Hiếm có nghệ nhân làm tóc nào có hai tấm bằng Đại học và khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh lưu loát như chị Phạm Thị Trang, cô chủ của Trang PT Hair & Nail Salon. Và cũng hiếm có ai dám vứt bỏ một việc “màu mỡ” trong ngành dầu khí để chuyển sang nghề “làm dâu thiên hạ”, chỉ mong làm đẹp cho phụ nữ như chị.
Lối rẽ bất ngờ của nữ cử nhân dầu khí
Trong thâm tâm, chị Phạm Thị Trang chẳng bao giờ nghĩ sẽ có ngày mình trở thành một thợ làm tóc, quản lý một salon chuyên về tóc và móng. Ước mơ lớn nhất mà chị theo đuổi thời sinh viên là lĩnh vực dầu khí, cùng những giàn khoan nằm ở giữa biển khơi.
Chị tốt nghiệp khoa Dầu khí, đại học Mỏ – Địa chất, trở thành kỹ sư dầu khí và vào Vũng Tàu làm việc trong mảng thăm dò giếng khoan. Sau đó, chị chuyển công tác vào TP. HCM và thăng tiến trong ngành nghề mà mình theo đuổi.
Đến một lúc, do đã quá mệt mỏi với áp lực công việc và những chuyến công tác, chị quyết định trở về Hà Nội để ở gần gia đình. Số mệnh đã giúp chị Trang gặp người đàn ông của đời mình, kết hôn và thay đổi “bản kế hoạch của cuộc đời”.
Ông xã của chị, anh Nguyễn Hoàng Lân là một người có máu kinh doanh. Tuy công tác tại một tờ báo lớn của Việt Nam (Báo Bóng Đá) nhưng lúc nào anh Lân cũng thấy hào hứng với những kế hoạch kinh doanh và muốn truyền niềm đam mê đó cho vợ con mình.
Sau khi vợ sinh con xong, anh Lân thuyết phục vợ cùng mình kinh doanh cửa hàng làm tóc trên phố Đào Tấn, Hà Nội. Anh Lân đã nói với chị rằng: “Đừng đi làm cho thiên hạ, về kinh doanh với chồng”. Và đấy cũng là lúc; chị Trang bắt đầu bén duyên với nghiệp làm đẹp cho đời.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, chị Trang đã quyết định rời bỏ công việc kỹ sư dầu khí để về cùng chồng quản lý cửa hàng làm tóc. Khi chuyển sang làm kinh doanh, chị Trang đã đi học văn bằng hai ngành Kinh doanh quốc tế ở trường đại học Ngoại thương Hà Nội.
Tìm ra điểm yếu và khắc phục
Ở cửa hàng tóc này, vợ chồng chị phải thuê người làm hoàn toàn; từ thợ chính đến thợ phụ. Sau khi bắt tay vào việc quản lý, chị Phạm Thị Trang mới dần nhận ra những điểm yếu của mình trong lĩnh vực mới: Không có tay nghề chuyên môn, thì không bảo được thợ. Do vậy, muốn quản lý được thì phải biết về nghề để chỉ cho thợ.
Năm 2007, chị bỏ ra 5 triệu đồng chỉ để đi học cách gội đầu. “Suốt 3 tháng học việc; cứ 6h sáng là có mặt tại cửa hàng, lụi hụi gội đầu cho khách mà run lắm, chỉ sợ khách bị sặc nước khi rửa mặt”, chị Trang kể.
Khi đã gội đầu tốt, chị lại bỏ tiếp 10 triệu đồng để đi học cắt tóc; rồi học sấy tóc tạo kiểu. Đi học về chị lại thực hành làm cho khách tại cửa hàng để trau dồi tay nghề và kinh nghiệm. Thậm chí, chị Trang thuê hẳn một chuyên gia sấy tóc từ TP. HCM ra Hà Nội. Chị chịu mọi chi phí đi lại, ăn ở; tiền phí giảng dạy để tầm sư học đạo.
Được người bạn giới thiệu có một thầy dạy làm tóc rất giỏi từ Thượng Hải (Trung Quốc) sang Việt Nam; chị Phạm Thị Trang lập team, chung nhau tiền mời thầy giảng dạy. “Giá học cắt tóc khoảng gần 100 triệu đồng/ khóa. Thầy nhận dạy cho 15 người. Khóa học đó đã cho tôi cái nhìn hoàn toàn khác về ngành tóc; đem lại nhiều đột phá về tay nghề và giải quyết rất nhiều câu hỏi về nghề tóc mà tôi trăn trở bao lâu nay”, chị cho hay.
Cũng tại khóa học này, chị Phạm Thị Trang được thầy dạy kỹ thuật cắt tóc Vidal Sassoon mới mẻ; học cách tạo kiểu tóc, phong cách làm việc chuyên nghiệp từ thầy. Không chỉ vậy, chị còn không tiếc tiền tầm sư học đạo những người thầy người Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
“Có con nhỏ, không thể theo được những khóa học kéo dài từ 10–15 ngày ở nước bạn; nên tôi phải học tranh thủ khi thầy sang Việt Nam. Học từ những người đi trước, bạn bè làm nghề xung quanh. Học từng công đoạn, cứ ai giỏi cái gì; tôi theo học cái đó để làm tóc tốt nhất cho khách”, chị Trang nói.
Với những gì đã tâm huyết, nỗ lực, năm 2014 chị Trang đã được vinh danh Kéo Vàng.
Con đường đi chậm mà chắc
Sau một thời gian làm nghề, chị Phạm Thị Trang thấy nhiều thợ làm tóc đều là người ngoại tỉnh; kỹ năng giao tiếp kém tinh tế, trình độ ngoại ngữ có hạn; nên hạn chế trong việc phục vụ khách ở tầng lớp thu nhập cao; và đặc biệt là khách người ngoại quốc. Chị cũng thấy nhóm khách nước ngoài rất có tiềm năng mà chưa nhiều nơi khai thác. Thế là chị đã mạnh dạn rẽ theo một lối đi khác biệt.
Sau 9 năm gắn bó với cửa hàng cắt tóc ở Đào Tấn, năm 2017, chị Trang quyết định chuyển cửa hàng sang địa điểm mới tại sảnh khách sạn The Hanoi Club (76 Yên Phụ, Q. Tây Hồ, Hà Nội). Đây là địa điểm lưu trú của rất nhiều người nước ngoài đến du lịch, làm việc tại Hà Nội.
Địa điểm mới này có rất nhiều tiện ích khiến chị Trang ưng ngay từ lần đầu tiên đến khảo sát. Khách đến làm tóc có nơi gửi xe máy, xe ô tô miễn phí; có khu vui chơi cho trẻ em, sảnh ngồi chờ đợi sang trọng. Một điểm cộng nữa là view nhìn ra hồ Tây thoáng đãng, thơ mộng. “Năm 2017 cũng là thời điểm các salon tóc bùng nổ với nhiều kiểu tóc mới mẻ, hiện đại.
Muốn tồn tại và phát triển trong dòng chảy đó; chúng tôi buộc phải có lối đi mới. Tuy nhiên, tôi vẫn đi theo lối không bùng nổ, khoa trương; cứ đi chậm đi chắc từng bước để tránh rủi ro”.
Chị chia sẻ thêm: “Ban đầu cũng băn khoăn, áp lực với chính bản thân mình về lối đi này; trong thời điểm các salon tóc bùng nổ. Suốt ba tháng đầu sang đây, mỗi tháng mình lỗ tới 30– 40 triệu vì chưa có khách. Nhưng cứ kiên trì làm các chương trình ưu đãi dành cho khách hàng và nâng cao chuyên môn; tôi thấy con đường của mình là phù hợp”.
Ở địa điểm mới này, 90% khách là người nước ngoài, chủ yếu người Nhật, châu Âu. 10% còn lại là khách quen đi theo từ Đào Tấn sang và khách ở gần đó. Chị bật mí rằng khách ngoại yêu cầu thợ làm tóc giao tiếp tốt bên cạnh kỹ năng làm tóc chuyên nghiệp, khéo léo và có gu thẩm mỹ.
Khi làm tóc cho những khách hàng có quốc tịch khác nhau; chị Trang lại rút ra nhiều kinh nghiệm mới. Ví dụ, khách người châu Á thích làm tóc xoăn; thích tóc lên màu còn khách người châu Âu lại chỉ thích làm tóc thẳng; vì chất tóc của họ đã bông sẵn. Những rút tỉa đó khiến tay nghề của chị phục vụ khách lên rất nhanh.
Mặt khác, nhờ khả năng ngoại ngữ lưu loát và tay nghề cao của mình nên chị Trang đã nhận được rất nhiều lời khen của khách. Có những vị khách ban đầu vào chỉ định vào gội đầu; nhưng “buôn chuyện” với cô chủ salon vui quá lại chuyển tiếp làm móng và những dịch vụ tóc khác. Cứ như thế, Trang PT Hair & Nail Salon dần trở thành một địa chỉ làm đẹp đáng tin cậy của khách nước ngoài đang sinh sống và du lịch tại Hà Nội.
Chuyện vui trong nghề của chị Phạm Thị Trang:
Chị nhớ mãi một vị khách hàng nữ ở Malaysia đến là tóc. Mái tóc khách dài quá lưng khiến chị Phạm Thị Trang hì hục gội; là tóc gần một tiếng đồng hồ. Mặc dù chi phí chỉ hết 70.000 đồng nhưng vị khách ấy nhất định gửi cả 500.000 đồng; với lời khen ngợi “Tôi chưa thấy ai làm tóc cho tôi cẩn thận như thế cả”.
Khách qua salon chị làm tóc, rồi tâm sự chuyện gia đình, văn hóa của nước họ; tìm hiểu văn hóa và những món ăn của Việt Nam, Có không ít vị khách hàng trước khi lên máy bay trở về nước đã qua salon cảm ơn chị; gửi lời chào, cái ôm tạm biệt.
Bài: Thu Hà
Tiếp Thị Gia Đình