Con người sống với nhau còn hai mặt, huống gì là thực phẩm. Như nấm tưởng lành nhưng đôi khi lại độc; như ớt tuy cay nhưng lại trị được bệnh dữ; như măng tây đắt nhưng chắc gì đã tốt toàn tập. Mời bạn cùng TTGĐ du hành vào thế giới thực phẩm kỳ này. Cùng TTGĐ tìm hiểu qua loạt bài viết về những sự thật thú vị; có thể bạn chưa biết; mặt tốt – xấu; và bí quyết sử dụng đúng cách các loại thực phẩm chúng ta vẫn tiêu thụ hàng ngày.
Sự thật thú vị về thực phẩm có thể bạn chưa biết
Sự thật thú vị về nấm (mushroom): Là loại thực vật nguyên thủy, sống bằng các dưỡng chất hút từ các mô thối rữa của cây cối. Lớp áo ngoài của nấm chứa chitin – một chất xơ rất tốt để làm giảm cholesterol.
Lợi:
– Tăng cường sức khỏe của tim: Nhờ chứa niacin – một chất chống đau tim và xơ vữa động mạch.
– Hạ huyết áp do chứa kali. Chất eritadenine trong nấm kích thích bài tiết các cholesterol có hại. Mộc nhĩ rất tốt cho việc chống hình thành máu đông.
– Giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt: Nấm trắng chứa selenium, một chất khi kết hợp với vitamin E sẽ “dọn dẹp” các gốc tự do phá hủy tế bào. Đàn ông có lượng selenium thấp trong máu có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt cao gấp 4 lần so với người có lượng selenium cao.
– Là thực phẩm ăn kiêng, giảm béo.
Hại:
– Nhiều loại nấm có thể gây ngộ độc, dù ăn sống hay đã nấu chín.
– Tuyệt đối không hái nấm về ăn nếu không có kiến thức về nấm, hoặc chưa hỏi ý kiến chuyên gia.
Cách dùng
– Làm súp kem nấm, lẩu nấm, nhồi bơ hoặc xúc xích rồi nướng lò.
– Tránh dùng nấm chung với rượu bia, vì một vài loại nấm có thể sản sinh ra chất độc khi dùng chung với đồ uống có cồn.
Sự thật thú vị về khoai lang (sweet potato): Là loại rễ cây chứa rất nhiều chất chống ô-xy hóa, như các beta-carotene và vitamin C.
Lợi:
– Giảm huyết áp cao: Người bệnh cao huyết áp nên thường xuyên ăn khoai lang. Hàm lượng kali trong khoai lang cao hơn cả trong chuối, giúp giảm huyết áp rất hiệu quả.
– Các beta-carotene trong khoai lang rất hữu hiệu cho việc bảo vệ mắt và da, đặc biệt giúp cơ thể chống viêm nhiễm về da.
– Giảm nguy cơ ung thư vú, đây là kết luận của Khoa Y trường Đại học Harvard danh tiếng.
Cách dùng:
– Nên rửa sạch rồi ăn cả vỏ khoai, vì các chất xơ tập trung ở vỏ.
– Ướp ngũ vị hương trước khi nướng, khoai lang sẽ thơm lừng.
– Khoai lang cất trong tủ lạnh rất nhanh hỏng. Nếu trữ ở nhiệt độ khoảng 15ºC, khoai lang có thể giữ được đến một tháng.
Sự thật thú vị về măng tây (asparagus): Chứa rất ít năng lượng. Trong 6 ngọn măng tây chỉ có 20 calorie.
Lợi:
– Làm chậm quá trình lão hóa: Nhờ giàu chất chống ô-xy hóa.
– Chống suy giảm nhận thức, có khả năng giúp giảm stress nhờ giàu folate.
– Giảm phù nề: Do chứa chất lợi tiểu tự nhiên, giúp cơ thể đào thải bớt nước và muối dư thừa.
Hại:
– Gây bệnh gút (gout): Măng tây chứa nhiều purine – chất kích thích cơ thể sản sinh ra a-xít uric, nguyên nhân gây chứng gút rất đau đớn cho người bệnh.
Cách dùng:
– Măng tây giảm chất lượng rất nhanh, khi mua về nên ăn ngay. Bỏ phần già, chỉ lấy phần non rất ngắn ở trên ngọn.
– Cách nấu tốt nhất là hấp trên nồi nước sôi.
Sự thật thú vị về ớt (chili): Là gia vị không chỉ làm món ăn ngon hơn mà còn giàu chất dinh dưỡng. Ớt đỏ có giá trị dinh dưỡng cao hơn ớt xanh. Vị cay nồng của ớt do các chất capsaicinoid gây ra. Các chất này không mùi, không vị, nhưng tác động trực tiếp lên các gai tiếp nhận cảm giác đau của lưỡi.
Lợi:
– Phòng ngừa ung thư: Ớt chứa nhiều chất chống lão hóa, đặc biệt là các beta-carotene và vitamin C. Một trái ớt đỏ nặng 45g chứa tới 75mg vitamin C, đảm bảo 100% lượng vitamin C cơ thể cần trong ngày.
– Giảm rủi ro tắc nghẽn mạch máu: Chất capsaicin trong ớt có tác dụng như một chất chống đông, nhờ đó ngăn hình thành cục máu đông gây đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
– Phòng ngừa cảm cúm và dị ứng: Ớt chống nghẹt mũi rất tốt. Người bị cúm hay dị ứng có thể ăn ớt hay món ăn chứa ớt để thông đường thở qua mũi và xoang.
– Có thể giúp giảm cân: Một số nghiên cứu cho thấy thực phẩm cay có thể kích thích quá trình chuyển hóa trong cơ thể.
Hại:
– Bệnh trĩ: Ăn quá nhiều ớt sẽ gây kích thích trực tràng, dẫn tới dễ mắc bệnh trĩ.
– Đầy hơi bao tử: Mặc dù chưa tìm thấy minh chứng cho thấy ớt gây u xơ hoặc các bệnh đường tiêu hóa, ăn ớt có thể làm bao tử bị kích thích khó chịu, đặc biệt khi bạn bị chứng trào ngược bao tử.
Cách dùng:
– Không chỉ làm gia vị, bạn còn có thể nhồi thịt, cá, tôm… vào ớt trái lớn rồi chiên hoặc hấp. Món bún cá không thể thiếu trái ớt đỏ nhồi thịt thơm ngon.
Tiếp Thị Gia Đình