây là hoạt động ngoài trời thú vị cho cả gia đình và hữu ích khi dạy bé làm việc nhóm. Bạn và chồng được phân vào đội 1, các con vào đội 2. Đội 1 có nhiệm vụ cầm hai đầu dây, đội 2 là người nhảy. Ban đầu, bạn có thể để các con nhảy cùng lúc nhưng sau đó, tăng độ khó bằng cách để lần lượt từng thành viên nhảy vào dây khi vòng dây đang vung.
Người vào dây sau sẽ phải canh nhịp của người đang nhảy để nhảy vào mà không giẫm phải dây. Cả đội cũng sẽ phải tự điều chỉnh theo nhịp độ của nhau để thời gian nhảy kéo dài, không phải nhường lượt nhảy cho đội 1.
Ở trò chơi này, càng có nhiều trẻ em tham gia, trò chơi sẽ càng khó, việc rèn kỹ năng làm việc nhóm sẽ càng hiệu quả.
Bài: XOA NGUYỄN
Tiếp Thị Gia Đình