Giúp bé nhớ lâu bằng phương pháp Loci

Bạn đã từng cảm thấy thất vọng khi không thể nhớ ra điều đáng lẽ phải nhớ? Con bạn cũng sẽ có lúc như vậy, đặc biệt là những bé không giỏi tập trung. Dù bé đã rất cố gắng nhưng như “nước đổ lá khoai”, bài học, kiến thức được thầy cô, cha mẹ đổ vào đầu cứ trôi tuột đi, không một dấu vết

Không nhớ giỏi chưa chắc đã là biểu hiện bé kém thông minh. Đơn giản chỉ là bé chưa có phương pháp để ghi nhớ hiệu quả mà thôi. Thay vì bắt con học vẹt, bạn hãy dạy con cách ghi nhớ theo phương pháp Loci.

phuong phap Loci hinh anh 1

Phương pháp Loci là gì?

Loci là phương pháp cổ xưa giúp cải thiện khả năng ghi nhớ của con người nhưng đến bây giờ; nó vẫn còn nguyên tác dụng. Nó còn có tên gọi dễ thương là “hành trình trí nhớ”.

Loci là số nhiều của từ locus, có nghĩa là địa điểm hoặc nơi chốn. Phương pháp Loci cho rằng; bạn có thể ghi nhớ rõ ràng những nơi thân quen với mình. Vì vậy, nếu muốn ghi nhớ vật gì, bạn hãy liên kết; gắn chúng với một nơi mà bạn rất quen thuộc.

Phương pháp Loci được tạo ra và phát triển bởi nhà thơ Hy Lạp Simonides của thành Ceos, cách đây hơn 2000 năm.

Ông là người sống sót duy nhất khi tòa nhà ông được mời đến ăn tối bất ngờ sụp đổ. Điều bất ngờ là ông nhận diện được nạn nhân dù đã bị biến dạng bằng cách nhớ lại vị trí ngồi của từng vị khách. Từ trải nghiệm này, ông nhận ra rằng; việc ghi nhớ thứ gì đó bằng cách liên kết nó với hình ảnh và nơi chốn cụ thể trong tâm trí thực sự đem lại hiệu quả.

Hệ thống ghi nhớ này được người Hy Lạp và người La Mã sử dụng rộng rãi đến khi hệ thống ngữ âm, ký tự ra đời và cho đến tận ngày hôm nay.

phuong phap Loci hinh anh 2

Áp dụng vào học tập

Một bạn kể với TTGĐ rằng, ngày đi học, cô đọc bài cho trò chép. Tuy nhiên bạn này không hì hụi viết từng chữ mà rút ra những sự vật; sự việc trong bài của cô để vẽ thành tranh. Bị cô la, bạn bảo: “Con đâu có vẽ; con đang chép bài theo cách của con đó chứ”. Để kiểm tra, cô giáo yêu cầu cô học trò kỳ quặc nói lại những ý chính trong bài học của cô. Thật tuyệt diệu, nhìn vào bức tranh của mình; cô bạn ấy đã nói lại vanh vách khiến cô không thể cho tên bạn vào sổ đầu bài.

Thực ra, cô bạn này đã áp dụng cách ghi nhớ của riêng mình theo phương pháp Loci. Bạn này đã dùng trí tưởng tượng của chính mình; dựng lên một câu chuyện và liên hệ từng thứ với nhau tạo thành một mạch truyện dễ nhớ đối với riêng mình.

Phương pháp Loci là bảo bối để các nhà hùng biện La Mã xưa diễn thuyết thành công; đầy đủ mà không cần một mảnh giấy trên tay. Người La Mã đặt những luận điểm chính của bài phát biểu vào các địa điểm quen thuộc; dọc theo một con đường hay ngôi nhà của mình. Những điểm chính ấy lại được đại diện bằng một vật cụ thể đặt ở một vị trí cụ thể.

Trong khi phát biểu, họ chỉ để tâm trí đi dọc theo lối cũ và ở mỗi vị trí đi qua. Loci dễ áp dụng để ghi nhớ các sự vật và bài học. Chỉ cần gắn kiến thức cần nhớ với một địa điểm quen thuộc và để trí tưởng tượng của bé vẽ nên những câu chuyện thật ly kỳ.

Phương pháp Loci hoạt động như thế nào?

Phương pháp Loci giúp bé ghi nhớ đặc biệt hiệu quả; nếu bé là người giỏi hình dung, tưởng tượng. Về cơ bản, đây là một hệ thống lưu trữ trực quan, cho phép ghi chép và nhớ lại không giới hạn các điều cần nhớ theo thứ tự cố định. Mỗi địa điểm như một cái móc, mà bạn kết nối trực quan bất cứ điều gì bạn muốn ghi nhớ.

Cách “gắn” sự vật cần ghi nhớ vào những địa điểm quen thuộc thường diễn ra theo các bước sau:

Bước 1: Chọn một nơi thật quen thuộc

Trước tiên, bạn hướng con nghĩ về một nơi rất quen thuộc với bé mà ở đó, bé nhớ từng ngóc ngách, có nhắm mắt lại vẫn có thể nhớ được vị trí của từng đồ vật… Thường, ngôi nhà bé đang sống hay phòng riêng của bé là lựa chọn quen thuộc nhất.

Bước 2: Tưởng tượng

Bạn đề nghị con tưởng tượng lại con đường mình thường đi lại trong nhà theo thứ tự logic. Chẳng hạn, đầu tiên bé sẽ bước vào cửa trước, đi dọc hành lang, rẽ vào phòng khách; đi vào phòng ăn, nhà bếp… và cứ thế tiếp tục cho đến khi ra tới cửa sau. Bạn dạy cho con cách ghi nhớ trực quan bằng cách ngắm phòng mình để xem sau khi bước vào cửa, bé đi qua những vị trí nào… Tưởng tượng đi qua hành trình ấy vài lần để củng cố trí nhớ vững chắc.

Bước 3: Đặt các vật cần ghi nhớ vào vị trí

Trước hết, bạn cho con xem hình ảnh về những gì bạn muốn con ghi nhớ. Bé đặt vật cần ghi nhớ vào từng địa điểm trong tâm trí. Chẳng hạn, bé cần nhớ những thứ phải ăn, uống như nước cam, sữa, nước, chuối… Bé tưởng tượng câu chuyện; Bé bước vào cửa trước nhà, bỗng có một người đàn ông mặc áo màu cam (cam) hất đầy sữa (sữa) vào người bé; bé rẽ vào phòng tắm để lấy nước tắm (nước) bỗng có con khỉ xuất hiện tặng bé quả chuối.

Bước 4: Hồi tưởng

Khi bé muốn nhớ lại những vật dụng cần phải nhớ, bé chỉ cần hình dung lại khung cảnh ngôi nhà hay phòng mình, lặp lại việc đi từ cửa trước đến cửa sau hay đi trong phòng trong tâm trí. Các vật bé đã “đặt” ở các địa điểm sẽ hiển lộ trong trí nhớ của bé.

Bài: XOA NGUYỄN

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua