Binh pháp Tôn Tử ứng dụng trong kinh doanh (P. 2)

Nếu xét trong binh pháp Tôn Tử, hội đồng quản trị của hãng này định chiếu tướng thắng ván cờ tàn nhưng chữ “Ngờ” của thế thời đã dẫn đến thảm cảnh chung: tàn cuộc đất đai. Mọi tướng sỹ ngành bất động sản đều phải ôm đầu máu trong tình trạng nợ nần tứ bề ngồi bất động...

Thất kế dự đoán thành bại

Trong Binh pháp Tôn Tử có một thiên là Thất kế; đây là những căn cứ để đánh giá, dự đoán thắng bại trong cuộc chiến. Một là người lănh đạo có Đạo (minh triết, chính nghĩa) không? Hai là tướng cầm quân có tài năng không? Ba là cuộc chiến có hợp với Thiên thời địa lợi không? Bốn là kỉ cương của quân đội có chặt chẽ không? Năm là binh lực có đủ mạnh không? Sáu là binh sĩ có được tập luyện tốt không? Bảy là việc thưởng phạt có nghiêm minh không?

Khi ứng dụng sang thương trường; mọi thứ lại càng rõ ràng hơn. Lãnh đạo tài trí, nhân nghĩa sẽ được nhân sự tin yêu; trung thành, dốc sức phò tá. Những nhân sự cấp cao có tài đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó có thêm những người cầm đầu sáng suốt để hoạch định kế sách; có nhiều ý tưởng độc đáo khi kết hợp với nhau.

Kỷ cương và binh lực là hai điều song hành; không thể tách rời. Binh giỏi mà kiêu căng; lười nhác sẽ dẫn đến chủ quan, tụt hậu, thất bại. Thiên này chủ về biết mình biết người; nhìn ra tiềm năng thế mạnh/yếu của kẻ địch, so sánh tương quan lực lượng để có cách đánh phù hợp. Hợp tác liên kết hay cạnh tranh thị trường đều phải tính đến so sánh lực lượng giữa doanh nghiệp mình với đối tác/đối thủ.

binh phap Ton Tu hinh anh 1

Tích lũy sức mạnh nhưng coi chừng vốn nhàn rỗi

Bất cứ hiện tượng nào cũng có hai mặt; trong thắng có thua, trong thành có bại. Sau một cuộc chiến là tương lai, là sự lâu dài và cũng bao gồm cả nhiều nguy cơ, kẻ thù chưa lộ diện. Trong các kế đối kháng diệt địch; Binh pháp Tôn Tử đặt chữ “Thế” lên đầu bất kể là thời loạn hay thời bình. Cái thế ví như tảng đá từ đỉnh núi cao giáng xuống; không gì cản nổi. Muốn khi cạnh tranh, chiến đấu có thế mạnh mẽ đó thì trong thời bình phải dày công tích thế, tạo thế, tích lũy sức mạnh.

Thực tế thương trường cho thấy, việc tích lũy sức mạnh trong thời bình một cách “hồn nhiên” và “tham” dễ mắc sai lầm khi bỏ qua chữ “thức thời”; không lường trước được hiểm nguy. Bài học “Bỏ tải thành bất động” của hãng taxi Mai Linh vài năm trước là ví dụ điển hình trong việc tạo thế này. Việc hãng này lâm vào cảnh nợ nần bắt nguồn chủ yếu từ những lỗi tham cá nhân “chết người” mà việc khủng hoảng kinh tế chỉ góp thêm vào đó một chữ ngờ.

Ưu điểm cũng là nhược điểm của hãng vận tải này là quá cồng kềnh về tổ chức; hàng chục nghìn lao động và vài chục công ty con trải dài trên toàn quốc. Hãng này đã huy động nhiều tỷ đồng nhàn rỗi của một số cá nhân đáng kể để thực hiện kế hoạch Bỏ Tải thành Bất động… sản. Trong kinh doanh không ai lường trước một chữ ngờ, khi biến cố xảy ra ở thị trường dài hạn thì khoản vay ngắn hạn quay lại xiết cổ.

binh phap Ton Tu hinh anh 2

Hóa giải nguy cơ

Tiếp tục bàn sang kế tiếp theo của binh pháp Tôn Tử: Gặp nguy cơ phải tìm ra lối thoát. Không bao giờ bó tay chịu chết; càng nguy cơ càng phải tỉnh táo, sáng suốt để vượt qua sóng gió. Chúng ta bàn tiếp về câu chuyện của hãng xe đang lâm nguy; họ đã tháo gỡ ra sao. Trước tiên, hãng này tái cơ cấu lại bộ máy theo hướng chuyển hàng chục công ty con ở các tỉnh thành các chi nhánh; bán bớt bất động sản nhà xưởng; văn phòng; chuyển sang sử dụng văn phòng thuê; sắp xếp lại công việc nhằm tiết kiệm chi phí và có nguồn tiền thanh toán các khoản nợ.

Khó khăn lớn nhất là phải xoay sở trả nợ nhiều tỷ cho nhiều tổ chức và cá nhân trong hoàn cảnh doanh thu từ taxi không thể tăng vì khó khăn kinh tế chung. Giải pháp cứu nguy khả thi là thuyết phục các nhà đầu tư chuyển nợ thành vốn góp và trở thành cổ phần được hưởng ưu đãi cổ tức. Tiếp theo họ huy động vốn điều lệ; một số trả nợ; một số đầu tư mua taxi giá rẻ hơn và bán bớt taxi bảy chỗ.

Thần tốc chớp thời cơ

Binh pháp Tôn Tử dạy: Trong chiến trận, đòn hiểm là đòn nhanh và đánh đúng vào chỗ yếu của đối phương. Trong thương trường; chỗ yếu của đối phương là những nhu cầu của thị trường mà các đối tác khác chưa phát hiện ra hoặc chưa đáp ứng được. Bạn phải có tầm nhìn xa hơn mức diễn biến đang xảy ra của thị trường, tung ra sản phẩm “thời cơ” trước đối thủ cạnh tranh và kiểm soát thị trường mới.

Điều quan trọng mà Tôn Tử đề cập đến: Trước trận đánh không được bộc lộ lực lượng; nhưng khi bắt đầu trận đánh thì phải ra tay thật nhanh. Trong kinh doanh cũng vậy, khi thế hợp tác và cạnh tranh khó lường như hiện nay; bạn không nên bộc lộ hết khả năng và lực lượng để dành sự bất ngờ đó cho đến khi thời cơ chín muồi, tung toàn bộ lực lượng đánh thần tốc để chiếm lĩnh thị trường, hất cẳng các đối thủ cạnh tranh.

Xét đến cùng, Binh pháp Tôn Tử hướng người lãnh đạo đến sự minh triết, nhân nghĩa, biết nhìn xa trông rộng, biết hành động cấp kỳ và không bao giờ được quá tham lam.

Bài: NGUYỄN HẬU

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua