Trải qua vài chục năm mở cửa tiếp nhận nền kinh tế thị trường, nhiều sếp ở xứ ta cũng tạo nên một văn hóa dùng người khá tiêu biểu. Nhân dịp Tết đến Xuân về, mời bạn cùng cười với những nghịch lý khôi hài về thuật dùng người ở quanh ta.
Thuật dùng người thứ nhất: Nhận người thân, người quen
Thuật dùng người đầu tiên được ưa chuộng ở xứ mình là: dùng người quen; người được gửi gắm. Đó là một sự can đảm lớn lao và là một thành tựu vĩ đại của ngành quản lý nhân sự. Tại sao can đảm? Chưa biết đầu ngang mũi dọc nhân sự ra sao nhưng sẵn lòng cho đảm nhiệm một vị trí để “rèn luyện” và thi thố một khả năng tiềm ẩn mà chưa ai biết; chưa được kiểm chứng.
Hỏng việc ư, ôi dào, bọn trẻ nó cần va vấp mới có thêm kinh nghiệm; làm riết rồi cũng quen. Nếu làm riết không quen? Luân chuyển phòng ban khám phá khả năng tiềm ẩn của con trẻ – tất nhiên nếu chỗ dựa còn giá trị.
Tại sao là thành tựu? Bất chấp nhân sự tạp nham, trình độ không rõ ràng; anh cử nhân kinh tế thì làm quy hoạch đô thị; anh cử nhân nông lâm thì làm thuế… nhưng tài tình là báo cáo cuối năm của công ty đều xuất sắc, vượt chỉ tiêu… Đó chẳng phải là đã phát huy tối ưu những tiềm năng trong con người đó sao?
Sinh viên mới ra trường ở xứ ta thôi thì chật vật đủ đường; chưa có việc làm thì tranh thủ chạy xe ôm, phụ bàn… Nhiều bạn tốt nghiệp đại học xong thì quay lại học trung cấp cho biết nghề để dễ xin việc. Trừ khi quá giỏi hoặc học ở nước ngoài về; cơ hội mới dành cho lính mới không nhiều. Có lẽ vì lao động chân tay và lao động phổ thông mới là vinh quang chăng?
Thuật dùng người thứ hai: Đứa nào có tiền chạy cửa sau thì dùng đứa đó
Việc chạy vài trăm triệu cho con em để có một chỗ làm “nghe có vẻ ổn” là việc thường tình ở xứ ta; đặc biệt là ở ngoài Bắc khi tư duy có biên chế, có người quen chỗ này chỗ kia… vẫn là cái phao cứu rỗi tâm hồn người dân. Nhiều gia đình phải vay mượn chạy chọt khoản tiền rất lớn so với khả năng kinh tế để lo cho con có… sổ hưu như vậy.
Kết quả vẫn là lương ba cọc ba đồng; niềm hy vọng của gia đình trở thành cao thủ chơi game; chuyên gia cà-phê/ẩm thực khu phố và chém gió thành thần trên mạng. Ai lanh lợi, may mắn biết lấy lòng sếp; biết bon chen chút thì được “chia” vài quả ngọt; lâu dần cũng bệ vệ có bụng bia như ai, nhìn rất thành đạt.
Tư lợi và kết bè kết phái có thể nói là một văn hóa phi vật thể ở xứ ta, nó có thâm niên và lớn mạnh, tự rút ra những kinh nghiệm để lách luật, để hãm hại lẫn nhau và để sao cho đầy túi mình một cách nhanh nhất mà không cần tính đến hiệu suất công việc.
Thuật dùng người thứ 3: Thư ký thì phải xinh
Các giám đốc xứ ta còn một điểm tài tình về thuật dùng người nữa là cách lựa chọn thư ký đầy khác biệt với châu Âu và Mỹ. Ở xứ người, nếu công việc kinh doanh tốt; danh tiếng công ty cao thì thư ký của ban giám đốc đều là những người rất giỏi; thạo việc, có thể nói là ba đầu sáu tay.
Tuy nhiên ở xứ ta; nếu lên chức và bổ nhiệm vị trí oách thì thư ký buộc phải xinh hơn; chân dài hơn, các vòng nảy nở hơn. Tuy không phải tất cả (người giỏi là liêm chính thực sự không làm vậy, người sợ vợ cũng không làm thế), nhưng nếu có thể thống kê thì con số sẽ khá ấn tượng.
Vấn đề ngoại hình được đưa vào tiêu chí tuyển dụng và nghiễm nhiên là nằm ở hàng đầu. Nhiều ông bầu chân dài cũng cung ứng dịch vụ thư ký chân dài ngắn hạn phục vụ các sếp đi công tác. Phải nói là vô cùng sôi động.
Thuật thứ tư: Ai biết giữ mồm, biết nịnh vợ sếp thì được trọng dụng
Ai có thể là thân tín của sếp? Thường là tài xế riêng hoặc trợ lý đặc biệt. Người này chạy vào đến vòng này cũng vất vả nên thường lanh lợi; hiểu chuyện. Anh ta buộc phải trang bị các kỹ năng: trả lời điện thoại vợ sếp trơn tru; chuyên nghiệp nghe như là sếp đang bận chuyện tày đình lắm. Bên cạnh đó là khả năng phản ứng nhanh với các câu hỏi kiểm tra nhanh của vợ sếp.
Quan trọng nhất là anh ta phải kín mồm, kín miệng, không khoe khoang; nhậu nhẹt chúng bạn để rò rỉ chuyện riêng của sếp. Anh ta phải nắm rõ các khu ăn ngon, chơi vui và cả những dịch vụ vui vẻ dành cho sếp khi cần.
Tóm lại, anh ta phải là chuyên gia giải trí kiêm chuyên gia tâm lý hàng đầu để thu vén cuộc đời sếp ngoài mái ấm gia đình. Nhân sự này không do trường lớp đào tạo mà tự trưởng thành qua thử thách công việc và thời gian. Chỉ cần nhanh nhạy và nói dối không biết ngượng; cầm tiền (cả của sếp lẫn vợ sếp) chui kín đáo; có trách nhiệm là được.
Năm mới mong cho nhân tài được trọng dụng
Những chuyện người ta buôn dưa lê về các sếp ở xứ mình được người dân ưa chuộng lắm; ai nghe cũng hể hả cười đùa. Tôi nghe vài lần chỉ thấy buồn. Chẳng lẽ giá cả đã thay cho giá trị rồi ư? Chả lẽ làm người lương thiện khó đến thế? Tại sao nhiều người sẵn lòng tham dự vào một cuộc mua bán lương tâm, đạo đức và trách nhiệm như thế? Lòng tự trọng hay đạo đức chả lẽ chỉ để nói suông? Người biết chuyện thì nhắm mắt cho qua, người thì sợ sệt, người thì ham muốn được ưu đãi như thế nên càng nịnh trên đạp dưới…
Năm cũ đã qua đi, năm mới bắt đầu, hi vọng nhân tài nước ta sẽ đua nở và được trọng dụng, góp phần dựng xây đất nước giàu mạnh.
Bài: NGUYỄN HẬU
Tiếp Thị Gia Đình