Gần đây mạng xã hội xôn xao vụ việc kiện tụng của vợ chồng vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ. Có một khía cạnh được bình luận nhiệt tình là vụ việc nhịn ăn 49 ngày để thiền định. Trên thực tế, việc nhịn ăn hành thiền khá phổ biến với những người tu tập. Họ có thể nhịn theo từng thất (một thất là 7 ngày); quá trình này phải từ từ thì khoai mới nhừ; việc nhịn đến 49 ngày rõ là đẳng cấp của các cao thủ.
Nhiều người tin rằng nhịn ăn trị ung thư; điều này thực hư ra sao? Bởi chỉ riêng việc hạ đường huyết thôi cũng đủ để tiễn chúng ta về nơi xa lắm. Mọi ảo tưởng về việc đạt đến cảnh giới tu tập siêu phàm đều chỉ dành cho số rất ít những người có khả năng về hành thiền lâu năm.
Khi chúng ta quyết định khám phá những năng lực ẩn sâu (nếu có) trong cơ thể mình; trước hết nên bắt đầu từ những thứ cơ bản như dậy sớm, tập thể dục, ăn uống điều độ. Nhân câu chuyện này, TTGĐ có xin ý kiến của bác sỹ Lê Đình Phương của bệnh viện FV; anh đã có những chia sẻ thú vị cho bạn đọc về vấn đề điều trị ung thư.
Nhịn ăn trị ung thư?
“Nguyên lý” của phương pháp nhịn ăn trị ưng thư này là bỏ đói tế bào ung thư cho nó chết; không cung cấp dưỡng chất cho nó phát triển. Nghe quá hợp lý quá phải không? Nhưng để tôi chia sẻ một chút qua góc độ của y khoa thực tiễn.
– Bản chất của ung thư là loạn sản (dysplasia); phát triển búa xua của các tế bào. Bắt nó nhịn đói thì nó chết? Đúng rồi. Nhưng khi tế bào ung thư tới mức đói mà chết thì những tế bào bình thường khác cũng chết theo; kể cả tim não, thận phổi. Đó là chưa kể những tế bào miễn dịch, có tác dụng tiêu diệt khối u. Mấy tế bào miễn dịch nó mà chết, thì ung thư bùng ra.
– “Nhịn ăn 49 ngày không chết, nhịn uống mấy ngày cũng không chết”. Chuyện này không thể nghe theo! Khi đường huyết < 40 mg/dL, não chết ngay. Tế bào não của chúng ta “xài” đường ghê lắm; (nên mấy bạn sinh viên học bài khuya, mấy bà thức khuya đánh tứ sắc… thường hay đói bụng là vậy). Ai không tin tôi cho coi vài ca bệnh hôn mê do hạ đường huyết; sống thực vật nằm ngay đơ như khúc gỗ ở chỗ tôi điều trị.
Còn nhịn uống mấy ngày? Xin lỗi, mình thở thôi thì lượng nước mất không nhận biết (insensible loss) qua hơi thở; mồ hôi là 500ml mỗi ngày. Các bác sĩ hồi sức (có tôi) luôn luôn cộng thêm nửa lít nước này khi bù nước cho một bệnh nhân hôn mê; không ăn uống được bên cạnh lượng nước tiểu ra và nôn ói. Cơ thể cần nước để tuần hoàn, chuyển hóa.
– Tẩm bổ có làm tế bào ung thư phát triển?
Tùy! Tây y hạn chế dùng axit folic cho bệnh nhân ung thư; vì folic tăng tổng hợp nhân tế bào. Nhưng folic không cung cấp năng lượng; nó chỉ là một loại vitamin giúp chuyển hóa; thiếu chút cũng không chết ai. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư phải bảo đảm dinh dưỡng để chống chọi với bệnh tật; để sống vui, sống khỏe, tăng cường miễn dịch.
– Khi nào không nên trị ung thư?
Khi những nghiên cứu y học nghiêm chỉnh tiên đoán khả năng sống sót là 0% trong thời gian rất ngắn; bất kể những tiến bộ điều trị. Còn nếu khả năng sống thêm 5 năm ở thời điểm hiện tại là 10%; cũng nên cố gắng. Vì biết đâu, sau 5 năm, tỷ lệ thành công sẽ tăng lên nhờ những tiến bộ của y học.
– Hóa trị làm suy kiệt cơ thể, “uýnh chết ngắc” lục phủ ngũ tạng?
Đúng và sai! Với những tiến bộ hiện nay, hóa trị là một vũ khí ngày càng sạch, có nghĩa là nó không đánh loạn xạ cả quân địch lẫn dân thường, mà chỉ nhắm vào đích đặc hiệu của một loại tế bào ung thư nào đó. Herceptin trị ung thư vú là một ví dụ điển hình, nó chỉ nhắm vào thụ thể HER trên tế bào ung thư vú.
Xạ trị cũng vậy, càng ngày càng sạch, nó bắn phá rất khu trú, không “chơi tèm lem” để lại hậu họa. Mà vài tác dụng phụ như thiếu máu, rụng tóc, chán ăn… sau hóa trị, xạ trị thì không độc hại hơn phóng xe tẹt ga hay nhậu đâu, nhất là so với cái giá được sống sót.
– Đừng chữa theo bài thuốc trên mạng hay truyền miệng
Đọc sách báo y khoa ư, cũng tốt. Nhưng nói thiệt, báo y khoa chính thống nặng đô lắm; chi chít cả toán học và thống kê phức tạp, đừng phí thời gian. Bạn cứ nhè bác sỹ của mình ra mà hỏi.
– Chớ bao giờ phạm lỗi ngụy biện lấy cái lẻ tẻ để suy diễn thành cái phổ quát. Ví dụ: đọc loáng thoáng đâu đó một vài case tai biến chích ngừa; rồi sổ toẹt vaccine và khuyên mọi người khác làm theo. Y học gọi đây là cân nhắc lợi ích – nguy cơ (benefit – harm weighing); dựa trên bằng chứng khách quan và đủ lớn để giúp mình quyết định.
Do đó, một vài trích dẫn, cứ cho là có thực; nhưng không đủ thành quy luật đâu bạn ạ. Đọc được dăm chữ mà thiếu hiểu biết về miễn dịch, sinh lý, thống kê y học… rồi biến cái hãn hữu thành quy luật là tai hại. Thay vì tự bắt bệnh cho mình thì hãy đi hỏi bác sỹ.
Thưa các bạn, đây là lời khuyên của một người sẵn sàng cắt tay mình để được sống sót vì nghi mắc ung thư xương. Hoặc sẵn lòng chìa vein cho đồng nghiệp chơi 1 shot Fentanyl để “chia tay” nếu nhận thức (dựa trên hiểu biết) chứng ung thư xương của mình là vô phương cứu vãn.
Hãy ăn uống điều độ, sinh hoạt lành mạnh, nếu có thể cứ thiền và suy nghĩ đến những điều tích cực. Nhưng nhất thiết không được liều lĩnh hóa thánh bằng các con đường phi thường.
Tiếp Thị Gia Đình