6 kỹ năng cho bé chuẩn bị vào lớp 1

Nếu con bạn được trang bị 6 kỹ năng này, cuộc sống mới ở trường tiểu học sẽ không thể làm khó bé và làm xót lòng bạn.

Tháng 9, năm học mới bắt đầu. Nếu bạn có bé sinh năm 2012; bạn sẽ lo lắng hơn mọi phụ huynh khác bởi đây là năm đầu tiên con bước vào “đại học chữ to”. Không còn sự săn sóc nhiều như tuổi mầm non, con sẽ phải tự lập mọi việc. Làm sao để con không phải vật lộn với cuộc sống ở môi trường mới? Còn 2 tháng để bạn dạy những kỹ năng cho bé tối cần thiết dưới đây.

Kỹ năng đi vệ sinh

Chúng ta hay bảo con: “Muốn đi vệ sinh thì gọi mẹ nhé”. Điều này sẽ không thể tiếp diễn khi con cả ngày sống ở trường học. Việc tiểu tiện đơn giản nhưng đại tiện sẽ gây khó khăn cho nhiều bé. Vì thế, đây là điều quan trọng đầu tiên bạn cần dạy cho con; nếu đến thời điểm này con chưa thể tự lập việc đi vệ sinh.

Trong vòng một tháng liên tiếp, bạn đi vào nhà vệ sinh cùng con; hướng dẫn con quy trình đi vệ sinh bằng bồn cầu chung của cả nhà. Các bước bạn cần chỉ cho con:

– Mở nắp bồn vệ sinh, xé mảnh giấy lau sạch chỗ ngồi trên bồn cầu, cho giấy vào thùng rác.

– Tụt quần dài/váy và quần chíp, đặt mông ngồi xuống, đi vệ sinh.

– Xé giấy vệ sinh lau sạch vùng kín sau khi vệ sinh xong, bỏ giấy đã lau vào thùng rác.

– Đứng dậy, kéo quần lên.

– Đóng nắp bồn vệ sinh và nhấn nút xả nước hoặc dội nước.

– Mở nắp bồn vệ sinh.

– Rửa sạch tay với xà phòng.

Khi con đã thành thạo quy trình, bạn giám sát để con tự thực hành. Khi bé đi học, ngày nào bạn cũng nên bỏ giấy vệ sinh vào túi áo, túi quần hay cặp sách của con, dặn con lấy ra dùng khi cần đi vệ sinh.

Kỹ năng ngồi yên, lắng nghe và phát biểu ý kiến

Vào lớp 1, bé sẽ phải ngồi yên nghe giảng; không còn được chơi nhiều như tuổi mầm non. Việc bé mất trật tự không chỉ ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu của bé mà còn ảnh hưởng đến các bạn xung quanh.

Trò chơi lớp học tại nhà có thể giúp con thực hành kỹ năng này. Mỗi tối, bạn có thể đóng vai cô giáo đang điều khiển một lớp học có ông xã, bé và các anh, chị, em của bé. Lớp học này cần phải diễn ra thật nghiêm túc. Nếu bé “nhao nhao”, bạn cần liên tục nhắc nhở bé ngồi yên; nghe giảng và giơ tay phát biểu ý kiến khi cô giáo đặt câu hỏi.

Bạn nào ngồi yên, nghe giảng, hiểu bài sẽ được cô tặng một phần quà nhỏ cuối buổi học. Chỉ cần hỏi lại bé vấn đề bạn vừa nói; bạn sẽ biết bé có thực sự lắng nghe hay không.

Biết nhờ người lớn giúp đỡ

Bé cảm thấy người không khỏe; bé chờ mãi chưa thấy người thân đến đón sau giờ tan học, bé bị bạn khác bắt nạt… Đấy là vài sự cố có thể xảy ra khi bé ở trường. Đây cũng là một kỹ năng cho bé mà bố mẹ cần nhớ rõ.

Bé cần biết cách nhờ sự giúp đỡ của người lớn như chú bảo vệ; cô giáo, bố mẹ bạn cùng lớp… Nguyên tắc là bé phải nói được một câu hoàn chỉnh, nói rõ được việc cần nhờ, lý do nhờ.

Khi bạn nhờ con giúp việc gì; bạn cần làm gương bằng cách diễn đạt đơn giản, rõ ràng: “Con ơi, mẹ nhờ con lấy giúp mẹ ly nước; tay mẹ đang dơ”. “Con này, con giúp mẹ trông em chút nhé, mẹ đi nấu cơm. Mẹ cảm ơn con”… Khi bé nhờ mẹ; bạn chú ý cách con nói để hướng dẫn con cách nhờ rõ ràng, chính xác, lịch sự.

Điều quan trọng nhất là cho bé thực hành với người lớn khác bạn. Bạn cho bé tự đặt món ăn khi đi nhà hàng. Vào siêu thị, hãy để bé giúp bạn mang đồ đến quầy cân để nhờ các nhân viên cân giùm.

Bảo quản đồ dùng cá nhân

Trẻ rất hay làm mất đồ dùng học tập. Bạn dạy con luôn bỏ hết đồ đạc cá nhân vào cặp; vào ngăn bàn. Đồ dùng của con cũng nên có dấu riêng để dễ nhận biết và không nhầm lẫn với đồ của các bạn khác. Bạn đừng quên hướng dẫn con sử dụng tẩy sao cho không làm rách vở; viết chì sao cho không gãy; đặt sách vở vào cặp sao cho không bị quăn mép, rách, hỏng…

Hoàn thành những việc bắt buộc, dù không thích

Lý do khiến trẻ lớp 1 tiếc nuối thời mầm non là vì ở lớp 1;; các em bị bắt buộc làm những việc mà mình không thích. Ngay bây giờ, mỗi ngày, bạn hãy giao cho bé một nhiệm vụ và yêu cầu bắt buộc phải hoàn thành. Bé không thích đánh răng; bé sẽ phải tự đánh răng một mình.

Bé không thích thu dọn chén bát sau bữa ăn vẫn phải làm xong nhiệm vụ mới được đi chơi. Bé có chán ngồi tập viết đến đâu cũng phải đạt mục tiêu 2 trang mới được đi ngủ.

Những yêu cầu bắt buộc này giúp trẻ hiểu rằng; không phải những gì mình muốn đều được đáp ứng. Mình phải tự hoàn thành công việc không thích; mà không có sự trợ giúp của người khác. Đây là nền tảng để bé nỗ lực; tự thân vận động, không chán nản trong học tập.

Kỹ năng cho bé: Hiểu các khái niệm thời gian

Nhiều bé lên 6 vẫn nhầm các khái niệm về thời gian. Ví dụ, bé vừa gặp bạn ở cổng trường nhưng khi nói chuyện với mẹ, bé lại bảo: “Hồi xưa con gặp bạn ấy”.

Nếu bé còn nhầm, việc tiếp nhận thời khóa biểu sẽ gặp khó khăn. Bạn nên giúp bé hiểu khái niệm thời gian đơn giản như ngày hôm qua, hôm nay, ngày mai, tuần trước, tuần tới, tháng tới…

Bạn sẽ không tá hỏa khi cô dặn bé: “Ngày mai con mời phụ huynh đến gặp cô”, bé lại truyền đạt rằng: “Cô bảo hôm nay mẹ gặp cô”.

Bài: XOA NGUYỄN

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua