Đi trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q. 3, hay đường Mai Chí Thọ ở Q. 2; bạn sẽ bắt gặp những biển chào hàng: “Đặc sản miền Tây đuông dừa”. Nhìn vào đặc sản đó, bạn thấy những con đuông dừa béo tròn ngoe nguẩy, lúc nhúc.
Chúng có màu trắng sữa hay vàng nhạt, không có chân, cơ thể phân thành nhiều đoạn và có cái đầu màu nâu đen. Có người khiếp đảm nhưng đó lại là đặc sản béo; bổ mà nhiều người sẵn sàng mua sỉ với giá 6.000 đồng/con; hay ăn tại nhà hàng với giá vài chục ngàn/con.
Lý do của dân sành ăn
Trong “mốt” ăn côn trùng đang phổ biến hiện nay, đuông dừa rất được săn đón. Chẳng phải chỉ có bán rong; còn có cả siêu thị côn trùng cung cấp đuông dừa. Một số tài khoản Facebook rao bán “Đuông dừa 100% từ củ hũ dừa của cây dừa”.
Tại nhiều khu ẩm thực của các hội chợ; bạn không khó tìm một quầy bán các món ăn từ côn trùng; trong đó có đuông dừa. Còn về các nhà hàng ở miền Tây; dù không ghi trong thực đơn nhưng chỉ cần yêu cầu sẽ được phục vụ ngay đủ món từ đuông: Đuông sống ngâm nước mắm; rang, tẩm bột chiên, nướng muối ớt, hấp xôi hay nấu cháo…
Trên trang “Chuyên cung cấp đặc sản đuông dừa tại Hà Nội”; người bán khoe, vốn chỉ bán theo con nhưng có khách đòi mua theo cân. Kết quả, anh cân mấy túi liền, bán với giá gần chục triệu. Người này nhận xét về khách hàng: “Đại gia có khác”. Cũng trên trang này, rất nhiều khách hàng yêu thích món đuông dừa; yêu cầu chủ shop inbox báo giá để đặt mua hàng. Có cả các chủ nhà hàng yêu cầu báo giá để cập nhật thêm món mới cho nhà hàng.
Vì sao đuông dừa được săn đón đến vậy?
Đuông dừa (Rhynchophorus ferrugineus Olivier); là ấu trùng dạng sâu của loại bọ cánh cứng mà chúng ta thường gọi là kiến dương, bọ rầy. Con kiến dương đực và cái thụ tinh tạo thành trứng, đẻ trứng lên cây dừa. Trứng sẽ nở ra thành ấu trùng.
Để lớn lên, đám ấu trùng này sẽ ăn phần cổ hũ dừa của cây dừa. Đây là giai đoạn mà ta gọi chúng là đuông dừa và nếu bị bắt; chúng sẽ biến thành… mồi nhậu, đặc sản. Theo nghiên cứu ở Nam Phi; đuông dừa có thể được sử dụng làm thực phẩm bổ sung cho người để cân bằng chế độ ăn uống.
Theo một vài nghiên cứu; đuông dừa giàu chất dinh dưỡng, được giới sành ăn đánh giá có đủ vị ngon, vị béo, vị bùi. Có người đánh giá: Ăn đuông thật sự không phải là chỉ ăn một con sâu; chính ra là ăn cả một đời sống vào lòng, đời sống của một cây dừa hai, ba mươi tuổi, với đầy đủ tinh túy của hương hoa đất nước, của đất phù sa màu mỡ. Một số người ăn vì mục đích… cao cả. Họ cho rằng, ăn thứ thực phẩm này là cách bảo vệ môi trường; góp phần đảm bảo an ninh lương thực bởi khi dân số tăng nhanh, thực phẩm sẽ khan hiếm.
Quý tại sao lại bị cấm?
Năm 2013, sau khi Bến Tre phát hiện một số hộ nuôi đuông dừa; Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Công văn số 1955/BVTV-QLSVGHR nghiêm cấm nuôi đuông dừa dưới mọi hình thức. Đuông dừa là loài dịch hại nguy hiểm trên cây dừa; khó phòng trừ nên bị nghiêm cấm nhân nuôi, buôn bán dưới mọi hình thức.
Theo mô tả của người dân; đuông dừa ăn tàu hũ dừa tạo ra tiếng rào rào; nghe như tiếng máy chà lúa bên trong thân cây. Chúng xâm nhập ở đọt dừa và ăn dần xuống thân. Tàu hủ dừa bị tấn công nặng sẽ làm cây dừa chết. Những cây dừa bị đuông đục sẽ không có cách cứu chữa. Cách duy nhất là bứng gốc dừa đốn bỏ.
Trong khi đó, để có trái, người nông dân phải mất ít nhất đến 3 năm một nắng hai sương chăm sóc cây dừa. Đuông xuất hiện chính là thù địch lớn nhất của cây dừa và người trồng dừa.
Khóc cười cái chuyện ăn
Vì sự an toàn của cây dừa; giữ vững giá trị của cây dừa, đảm bảo cuộc sống cho người trồng dừa; Cục Bảo vệ Thực vật mới phát đi công văn nghiêm cấm việc nhân nuôi, mua bán đuông dừa. Tuy nhiên, cấm thì cấm, người ăn vẫn tìm mua. Có cầu ắt có cung. Vì lợi ích kinh tế, nhiều hộ gia đình vẫn lén lút nuôi đuông dừa để bán.
Theo một người cung cấp đuông dừa; để đáp ứng nhu cầu ăn đuông; việc kiếm bắt đuông ngoài tự nhiên không khả thi. Cách duy nhất là phải nhân nuôi. Để nuôi đuông, người ta thường đi tìm bắt con bọ kiến dương trưởng thành ngoài tự nhiên hoặc mua với giá khoảng 50.000 đồng/con; đem về làm đuông giống. Chúng sau đó được nhốt vào thùng nhựa đậy nắp, có đục lỗ thoáng khí; cứ 5 con đực lại có 5 con cái. Thức ăn cho chúng là lá dừa non xay nhuyễn thoặc thân dừa non. Khi chúng đẻ trứng, nở thành ấu trùng, ấu trùng lớn bằng ngón tay sẽ thu hoạch, đem bán.
Tuy nhiên, theo dân sành nghề; dù có “nhốt” kín thế nào, trong quá trình nuôi, thành trùng đuông dừa vẫn có khả năng bay ra ngoài; phát tán nhanh và rộng, tàn phá diện tích lớn cây dừa.
Nhiều hộ dân ở xã Phú Thuận, huyện Bình Đại, Bến Tre; từng khóc ròng khi năng suất vườn dừa giảm tới cả phân nửa. Đau hơn, không ít hộ phải tự tay đốn bỏ những gốc dừa sắp đến ngày thu trái mà mình đã dày công chăm sóc. Việc nuôi đuông dừa sau đó bị nhà nước cấm nhưng do lợi nhuận cao; nhiều người vẫn lén nuôi. Đó là lý do đuông dù bị cấm vẫn có bán rộng rãi. Người bán còn cam kết: “Muốn mua bao nhiêu cũng có”. Có thể thấy rõ, mắt xích đầu tiên của dây chuyền này bắt đầu từ… cái miệng.
Lợi và hại
Ăn đuông dừa là ta đang tiếp tay giết chết cây dừa. Góp phần giết chết một loại cây, liệu có phải là cách bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái?
Ăn đuông dừa đem lại lợi ích kinh tế cho một nhóm nhỏ người nhưng nó lại cướp đi bát cơm của biết bao người khác.
Ăn đuông dừa thỏa mãn sở thích ăn uống của một nhóm nhỏ người nhưng cả một nhóm lớn người trồng dừa phải khóc ròng vì lo đuông phá hại.
Ăn đuông dừa là chúng ta đang gây hại cho cả một nền nông nghiệp trồng dừa. Dừa đã đem lại sự ổn định kinh tế cho bao gia đình, đã làm nên cái hồn mộng mơ của xứ dừa Bến Tre.
Một cây dừa cho ra được khoảng 100 con đuông? Với giá 6.000 đồng/con, một cây dừa thu hoạch đuông được 600.000 đồng rồi chết. Nhưng một cây dừa cho trái lại thu hoạch ít nhất tới 20 năm. Với nhu cầu nước dừa, cơm dừa, các sản phẩm từ dừa của người dân hiện nay, cây dừa vẫn đem lại lợi ích cao hơn đuông.
Và thêm một điều nữa, không ăn đuông dừa, chúng ta còn vô số thực phẩm giàu dinh dưỡng, ngon, bổ, lành mạnh khác.
Vậy tại sao chúng ta lại cứ phải chọn đuông dừa?
Bài: XOA NGUYỄN
Tiếp Thị Gia Đình