Việc nói tiếng Anh tốt là một đòi hỏi gần như bắt buộc cho tương lai của con. Ngay từ nhỏ, bạn cần cho con nền tảng phát triển ngôn ngữ quốc tế này. Khó khăn nhất với các bé là từ vựng và giao tiếp. Bạn có thể áp dụng một số phương pháp nhớ từ vựng tiếng Anh sau để giúp con.
1. Học theo chủ đề
Nhớ từ vựng tiếng Anh hay bất cứ ngôn ngữ nào đều cần chia ra thành những nhóm hay chủ đề khác nhau. Khi mới tiếp cận với tiếng Anh, để say mê với bộ môn này; bé nên bắt đầu làm quen với những chủ đề quen thuộc xung quanh chẳng hạn như gia đình, bạn bè, số đếm; vật dụng trong nhà, trường lớp… Bên cạnh đó, cho bé học theo những lĩnh vực bé yêu thích như ca hát; trái cây, con vật… cũng sẽ khiến bé hứng thú học hơn.
2. Bắt đầu với những từ thông dụng nhất để học nhớ từ vựng tiếng Anh
Chỉ nên cho bé học những từ vựng thông dụng, không quá dài; vì bé còn nhỏ và chỉ mới làm quen với tiếng Anh. Việc học quá nhiều từ vựng trải dài trong một chủ đề rất khó để tiếp thu; hơn thế nữa các bé sẽ cảm thấy hoang mang và áp lực khi phải học hàng chục từ; nhất là từ không được sử dụng nhiều hay phát âm khó.
3. Làm nổi bật từ mới
Trong quá trình học, bé nên tập quen dần với việc làm cho từ mới nổi bật; dễ học hơn giữa một rừng từ ngữ. Bạn có thể chỉ cho con cách tô bút highlight; dùng những ký tự đặc biệt hay thêm những hình ảnh sinh động bên cạnh từ, bé sẽ ghi nhớ từ vựng một cách dễ dàng hơn rất nhiều.
4. Thường xuyên sử dụng từ đã học vào trong đời sống
Suy cho cùng, những điều đã được học cũng đều phải vận dụng vào sinh hoạt hằng ngày; có như thế việc học mới trở nên hữu ích. Việc nhớ từ vựng tiếng Anh của trẻ em tiểu học cũng vậy. Dù chưa nói được thành câu nhưng nếu thường xuyên sử dụng những từ đã học, bé sẽ trở nên thành thục và nhớ từ rất lâu.
Hãy hỏi đáp liên quan đến tiếng Anh cùng con ở mọi lúc khi có thể. Đây được coi là cách học hiệu quả nhất, đặc biệt là cho đối tượng trẻ em.
5. Từ điển hình ảnh sẽ giúp trẻ thích học hơn
Bộ não của trẻ thích thú với hình ảnh, màu sắc hơn là những con chữ khô khan. Bạn có thể dùng các từ điển hình ảnh để dạy con phát âm từ vựng hay ghi nhớ từ vựng tiếng Anh. Điều này giúp bé tiếp cận việc học như đang chơi. Nó có tác dụng đường dài trong tương lai là trong tiềm thức bé, việc học được coi là một điều thú vị chứ không phải nặng nề. Bạn có thể dùng từ điển Oxford hình ảnh thông dụng.
6. Bảng kế hoạch thời gian lịch học
Cha mẹ nên lên một bảng kế hoạch về thời gian để dạy con, tránh sự bỏ cuộc hay sao lãng giữa chừng khi bận rộn. Thông thường, bạn có thể đặt cho bé mục tiêu 2 từ một ngày và học năm ngày trong tuần. Cuối tuần dành để kiểm tra. Đây là một kế hoạch thời gian dễ chịu và không khó nhọc gì. Bé nên có lịch học để bàn hay dính tường, để bắt đầu học cách đặt mục tiêu và thực hiện mục tiêu mỗi ngày.
Ví dụ, khi mục tiêu của con là 2 từ mới/ngày, khi hoàn thành mục tiêu, bé có thể ghi 2 từ mới mình đã học vào lịch ngày hôm đó và gạch chéo để báo hiệu là ngày đó đã hoàn thành. Việc cho bé tự giác rằng đã tự làm xong việc học đó khiến bé chững chạc trong tư duy.
7. Kiểm tra hàng tuần
Vào cuối tuần, cha mẹ nên cùng kiểm tra 10 từ đã học được trong tuần của bé. Tất nhiên, thông thường chỉ có một cha hoặc mẹ dạy con, nhưng khi kiểm tra có thêm phụ huynh còn lại cổ vũ khiến bé cố gắng hơn. Điều này còn giúp gia đình gắn kết như một ngày vui cuối tuần.
Bạn cần lưu ý vài điều trong ngày kiểm tra tuần, thứ nhất là khuyến khích con phát âm thật to các từ. Điều này giúp con có thể ghi nhớ cách đọc các từ qua cơ hàm và tâm trí của mình và luyện sự tự tin. Thứ nhì là viết lại từ đó 1 lần nữa, đây là cách ghi nhớ hiệu quả bằng hình ảnh, trí tưởng tượng và tiềm thức.
8. Sử dụng từ vựng hiệu quả và liên tục
Để con có thể vận dụng khối từ vựng vừa học vào tiếng Anh giao tiếp hàng ngày, bạn nên hướng dẫn con đặt câu ngắn cho 1 từ vựng học được. Luôn luôn khuyến khích con đọc to câu đó. Nhớ từ vựng tiếng Anh cần học đến đâu chắc đến đó, không cần nóng vội.
Ngữ pháp vào thời điểm này chưa là trọng điểm vì các bé sẽ có xu hướng quên khi không hiểu rõ lắm. Luyện phát âm và nhớ nghĩa của các từ qua hình ảnh và sự hình dung là trọng điểm.
Học đi đôi với hành sẽ khiến bài học ở lại trong trí nhớ của trẻ. Việc học trở thành niềm vui thì học sẽ bền.
Bài: NGUYỄN XOA
Tiếp Thị Gia Đình